Hơn 20% sàn giao dịch bất động sản tiếp tục đối diện nguy cơ giải thể, phá sản; 40% chỉ còn vài nhân sự nòng cốt, cố cầm cự “sống bằng niềm tin” hy vọng thị trường sẽ khôi phục vào cuối năm nay.

Nhiều sàn bất động sản có nguy cơ giải thể, hoặc cầm cự 'bằng niềm tin'

Sơn Lam | 13/11/2023, 16:20

Hơn 20% sàn giao dịch bất động sản tiếp tục đối diện nguy cơ giải thể, phá sản; 40% chỉ còn vài nhân sự nòng cốt, cố cầm cự “sống bằng niềm tin” hy vọng thị trường sẽ khôi phục vào cuối năm nay.

Nhiều sàn giao dịch đối diện nguy cơ giải thể

Trình bày báo cáo về thị trường bất động sản (BĐS), ông Hoàng Hải, Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường BĐS (Bộ Xây dựng) nêu rõ: Tuy thị trường chưa có đủ lực để có thể “vượt dốc”, nhưng cơ bản đang lấy lại đà. Thực trạng sức khỏe của các doanh nghiệp (DN) BĐS đã có dấu hiệu được cải thiện nhưng vẫn đang rất khó khăn.

Điều này được thể hiện bởi số lượng DN quay trở lại hoạt động, tuyển dụng ghi nhận tăng ở một số địa phương có thị trường phục hồi tốt. Trong 9 tháng đầu năm, số DN thành lập mới gấp 3,5 lần số DN giải thể.

Tuy nhiên, riêng với các sàn giao dịch BĐS, hơn 20% sàn tiếp tục đối diện nguy cơ giải thể, phá sản; 40% sàn đang phải nỗ lực chống đỡ để duy trì, chỉ còn hoạt động với một vài nhân sự nòng cốt, phải cố gắng cầm cự, “sống bằng niềm tin” rằng thị trường BĐS sẽ khôi phục vào cuối năm 2023.

sbv-1-671.jpg
Ông Hoàng Hải, Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường BĐS (Bộ Xây dựng) phát biểu

Báo cáo cũng nêu lượng giao dịch được cải thiện qua từng quý. Quý 3/2023 ghi nhận gần 6.000 giao dịch, gấp 1,5 lần so với quý 2, tuy nhiên vẫn chỉ bằng khoảng 10% so với thời điểm trước dịch COVID-19.

Số lượng dự án nhà ở thương mại hoàn thành trên cả nước có xu hướng giảm. Phân khúc nhà phố/biệt thự, nhà liền kề có tăng nhưng số lượng không nhiều.

“Cơ cấu sản phẩm nhà ở vẫn không hợp lý, dư thừa sản phẩm cao cấp, còn thiếu nhà ở vừa túi tiền, nhà ở xã hội… Phân khúc căn hộ giá dưới 25 triệu/m2 tiếp tục khan hiếm", ông Hải nêu.

So với quý 2, số lượng dự án đang triển khai xây dựng quý 3/2023 đã tăng lên 123,64%. Nguyên nhân cơ bản là có nhiều dự án đã được tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về pháp lý, nên số lượng được cấp phép đầu tư, được triển khai xây dựng tăng lên.

Ngoài ra, ông Hải cho biết BĐS công nghiệp vẫn duy trì được sự hấp dẫn, tuy nhiên, BĐS du lịch thì chưa có cơ hội “trở mình”. Hiện mới chỉ ghi nhận động thái từ Khánh Hòa với quy trình nội bộ giải quyết thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu cho condotel xây trên đất thương mại, dịch vụ.

san-bds.jpeg
Nhiều sàn BĐS có nguy cơ giải thể, hoặc cầm cự “sống bằng niềm tin”

Theo đại diện Bộ Xây dựng, mặc dù tổng cầu được cải thiện, tuy nhiên, lực cầu vẫn chỉ bằng 30% so với giai đoạn trước khi thị trường gặp khó khăn. Trong đó, khoảng 50% là nhu cầu về nhà ở nhưng gặp khó khăn về tài chính không thể chuyển thành cầu thật, phục vụ nhu cầu để ở. 20% là nhu cầu đầu tư BĐS mua đi bán lại…

Dư nợ tín dụng đối với BĐS đạt 2,74 triệu tỉ đồng

Bà Hà Thu Giang - Vụ trưởng phụ trách Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước) cho biết đến ngày 30.9.2023, tổng dư nợ tín dụng đối với lĩnh vực BĐS của các tổ chức tín dụng đạt 2,74 triệu tỉ đồng, tăng 6,04% so với thời điểm ngày 31.12.2022, chiếm tỷ trọng 21,46% tổng dư nợ đối với nền kinh tế.

Trong đó tín dụng BĐS tập trung vào mục đích tiêu dùng tự sử dụng chiếm 64% và dư nợ đối với hoạt động kinh doanh BĐS chiếm tỷ trọng 36% dư nợ tín dụng lĩnh vực BĐS.

Tuy nhiên, trong 9 tháng đầu năm, tín dụng kinh doanh BĐS lại có sự tăng trưởng cao hơn tỷ lệ tăng trưởng tín dụng chung và cùng kỳ năm trước, lên tới 21,86%. Điều này cho thấy các giải pháp, nỗ lực của Chính phủ, ngành ngân hàng và các bộ ngành, địa phương đang dần phát huy hiệu quả.

Theo bà Giang, hiện nay thị trường BĐS vẫn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức trong đó có nhiều tồn tại, vướng mắc đã kéo dài như: vướng mắc về hệ thống thủ tục pháp lý; sự mất cân đối cung cầu tại các phân khúc; năng lực tài chính của doanh nghiệp còn hạn chế và phụ thuộc chủ yếu vào các nguồn huy động từ bên ngoài như vốn vay, trái phiếu, huy động của người mua nhà; các kênh huy động vốn khác chưa thực sự phát huy hiệu quả…

tin-dung.png
Đến ngày 30.9.2023, tổng dư nợ tín dụng đối với lĩnh vực BĐS của các tổ chức tín dụng đạt 2,74 triệu tỉ đồng

Ngân hàng Nhà nước thời gian tới tiếp tục rà soát, hoàn thiện khung khổ pháp lý về hoạt động ngân hàng. Đơn vị này đang khẩn trương rà soát, đánh giá tình hình thực hiện Thông tư 03 và Thông tư 06 để kịp thời ban hành các văn bản sửa đổi, bổ sung phù hợp với thực tiễn thị trường, tăng khả năng tiếp cận nguồn vốn tín dụng cho nền kinh tế, đảm bảo an toàn hệ thống.

Thêm vào đó, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng thực hiện những giải pháp nâng cao khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp và người dân; tiếp tục triển khai chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn theo Thông tư 02/2023.

“Theo dõi, bám sát tình hình triển khai Chương trình 120.000 tỉ đồng về nhà ở xã hội; phối hợp với các bộ ngành để hoàn thiện các quy định pháp lý nhằm hỗ trợ thị trường BĐS phát triển bền vững, kiểm soát rủi ro, bảo đảm an toàn hoạt động của tổ chức tín dụng; tăng cường công tác giám sát, phòng chống, ngăn ngừa các vi phạm pháp luật trong lĩnh vực ngân hàng, bảo đảm an toàn trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”, bà Giang nêu.

Ông Hoàng Hải kiến nghị đây là khoảng thời gian mang tính quyết định cho sự chuyển mình của thị trường BĐS. Cùng với các nút thắt về pháp lý, nguồn vốn thì niềm tin của khách hàng, nhà đầu tư chính là “chốt chặn” cuối cùng cần giải tỏa để thị trường BĐS trở về trạng thái “bình thường mới”.

bds-1.jpeg
Cần nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản

Thời gian tới, Bộ Xây dựng sẽ tiếp tục chủ động phối hợp với các ủy ban của Quốc hội và bộ ngành liên quan hoàn thiện dự án Luật Nhà ở (sửa đổi), Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi); bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất, khả thi của hệ thống pháp luật, nhất là với Luật Đất đai (sửa đổi); rà soát, lập và công bố danh mục quy hoạch đất các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo xây dựng lại chung cư.

Bộ Xây dựng phối hợp với Ngân hàng Nhà nước, Ngân hàng Chính sách xã hội để triển khai hiệu quả Chương trình tín dụng khoảng 120.000 tỉ đồng theo Nghị quyết số 33/NQ-CP về một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường BĐS phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững…

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư trao đổi chuyên đề 'Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam'
3 giờ trước Sự kiện
Chiều 25.11, tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Giáo sư, Tiến sĩ Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam trực tiếp trao đổi chuyên đề “Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nhiều sàn bất động sản có nguy cơ giải thể, hoặc cầm cự 'bằng niềm tin'