Quy hoạch điện VII điều chỉnh cho thấy nhiều dự án chậm tiến độ dẫn đến nguy cơ thiếu điện trên diện rộng.

Nhiều dự án điện đối mặt nguy cơ chậm tiến độ

24/02/2020, 17:15

Quy hoạch điện VII điều chỉnh cho thấy nhiều dự án chậm tiến độ dẫn đến nguy cơ thiếu điện trên diện rộng.

Ngành điện đang rất cố gắng để đảm bảo đủ điện phục vụ sản xuất, sinh hoạt... Ảnh: Internet

Theo Quy hoạch điện VII điều chỉnh, tổng công suất các nguồn điện dự kiến đưa vào vận hành trong giai đoạn 2016 - 2020 trên toàn hệ thống là 21.650 MW, trong đó các nguồn điện do Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đầu tư là 7.185 MW (chiếm 33,2%), các nguồn điện do các doanh nghiệp khác đầu tư là 14.465 MW (chiếm 66,8%).

Tuy nhiên tổng hợp tình hình tiến độ thực hiện 62 dự án có công suất lớn trên 200 MW thì 15 dự án đạt tiến độ, còn lại 47 dự án chậm tiến độ hoặc chưa xác định tiến độ so với tiến độ nêu trong Quy hoạch điện VII điều chỉnh. Điển hình, là các dự án do EVN thực hiện.

EVN thực hiện 23 dự án với tổng công suất 14.809 MW (giai đoạn 2016 - 2020 là 12 dự án, giai đoạn 2021 - 2030 là 11 dự án). Trong số này, 13 dự án chậm/lùi tiến độ. Trong 8 dự án đã hoàn thành và đưa vào sử dụng của EVN, dự án Thủy điện Sông Bung 2 chậm 1 năm rưỡi. Trong 4 dự án đang xây dựng, dự kiến đạt tiến độ 3 dự án, chậm tiến độ gồm các dự án thủy điện Đa Nhim MR chậm 6 tháng.

Đối với 11 dự án đang được EVN thực hiện thủ tục đầu tư, dự kiến đúng tiến độ phát điện chỉ có 2 dự án, còn 7 dự án chậm (gồm 4 dự án lùi tiến độ và 3 dự án chậm tiến độ từ 2 tới 3 năm).

Dự báo, tới giai đoạn 2021 - 2025, dù đã phải huy động tối đa các nguồn điện chạy dầu, nhưng hệ thống điện sẽ không đáp ứng được nhu cầu phụ tải. Nguy cơ sẽ xảy ra tình trạng thiếu điện tại miền Nam, khi mức thiếu hụt tăng từ 3,7 tỉ kWh (năm 2021) lên gần 10 tỉ kWh (năm 2022). Bộ Công Thương cảnh báo mức thiếu hụt sẽ cao nhất vào năm 2023, với khoảng 12 tỉ kWh, sau đó giảm dần xuống 7 tỉ kWh năm 2024 và 3,5 tỉ năm 2025.

Trong khi đó, Bộ Công Thương tính toán tổng công suất các nguồn điện có khả năng đưa vào vận hành trong giai đoạn 2016 - 2030 dự kiến khoảng 80.500 MW, thấp hơn so với dự kiến Quy hoạch điện VII điều chỉnh khoảng hơn 15.200 MW. Trong đó, chủ yếu thiếu hụt trong các năm từ 2018 - 2022 (với tổng công suất trên 17.000 MW), nhiều dự án nguồn điện giai đoạn này bị chậm sang giai đoạn 2026 - 2030, hầu hết là dự án nhiệt điện tại miền Nam.

Từ đây, dẫn tới tình trạng hệ thống điện đang từ chỗ có dự phòng về nguồn điện 20 - 30% trong các năm 2015 - 2016, thì đến năm 2018 - 2019 hầu như không còn dự phòng, và sang giai đoạn 2021 - 2025 sẽ xảy ra tình trạng thiếu hụt nguồn cấp điện.

Dự kiến tổng công suất các nguồn điện có khả năng vào vận hành giai đoạn 2021 - 2030 khoảng 64.200 MW – thấp hơn 10.000 MW so với Quy hoạch điện VII điều chỉnh (72.202 MW).

Trao đổi với báo Một Thế Giới, ông Trần Viết Ngãi - Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam (VEA) cho biết nguyên nhân chủ yếu khiến các dự án điện chậm tiến độ hiện nay là các doanh nghiệp, chủ đầu tư gặp khó khăn trong việc thu xếp vốn, đặc biệt là những dự án lớn do Chính phủ tạm dừng chủ trương bảo lãnh vay vốn. Trong khi đó, nguồn vốn ưu đãi ODA nước ngoài để đầu tư các dự án điện rất hạn chế.

Trước tình hình trên, các dự án nhà máy điện sẽ không vay được vốn tín dụng xuất khẩu của các nước cung cấp thiết bị, vì vậy phải chuyển sang vay vốn thương mại với lãi suất cao. Điều này khiến hiệu quả đầu tư của các dự án giảm sút, chậm tiến độ.

Bên cạnh đó, việc chồng chéo các quy định pháp luật như những vướng mắc trong xác định thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư cũng khiến thời gian xây dựng, đầu tư của doanh nghiệp bị chậm trễ, kéo dài.

Nói về giải pháp, ông Trần Viết Ngãi cho rằng bên cạnh giải pháp đẩy nhanh tiến độ các dự án nguồn điện và truyền tải điện, cần triển khai tiết kiệm điện từ chủ trương chung tới các giải pháp cụ thể. Đó là đổi mới công nghệ trong các nhà máy. Theo vị chuyên gia này, việc đưa giá điện về gần hơn với thị trường cũng là một giải pháp thiết thực khiến nhiều nhà đầu tư tham gia đầu tư vào ngành điện.

Nghị quyết số 55-NQ/TW về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 được Bộ Chính trị ban hành mới đây cũng là cơ hội lớn mở ra cho khối tư nhân phát triển năng lượng

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đánh giá Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị nêu ra định hướng quan trọng, những nguyên tắc, mục tiêu để tiếp tục xóa bỏ rào cản, tạo môi trường thuận lợi, minh bạch thông thoáng cho tất cả các thành phần kinh tế, nhất là khu vực tư nhân, để tham gia vào lĩnh vực có tiềm năng trong phát triển năng lượng nói chung cũng như điện năng nói riêng.

Tuyết Nhung

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư trao đổi chuyên đề 'Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam'
10 giờ trước Sự kiện
Chiều 25.11, tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Giáo sư, Tiến sĩ Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam trực tiếp trao đổi chuyên đề “Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nhiều dự án điện đối mặt nguy cơ chậm tiến độ