Bị bủa vây những công việc nhà không tên, hàng trăm thứ phải lo toan những ngày cuối năm, họ dường như kiệt sức và thốt lên rằng bị tết “nuốt chửng”.
Chiều 30 tết, PV Một Thế Giới nhận được chia sẻ về chuyện ngày cuối năm của một bạn đọc. Đó là câu chuyện của người đàn ông độc thân đi làm ăn xa và về quê ăn tết. Đây cũng là câu chuyện không của riêng ai trong những ngày giáp tết.
Danh sách việc không tên dài đăng đẵng ngày cuối năm
Tối 28 tết, anh Nguyên Đức (30 tuổi) mới từ một tỉnh miền Tây về quê nhà ở Bình Phước. Anh Đức cho hay, anh làm việc xa nhà đã hơn 10 năm qua, và tết nào anh cũng về nhà với gia đình. Bản thân anh cũng rất mong chờ ngày xum họp năm nào cũng nôn nao về quê những ngày giáp tết. Năm nay do dịch bệnh diễn biết phức tạp, anh không dám ngồi xe khách đông người để “đi xuyên” qua nhiều tỉnh thành về nhà. Anh chọn đi xe máy, vượt hơn 450km, qua 6 tỉnh, thành để về tới nhà.
“Tôi chạy suốt đoạn đường đó mà không dám ghé vào một quán nước nào vì sợ dịch bệnh, chỉ có ghé duy nhất một quán cháo ở Long An trong vòng 15 phút. Lúc cần nghỉ, tôi chỉ tấp vào gốc cây ven đường, uống nước rồi lại lên đường, về tới nhà đã 8 giờ tối”, anh Đức kể. Lúc này, nồi bánh tét mới được mẹ anh đặt lên bếp chừng 2 giờ. Anh hiểu rằng tối nay phải thức canh nồi bánh để cho cha mẹ được ngủ đủ giấc.
Thế nhưng trời không thương, mới xong bữa cơm muộn và bước ra khỏi nhà tắm, thì trời ầm đùng chuyển mưa. Nồi bánh bắt trên bếp để “hiên ngang” ngoài trời khiến cả nhà anh phải nháo nhào tìm phông bạt căng lên chống mưa. Lê tấm thân rã rời vì đường dài, anh Đức leo thang căng bạt để bảo vệ nồi bánh tét.
Chật vật tầm 30 phút thì bạt cũng căng lên, trời cũng hết mưa. Củi bị ướt, phải vận dụng đủ mọi biện pháp lửa mới bùng lên lại. Đêm 28 tết, anh ngồi bên nồi bánh đến hơn 2 giờ sáng thì mắt mở không nổi rồi... bất chấp đi ngủ. Mẹ anh thức dậy thay ca và trông tới sáng.
“Cha tôi tuổi cao nên không phụ giúp gì nhiều, tất cả chỉ trông chờ vào tay mẹ tôi. Cũng như mọi năm, mẹ tôi đều làm chủ, quyết định ăn tết như thế nào. Mẹ tôi là người khó tính, quy củ, việc gì phải đúng theo ý bà thì mới được”, anh Đức kể. Và đó cũng là những ngày trước tết không hề bình yên với người đàn ông này.
Sáng 29 tết, anh Đức tranh thủ chạy vào nhà người bạn trồng bông, đặt 2 cặp hướng dương rồi tất tả trở về nhà. Dù mẹ anh và người chị gái đã làm rất nhiều công việc nhà trước chỉ còn lại một số việc cần có bàn tay đàn ông thì mới tới lượt anh. Nhưng một số việc này cũng không hề đơn giản, vì anh phải là đúng truyền thống của gia đình thì mới hài lòng "phụ mẫu".
“Tôi gần như phải gột rửa hết cả nhà đúng nghĩa, cái gì dùng nước xịt, dùng xà bông chà rửa được thì phải làm hết, mà phải làm chất lượng. Từng tấm cửa kính trong nhà phải được lau sáng bóng, từng ngóc ngách, tôi nhận nhiệm vụ lau những tấm kính trên cao, phải leo lên thang xuống thang liên tục để di chuyển.
Hết nửa ngày chưa đâu tới đâu thì mẹ chỉ vô mấy chiếc xe máy dính đầy đất đỏ nhắc phải rửa, 2 con chó phải tắm cho chúng ăn tết, còn phải ghé vô thăm mấy vườn điều cuối năm, bữa cơm cúng chiều 30…”.
Sau cùng, với sự phụ giúp của chị gái, anh Đức cũng hoàn thành những bước cuối của loạt công việc dọn dẹp nhà cửa. Mẹ anh nhắc thêm cần phải bắc thang lau cánh quạt trần cao tít và đi thăm một số gia đình bà con họ hàng. “Có một số người trong gia đình, tôi cần phải ghé thăm ngay khi trở về nhà, chứ không thể để qua ngày thứ 2”, anh Đức kể.
Vắt kiệt sức ngày 30 tết
Sáng 30 tết, anh Đức dậy sớm tranh thủ vô thăm và cúng ở mấy vườn điều, cách nhà hơn chục cây số. Anh giải thích rằng việc thăm nom này như là lệ của anh và những người dân vùng này. Cuối năm, đầu năm đều phải thăm, cúng viếng bài bản để cầu mong một vụ mùa thuận lợi.
Nhà anh Đức có 3 mảnh vườn ở 3 nơi khác nhau, anh cần đi đến tất cả kiểm tra kỹ lưỡng rồi về… báo cáo lại. Anh kể: “Có năm mùa điều tới sớm, ngày tết đã rộ trái, nhà tôi và người dân ở đây đều cắm mặt suốt ngày 30 tết trong vườn. Đến chiều mùng 1 phải vô vườn lại, nếu không sẽ bị mất cắp điều”.
Đến trưa, anh Đức về nhà và kịp thời tham gia vào bữa cơm cuối năm của nhà người chú ruột ở kế bên. Ăn xong, anh và cha mẹ trở về nhà chuẩn bị bữa cơm cuối năm cho nhà mình. Cha mẹ anh Đức là người Huế và với những buổi cúng kiếng luôn phải tuân thủ hàng loạt quy cũ.
“Còn may là nhà tôi luôn cúng cơm chay, nên nấu nướng cũng có phần đơn giản. Nhưng cực nhất là bày biện trên bàn thờ. Chúng tôi phải cúng 5 nơi, món ăn đều phải đầy đủ như nhau. Ở bàn thờ IÔng Bà thì phải cúng nhiều hơn, rồi bàn ông Địa, ông Táo, cúng ngoài trời. Quá trình cúng, phải thay nước cúng 2 lần, lần 1 nước lọc, lần thứ 2 nước trà.
Từ lúc thắp nhang cho đến lúc nhang tàng, cha tôi phải đứng hầu bên bàn thờ, tôi phải ở quanh đâu đó, chờ sai bảo. Mà đâu phải vậy là xong đâu, cúng xong, ăn cơm chiều xong thì mẹ tôi lại quay sang rửa dọn rồi chuẩn bị cho mâm cúng giao thừa. Mâm cúng giao thừa cũng phải bài bản như vậy, có điều phải chờ cho đúng thời điểm chuyển giao. Ai từng chuẩn bị mâm cúng mới biết việc đó không hề đơn giản”, anh Đức cười như mếu kể.
Trong lúc mẹ làm bếp thì anh Đức loay hoay cắm gần chục bình bông và trái cây để ở mỗi bàn thờ, bàn khách. Tất cả phải đẹp và tương đối hài hòa theo đúng truyền thống gia đình. Tất nhiên việc vẫn chưa xong. Trong lúc mẹ và chị gái cứ mãi loay hoay trong bếp nấu ăn, rửa chén rồi lại nấu ăn rửa chén, anh Đức ra chợ, chen lấn để mua được 1 bao nước đá về để trữ thực phẩm vì tủ lạnh đã chật cứng.
Rồi anh tạt qua cây xăng để mua 1 bình xăng. Anh Đức giải thích: “Cây xăng có đóng cửa ngày nào đâu, nhưng mẹ tôi luôn muốn trữ sẵn trong nhà để lúc cần là có, bà muốn năm mới phải đủ đầy, kể cả xăng…”.
Nhưng điều anh Đức lo ngại nhất là sáng mồng Một, khi bà con họ hàng đến thăm rồi ở lại nhà ăn cơm trưa, thì mẹ anh và cả những người chị gái còn lại được huy động ở trong bếp để quay lại điệp khúc: nấu ăn, rửa chén.
Anh Đức bày tỏ: “Tôi thường lăng xăng trong bếp làm cái này cái kia nhưng đều bị đuổi lên trên để ngồi tiếp chuyện với các chú các bác. Chuyện này không công bằng với phụ nữ chút nào, khi vị trí của họ những ngày này cứ phải ở trong bếp. Đáng nói là bản thân của họ nhiều người không muốn thay đổi định kiến đó”.
Câu chuyện của Đức thực chất cũng là câu chuyện chung của rất nhiều người trong dịp tết đến xuân về. Nhiều trường hợp còn oái oăm, “kêu trời không thấu” hơn. “Tôi nghĩ rằng yêu cầu chuẩn bị một cái tết tươm tất cho mỗi gia đình là điều tốt thôi, nhưng quan trọng là mình đừng nặng nề lễ nghĩa. Những ngày như thế này thực sự chỉ nên vui vẻ và hưởng thụ thì mới đúng nghĩa hơn”, anh Đức đúc kết.