Nghị quyết 55 sẽ tạo thuận lợi cho tất cả các ngành kinh tế, nhất là khu vực tư nhân tham gia vào các lĩnh vực tiềm năng nói chung và năng lượng ở Việt Nam nói riêng.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nói về cơ hội cho khối tư nhân phát triển năng lượng

23/02/2020, 08:30

Nghị quyết 55 sẽ tạo thuận lợi cho tất cả các ngành kinh tế, nhất là khu vực tư nhân tham gia vào các lĩnh vực tiềm năng nói chung và năng lượng ở Việt Nam nói riêng.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh - Ảnh: Internet

Trao đổi với báo chí ngày 22.2 về tác động của Nghị quyết số 55-NQ/TW về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 vừa được Bộ Chính trị ban hành, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị nêu ra định hướng quan trọng, những nguyên tắc, mục tiêu để tiếp tục xóa bỏ rào cản, tạo môi trường thuận lợi, minh bạch thông thoáng cho tất cả các thành phần kinh tế, nhất là khu vực tư nhân, để tham gia vào lĩnh vực có tiềm năng trong phát triển năng lượng nói chung cũng như điện năng nói riêng.

Đặc biệt, Nghị quyết 55 còn xác định rõ chiến lược, định hướng phát triển bền vững của năng lượng quốc gia. Từ bối cảnh chung của khu vực và toàn cầu tác động đến Việt Nam ở các khía cạnh, trong Nghị quyết của Bộ Chính trị còn xác định Chiến lược sắp tới cần tập trung phát triển các nguồn năng lượng đa dạng, phù hợp, hợp lý. Đơn cử, việc phát triển cân đối hàng hóa các nguồn điện, nhưng tập trung khai thác và sử dụng hợp lý, phù hợp các nguồn năng lượng sơ cấp, hóa thạch trong nước vốn đã bị hạn chế.

Đồng thời, theo Bộ trưởng, Nghị quyết cũng xác định rõ cần tiếp tục tập trung ưu tiên phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, năng lượng điện khí… coi đây là trọng tâm cơ bản. Nghị quyết 55 đã mở ra cơ hội mới, to lớn và rất tiềm năng cho khu vực doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp tư nhân trong tham gia phát triển năng lượng. Nghị quyết cũng xác định rõ năng lượng tái tạo cần tiếp tục rà soát, có những cơ chế chính sách mới, mang tính đột phá, tạo điều kiện cho khu vực tư nhân tham gia.

Trong thời gian vừa qua, trong chiến lược về năng lượng và chính sách phát triển năng lượng kể cả trong lĩnh vực điện năng và dầu khí, than, đã có dấu ấn tích cực trong việc huy động các nguồn lực của xã hội, đặc biệt là tư nhân. Đơn cử như trong lĩnh vực điện năng, đã có 28% tổng công suất phát, công suất nguồn đến từ các doanh nghiệp tư nhân dưới các hình thức đầu tư đa dạng, có hiệu quả.

Ví dụ, các dự án điện dưới hình thức hợp đồng BOT, IPP (các nhà đầu tư nguồn điện độc lập)... trong lĩnh vực dầu khí ngoài hợp đồng PSC (hợp đồng phân chia sản phẩm), hợp đồng điều hành thăm dò.. còn cho phép các doanh nghiệp tham gia rất sâu trong các chuỗi trong nước và khu vực. Khu vực tư nhân với hàng loạt các cơ chế chính sách của nhà nước cũng tạo dựng thế đứng của mình trong các lĩnh vực quan trọng của năng lượng kể cả dầu khí, điện, than.

"Qua đó, khẳng định Nhị quyết 55 đã mở ra những cơ hội mới, to lớn và tiềm năng cho khu vực tư nhân tham gia phát triển năng lượng. Đồng thời, mở ra những cánh cửa mới và cho phép chúng ta hoàn toàn tin tưởng vào một Chiến lược với những cơ chế, chính sách mới, kể cả khung khổ luật pháp, không chỉ Luật Điện lực, Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả… mà cả những luật mới như Luật về năng lượng tái tạo cũng được tính toán theo tinh thần của Nghị quyết 55 để định hướng trong phát triển, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia", Bộ trưởng nhấn mạnh.

Nói về kế hoạch triển khai Nghị quyết này, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết Bộ Công Thương sẽ sớm xây dựng kế hoạch hành động để triển khai, báo cáo Ban cán sự Đảng, Chính phủ để xây dựng chương trình hành động. Có những việc phải triển khai sớm, thậm chí không đợi Chương trình hành động từ Chính phủ, mà phải quán triệt nghiên cứu để sớm có giải pháp thực hiện.

Bộ trưởng lấy ví dụ như việc Bộ Công Thương được Chính phủ giao xây dựng Tổng sơ đồ Điện 8, trong khi chờ đợi, Bộ sẽ tiếp tục có những điều chỉnh Tổng sơ đồ Điện 7 hiệu chỉnh sao cho hiệu quả hơn nữa.

"Mới đây, chúng tôi đã có chuyến công tác tới các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên để khảo sát và thực hiện theo yêu cầu Nghị quyết 55 đặt ra. Để thực hiện tốt Nghị quyết 55, sẽ phải có những tìm hiểu, nghiên cứu từ thực tiễn, những vấn đề mới phát sinh. Sắp tới, chúng tôi sẽ tiếp tục làm việc với các tỉnh Tây Nam bộ như Long An, Bến Tre, Sóc Trăng… để nắm bắt thêm các vấn đề, từ đó có hướng vận dụng và quán triệt tinh thần Nghị quyết 55, giải quyết trước mắt và hướng lâu dài cho phát triển năng lượng…", Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho hay.

Để đảm bảo mục tiêu đảm bảo năng lượng cho phát triển kinh tế, Nghị quyết 55 đã đề ra những con số mục tiêu quan trọng. Cụ thể là, cung cấp đủ nhu cầu năng lượng trong nước, đáp ứng cho các mục tiêu của Chiến lược phát triển kinh tế xã hội 10 năm 2021 - 2030.

Trong đó, năng lượng sơ cấp đến năm 2030 đạt khoảng 175 - 195 triệu TOE (tấn dầu quy đổi), đến năm 2045, đạt khoảng 320 - 350 triệu TOE; tổng công suất của các nguồn điện đến năm 2030 đạt khoảng 125 - 130 GW, sản lượng điện đạt khoảng 550 - 600 tỉ kWh. Tỷ lệ các nguồn năng lượng tái tạo trong tổng cung năng lượng sơ cấp đạt khoảng 15 - 20% vào năm 2030; 25 - 30% vào năm 2045…

Theo thống kê của Bộ Công Thương, trong giai đoạn 2007-2017, ngành năng lượng đã có sự tăng trưởng nhanh chóng. Giá trị sản xuất trong ngành năng lượng tăng 6 lần, sản lượng điện tăng hơn 3,3 lần. Các doanh nghiệp trong lĩnh vực năng lượng đóng góp ngân sách nhà nước hơn 204.000 tỉ đồng, chiếm 17,8% thu ngân sách nhà nước.

Tuyết Nhung

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính tri ân những người làm nên Chiến thắng Điện Biên Phủ
6 giờ trước Sự kiện
Thủ tướng Phạm Minh Chính và Đoàn công tác bày tỏ lòng biết ơn vô hạn đối với Đại tướng Võ Nguyên Giáp - vị tướng huyền thoại, thiên tài quân sự, người học trò ưu tú của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nói về cơ hội cho khối tư nhân phát triển năng lượng