Các bệnh viện đang thực hiện tự chủ toàn diện nhưng lại không có những quy định cụ thể, thống nhất gây lúng túng trong triển khai.

Nhiều bất cập khi thí điểm tự chủ toàn diện ở Bệnh viện Chợ Rẫy, Bạch Mai, K và Việt Đức

Hồ Quang | 27/06/2021, 18:32

Các bệnh viện đang thực hiện tự chủ toàn diện nhưng lại không có những quy định cụ thể, thống nhất gây lúng túng trong triển khai.

Cơ chế, chính sách chưa hoàn thiện

Bộ Y tế đang triển khai thí điểm tự chủ toàn diện tại 4 bệnh viện lớn gồm Bạch Mai, K, Việt Đức và Chợ Rẫy.

Đây là một xu thế tất yếu, để phát triển và cần thực hiện theo lộ trình, có cơ chế tổ chức hoạt động phù hợp với điều kiện cụ thể của từng bệnh viện. Thực tế lâu nay các bệnh viện đã tự chủ phần lớn.

Trong đó, Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện K, Bệnh viện Bạch Mai vẫn đang thực hiện tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tự bảo đảm toàn bộ chi thường xuyên về tài chính.

Trong lần thí điểm thực hiện tự chủ toàn diện tại 4 bệnh viện này, công tác tổ chức, nhân sự được thực hiện theo Điều 66 Nghị định 115/2020/NĐ-CP ngày 25.9.2020 của Thủ tướng Chính phủ.

Theo đó, quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý và quản lý viên chức, quy định rõ với đơn vị sự nghiệp công lập, tự bảo đảm chi thường xuyên. Ngoài 9 nhiệm vụ quyền hạn chung, còn 3 nhiệm vụ và quyền hạn thêm giống nhau về nhân sự gồm: Quyết định danh mục vị trí việc làm, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp và số lượng người làm việc theo quy định của Đảng và của pháp luật; tổ chức thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp theo quy định của pháp luật và theo phân cấp, phân công; quyết định cử viên chức tham dự các cuộc hội thảo, hội nghị, nghiên cứu khảo sát và học tập kinh nghiệm ở nước ngoài theo phân cấp.

nhieu-lo-hong-trong-tu-chu-toan-dien-benh-vien-hinh-anh(1).png
Bệnh viện Bạch Mai- một trong những bệnh viện đang thực hiện tự chủ toàn diện  - Ảnh: PV

Thực tế cho thấy hình thức tự chủ này so với tự chủ toàn diện theo Nghị Quyết số 33 được đánh giá gần giống nhau, chỉ khác ở chỗ có hay không có tự chủ chi đầu tư. Thế nhưng về chi đầu tư, vấn đề cơ bản là quy định khung giá các dịch vụ y tế cần được tính đúng, tính đủ bao gồm cả khấu hao thiết bị, tài sản… Tuy nhiên, vấn đề này đang trong lộ trình hoàn thiện. Vì vậy, dù đã có phê duyệt tự chủ toàn diện, triển khai tự chủ toàn diện thì các bệnh viện vẫn chưa có cơ sở thực hiện chi đầu tư được.

Mặt khác, trong quá trình triển khai cơ chế tự chủ tài chính tại các bệnh viện gặp phải nhiều vướng mắc. Khó khăn lớn nhất mà bệnh viện tự chủ phải đối mặt là cơ chế tài chính. Cụ thể, theo quy định, bệnh viện được quyết định giá dịch vụ y tế với dịch vụ khám chữa bệnh theo yêu cầu trong phạm vi khung giá do Bộ Y tế ban hành và thực hiện kê khai giá, niêm yết giá theo quy định pháp luật về giá. Song đến nay, chỉ còn ít tháng nữa là kết thúc giai đoạn thí điểm, Bộ Y tế vẫn chưa ban hành khung giá dịch vụ khám chữa bệnh theo yêu cầu để bệnh viện tham khảo.

Quy định thiếu thống nhất về tổ chức nhân sự

Theo Nghị quyết 33, khi tự chủ toàn diện, 4 bệnh viện thí điểm gồm Bạch Mai, K, Chợ Rẫy, Việt Đức được quyết nhiều việc mà không cần phải thông qua Bộ Y tế. Đó là quy mô bệnh viện, được quyền lựa chọn phát triển các chuyên ngành mũi nhọn…

Ngoài ra, khi tự chủ, các bệnh viện sẽ thực hiện “mô hình như doanh nghiệp”, có hội đồng quản lý gồm 7 đến 11 người. Theo đó, “hội đồng quản lý có quyền thành lập, giải thể các bệnh viện thành viên; điều động, miễn nhiệm với tổng giám đốc, giám đốc, phó tổng giám đốc…, có quyền thuê tổng giám đốc”.

Trên thực tế, vị trí chủ tịch hội đồng quản lý, ban giám đốc đều do Bộ Y tế bổ nhiệm. Hiện pháp luật cũng chưa có những quy định cụ thể về những thẩm quyền trên của bệnh viện khi tự chủ. Mặt khác, theo Nghị quyết về tự chủ toàn diện, khi bắt đầu triển khai thì giám đốc bệnh viện đương nhiệm sẽ kiêm chủ tịch hội đồng quản lý. Sau đó, Bộ Y tế bổ nhiệm chủ tịch theo đề xuất của hội đồng quản lý.

Các chuyên gia y tế cho rằng, điều này là bất cập, vì một người vốn là bí thư kiêm giám đốc bệnh viện (hoặc hiệu trưởng Đại học Y dược) hiện điều hành thành thục bệnh viện (hoặc trường) sẽ “bị” đẩy lên chức chủ tịch hội đồng quản lý, chủ yếu điều hành họp hội đồng, ban hành nghị quyết. Thêm vào đó, chủ tịch hội đồng quản lý không có quyền bổ nhiệm giám đốc bệnh viện thì liệu có đủ uy để chỉ đạo giám đốc?

Điểm mâu thuẫn nữa là tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 11, Nghị quyết 117/NQ-CP ngày 9.12.2019 yêu cầu Bộ Y tế khẩn trương chỉ đạo thực hiện thí điểm tự chủ 4 Bệnh viện thuộc Bộ Y tế, trong đó về tổ chức và nhân sự (Điểm a. 2 Mục II Điều 1) theo hướng Chủ tịch Hội đồng quản lý không kiêm nhiệm tổng giám đốc, giám đốc bệnh viện trong thời gian thực hiện thí điểm, điều này không thống nhất với tinh thần của Nghị Quyết số 33.

Không ít ý kiến cho rằng, ở mô hình tự chủ toàn diện, chủ tịch hội đồng quản lý bệnh viện thực tế chỉ ban hành nghị quyết, họp hội đồng. Trong khi giám đốc mới là người thực hiện các công việc điều hành bệnh viện. Điều này có thể dẫn đến chồng chéo, không thống nhất trong chỉ đạo, điều hành bệnh viện.

Nhanh chóng khắc phục những bất cập

Bạch Mai đang là bệnh viện tiên phong thí điểm tự chủ toàn diện theo Nghị quyết 33/NQ-CP năm 2019. Song, khi chưa hết thời gian thí điểm, bệnh viện này đã có hơn 200 người lao động thôi việc, nguồn thu giảm 2.000 tỉ đồng…

Để tránh “bài học Bạch Mai”, nhiều ý kiến cho rằng cần hoàn thiện một số quy định liên quan đến tự chủ toàn diện bệnh viện như: Sớm ban hành khung giá dịch vụ theo yêu cầu, tính đúng, tính đủ các yếu tố chi phí hình thành giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh, có tích luỹ (có điều chỉnh theo đơn giá chi phí đầu vào hình thành đơn giá dịch vụ).

Ngoài ra, cần quy định cụ thể vị trí người đứng đầu của bệnh viện. Trong văn bản Bộ Nội vụ trả lời Bộ giáo dục và Đào tạo về xác định ai là người đứng đầu trường đại học công lập khi có hội đồng trường, Bộ Nội vụ cho rằng hiệu trưởng là người đứng đầu, vậy về phía bệnh viện có phải giám đốc là người đứng đầu (?!). Đồng thời cần làm rõ vai trò của Đảng uỷ , mối quan hệ giữa hội đồng quản lý và Đảng uỷ.

Theo một số chuyên gia, trong bối cảnh chưa hoàn thiện hết quy định về tự chủ toàn diện cần thận trọng khi tiếp tục triển khai.

Nếu vẫn tiếp tục tự chủ toàn diện như mô hình ở Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện K đã làm thì rà soát lại các kinh nghiệm, bất cập để khắc phục sau khi tổng kết kinh nghiệm tại hai nơi này.

Thời điểm triển khai thí điểm tự chủ toàn diện cũng là vấn đề cần xem xét, các bệnh viện đang nỗ lực dồn lực chống dịch COVID-19, nếu triển khai nhanh tự chủ toàn diện có thể dẫn đến những xáo trộn trong điều hành hoạt động, quá trình thực hiện vì thế khó hoàn chỉnh.

Bài liên quan
89 lỗ hổng an toàn thông tin trong các sản phẩm của Microsoft
Theo báo cáo, các lỗ hổng này có thể bị kẻ xấu tấn công, khai thác để thực hiện các hành vi trái phép, gây ra nguy cơ mất an toàn thông tin.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển mạnh mẽ, bền vững Việt Nam-Malaysia
4 giờ trước Sự kiện
Phó thủ tướng, Chủ tịch đảng UMNO, Dr. Ahmad Zahid Hamidimong muốn hai bên tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa quan hệ trên cả kênh nhà nước và kênh đảng trong năm 2025 khi Malaysia là Chủ tịch ASEAN.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nhiều bất cập khi thí điểm tự chủ toàn diện ở Bệnh viện Chợ Rẫy, Bạch Mai, K và Việt Đức