Ngày mai 3.2 sẽ khai mạc V-League 2023, ngày 4.2 HAGL FC sẽ đá trận đầu tiên trên sân nhà với đội Hồng Lĩnh Hà Tĩnh, và nhiều khả năng trước giờ G, VPF và HAGL FC sẽ tìm được tiếng nói chung để tránh trường hợp xấu nhất: HAGL FC không thể tham dự V-League 2023.
Giám đốc điều hành HAGL FC Nguyễn Tấn Anh đã gửi công văn đến Công ty cổ phần Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) với những đề xuất cụ thể cho nhà tài trợ của HAGL FC. Nếu VPF đồng ý, cuộc chiến về “tài trợ độc quyền” giữa HAGL FC và VPF sẽ tạm đình để hướng đến cái chung trước mắt: HAGL FC vẫn tham dự V-League 2023!
Công văn của HAGL cho biết đang tiến hành đàm phán với nhà tài trợ chính của CLB về các yêu cầu của VPF trong công văn 16/VPF-TrT. Nhà tài trợ V-League yêu cầu HAGL xác nhận lại các nội dung mà đại diện VPF và HAGL đã trao đổi về quyền lợi để nhà tài trợ ngiên cứu trả lời.
Theo đó, HAGL đưa ra đề xuất: "Trên trang phục thi đấu và tập luyện đội HAGL: Chỉ in logo nhà tài trợ CLB (không có chữ "nước tăng lực" bằng tiếng Anh và tiếng Việt). Trên các hạng mục của bộ nhận diện giải đấu: In logo nhà tài trợ CLB (không có chữ "nước tăng lực" bằng tiếng Anh và tiếng Việt).
Nội dung trên bảng LED và bảng cứng trên sân Pleiku: sử dụng hình thức chạy logo và lon sản phẩm (không có chữ "nước tăng lực" bằng tiếng Anh và tiếng Việt).
Hoạt động bên lề trên sân Pleiku: Trưng bày sản phẩm tại khu VIP khán đài, phòng họp báo: Chỉ đặt sản phẩm của nhà tài trợ chính giải đấu trên bàn. HAGL sẽ bố trí một phòng riêng ở khu vực khác để tiếp đón khách có thể sử dụng sản phẩm của nhà tài trợ CLB.
Hoạt động phát thử sản phẩm trên sân Pleiku và các địa phương khác: nhà tài trợ được quyền thực hiện bên ngoài sân Pleiku; hoạt động ngoài lề ở các địa phương khác: HAGL FC sẽ phối hợp với nhà tài trợ của CLB thực hiện tại các địa điểm ngoài sân thi đấu chính thức.
Giờ đây HAGL FC sẽ chờ VPF phản hồi về nội dung trong công văn. Nếu VPF chấp thuận, HAGL FC sẽ gửi cho nhà tài trợ chính xem xét. Sau đó, nhà tài trợ chính của HAGL FC đồng ý thì cuộc chiến xung quanh về “tài trợ độc quyền” giữa HAGL FC và VPF mới tạm đình lại để V-League 2023 vẫn tiến hành với sự tham dự của HAGL FC.
Việc đúng-sai, cho đến nay luật sư của hai bên chưa có bất kỳ động thái nào lên tiếng, nhưng cả hai bên đều hiểu rằng nếu kiện nhau ra tòa phán xử sẽ rất bất lợi, bởi khi đó bên nào thắng thì cũng đã "đổ máu" và quan trọng hơn hết, trong suốt thời gian phán xử, bên thua không ai khác, đó chính là bóng đá Việt Nam!
22 giờ hôm qua 1.2, công văn của HAGL FC đã được gửi đến VFP, ngay sau đó VPF cho biết họ sẽ trao đổi lại với nhà tài trợ chính của V-League 2023 và nhiều khả năng mọi chuyện sẽ êm xuôi.
Tóm lại, quy định “tài trợ độc quyền ngành hàng” của VPF được đưa ra từ V-League 2018, kể từ khi ông Trần Anh Tú giữ chức Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc VPF nhiệm kỳ 2017-2020 rồi kiêm luôn Trưởng ban Tổ chức V-League, Hạng nhất 2018 và tái đắc cử Chủ tịch HĐQT để điều hành VPF đến nay - có còn đúng với Luật Cạnh tranh đã được Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân ký ban hành ngày 12.6.2018?
Với nước ngoài, cụ thể là ở Anh, Công ty tổ chức Premier League đã giải quyết vấn đề nan giải cùng ngành hàng tài trợ như HAGL FC với VPF ra sao? Ngay như Thai-League, được xếp hạng 70/80 giải vô địch quốc gia hàng đầu thế giới của Liên đoàn Thống kê và lịch sử bóng đá thế giới (IFFHS) cũng cho phép các câu lạc tham gia Thai-Leauge được phép ký hợp đồng với các nhà tài trợ cùng ngành hàng với giải.
Và chúng ta nên biết và nhớ rằng: V-League không được IFFHS xếp hạng!
Từ đánh giá của IFFHS cho đến quy định lỗi thời, không phù hợp thực tế, không học theo những điều hay từ thế giới bóng đá của VPF đã khiến cho V-League đến nay đã là mùa thứ 23 mà chưa thể phát triển tương xứng với tiềm năng, tiềm lực của đất nước và con người Việt Nam.
Đó là lý do chúng tôi gọi thiện chí của các bên trong cuộc chiến “tài trợ độc quyền ngành hàng” chỉ mới là tạm đình chiến. Quy định “độc quyền” đi ngược với Luật Cạnh tranh 2018, đi ngược với sự phát triển chung của thế giới bóng đá cần phải được VPF sớm hủy bỏ.
Do đó, cuộc chiến chống “tài trợ độc quyền ngành hàng” giờ đây không còn là của riêng HAGL FC mà còn là trách nhiệm của các CLB bóng đá Việt Nam là những cổ đông của VPF phải đồng lòng lên tiếng đấu tranh đòi quyền lợi nhằm phá vỡ thành trì bảo thủ của VPF, khi VFF có đến 35% cổ phần trong VPF và 4/7 thành viên HĐQT VPF cũng là người của VFF, trong đó Chủ tịch HĐQT VPF Trần Anh Tú cũng là “người nhà” của VFF với chức danh Phó chủ tịch chuyên môn VFF.
Chúng tôi sẽ tiếp tục đề tài này trong những số sau với duy nhất mục đích: vì sự phát triển của V-League, của bóng đá Việt Nam.