Trong khi nhiều phụ nữ Huế “diện” áo dài từ sáng sớm để tham quan di tích Huế miễn phí thì phần lớn du khách ngoại tỉnh, du khách nước ngoài đều tiếc khi biết thông tin miễn vé muộn.

Nhiều du khách nước ngoài tiếc vì không được mặc áo dài vào di tích Huế

07/03/2019, 20:41

Trong khi nhiều phụ nữ Huế “diện” áo dài từ sáng sớm để tham quan di tích Huế miễn phí thì phần lớn du khách ngoại tỉnh, du khách nước ngoài đều tiếc khi biết thông tin miễn vé muộn.

Sự thướt tha, đài các từ những chiếc áo dài mang lại chốn hoàng cung thâm nghiêm hơn

Ngày 7.3 là ngày đầu tiên trong 3 ngày 7, 8 và 9.3 các di tích tại tỉnh Thừa Thiên – Huế mở cửa đón phụ nữ khắp nơi trên thế giới vào tham quan miễn vé 100% nếu họ mặc trên mình chiếc áo dài truyền thống Việt Nam dịp lễ ngày Quốc tế phụ nữ.

Đây là chủ trương nhằm đưa hình ảnh Áo dài Huế trở lại thuở vàng son cũng như kích cầu du lịch Huế, nâng tầm các danh thắng, giá trị văn hóa Huế trong mắt du khách thập phương.

Từ sáng sớm, với chiếc áo dài truyền thống, áo dài tím Huế, khá nhiều phụ nữ di chuyển về các điểm di tích, danh thắng để trải nghiệm, tham quan, chụp hình lưu niệm. Tuy nhiên, phần lớn người mặc áo dài tham quan ở các điểm di tích là phụ nữ Huế lớn tuổi, rải rác mới bắt gặp một số bạn trẻ tự tin, thướt tha trong tà áo dài truyền thống quyến rũ.

“Theo mình nghĩ khi mặc áo dài vào tham quan các điểm di tích sẽ tôn vinh vẻ đẹp người phụ nữ, và các điểm di tích được trang nghiêm hơn. Về tiện lợi thì áo dài thật sự không tiện lợi so với các trang phục khác thường ngày, nhưng mình nghĩ chúng ta nên mặc những chiếc áo dài như thế này khi tham quan di tích, nó sẽ gợi lại được nét lịch sử cổ kính của Huế mình, Việt Nam mình. Trong đợt này, tụi mình sẽ mặc áo dài tham quan hết các di tích ở Huế trong 3 ngày 7, 8 và 9.3 này”, bạn Nguyễn Thị Thanh Nhàn, ở TP.Huế, chia sẻ.

Thiếu nữ Huế tham quan đại nội Huế sáng 7.3 - Ảnh: Nhật Lam

Còn bà Bạch Thị Hằng, cán bộ Viện KSND TP.Huế tự hào: “Mình là người Huế nên càng cần phải mặc áo dài. Mình là người Huế, làm sao cho mọi người biết đến đất Huế. Mình rất hoan nghênh dịp 8.3 mà đại nội mở cửa cho chị em phụ nữ để biết thêm về đại nội, và cả khách tham quan để họ biết về đại nội, lăng tẩm. Mình mong tất cả ngày lễ, các điểm di tích mở cửa để quảng bá cho mọi người biết đến đất Huế, con người Huế”.

Như Một Thế Giới đã thông tin, đẩy mạnh từ giữa năm 2018 bằng hàng loạt các hoạt động như gửi thư đến các trường học, hội đoàn; vận động phụ nữ mặc áo dài truyền thống khi đi làm việc vào ngày thứ 2, hằng tuần tổ chức các cuộc triển lãm, trình diễn nghệ thuật, thời trang về áo dài, các cuộc hội thảo về áo dài… Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế Phan Ngọc Thọ muốn tăng cường những hoạt động để tôn vinh, quảng bá hình ảnh chiếc áo dài truyền thống gắn với những giá trị cao đẹp hữu hình lẫn vô hình ở xứ Huế.

Đặc biệt, dịp lễ 8.3 là lần đầu tiên các điểm di tích ở Huế miễn phí cho phụ nữ thế giới nếu họ mặc áo dài tham quan di tích. Chủ trương này ngay lập tức nhận được sự tán thưởng của nhiều người không chỉ là phụ nữ, mà các nhà quản trị du lịch, lữ hành. Tuy nhiên rất tiếc do khởi xướng muộn nên rất nhiều hãng lữ hành cũng như du khách quốc tế chưa nắm được thông tin nên ít nhiều du khách đã mất quyền lợi, còn Huế thì giảm đi những gam màu dễ thương, cuốn hút trên tà áo dài Việt.

“Tôi không biết tỉnh có chủ trương miễn vé như thế này. Tôi vốn thích mặc áo dài khi dự lễ, tham quan và tình cờ hôm nay tôi mặc áo dài vào tham quan đại nội Huế thì được giải thích là mình được miễn vé vào cửa. Tuy nhiên, tour chúng tôi đã đặt sẵn, trả tiền vé bên đơn vị nhận tour rồi nên không biết sau có được họ hoàn lại không.” – bà Trần Thị Đương, ở Thủ Dầu 1, Bình Dương, nói và cho biết đoàn tham quan du lịch của bà có gần 20 người, trong đó phần lớn là phụ nữ, nhưng chỉ có 4 người “tình cờ mặc áo dài” khi vào đại nội Huế.

Sự thướt tha, đài các từ những chiếc áo dài mang lại chốn hoàng cung thâm nghiêm hơn - Ảnh: Nhật Lam

Còn anh Hoàn, hướng dẫn viên thuộc một hãng lữ hành ở Đà Nẵng khi đưa đoàn khách Thụy Điển khoảng 20 người vào tham quan đại nội Huế và một số di tích khác cũng bỡ ngỡ khi phóng viên thông tin việc vé vào cửa sẽ được “free” đối với phụ nữ mặc áo dài truyền thống Việt Nam.

“Mình chưa được biết, giờ mới nghe chủ trương này. Nếu biết trước mình sẽ chuẩn bị cho du khách mặc áo dài như vậy để được miễn phí vé, để họ được quyền lợi của họ, thứ hai là họ làm đẹp cho Huế, giữ gìn, tôn tạo những vẻ đẹp truyền thống”, anh Hoàn nói.

Du lịch Huế có vẻ đang có luồng sinh khí mới khi thành phố đang được xây dựng theo hướng xanh, sạch, sáng. Gần đây TP.Huế “Huế thành phố 4 mùa hoa cũng đang được lãnh đạo tỉnh chủ trương, khởi động xây dựng… Những ý tưởng mới, độc, kèm với sự quyết tâm cao của các cấp, các ngành, hi vọng Huế sẽ sớm níu được chân du khách chứ không phải khách đến Huế rồi mang tiền trở về như người ta thường nói.

Bài, ảnh: Nhật Lam

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư trao đổi chuyên đề 'Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam'
một giờ trước Sự kiện
Chiều 25.11, tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Giáo sư, Tiến sĩ Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam trực tiếp trao đổi chuyên đề “Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nhiều du khách nước ngoài tiếc vì không được mặc áo dài vào di tích Huế