Vào mùa mưa, cá đồng ở miệt rừng U Minh hạ có nhiều. Cá được người dân địa phương săn bắt để bán hoặc chế biến món ăn. Trong đó, đáng nhớ nhất là món lẩu cá lóc nấu mẻ.

Nhớ hoài món lẩu cá lóc nấu mẻ rừng U Minh

Trần Khải | 30/09/2022, 19:54

Vào mùa mưa, cá đồng ở miệt rừng U Minh hạ có nhiều. Cá được người dân địa phương săn bắt để bán hoặc chế biến món ăn. Trong đó, đáng nhớ nhất là món lẩu cá lóc nấu mẻ.

Cuối tháng 9, do ảnh hưởng của hoàn lưu bão Noru nên Cà Mau thường xuyên xuất hiện những cơn dông, kèm theo mưa lớn. Tôi có lịch hẹn từ trước với anh Lý Hồng Duẩn, cán bộ xã Nguyễn Phích, huyện U Minh để tìm hiều về nghề đặt lợp bắt cá đồng ở trong rừng tràm của người dân địa phương nên dù trời mưa tầm tã, tôi vẫn đội mưa để đến nơi đúng hẹn.

1(2).jpg
Vào rừng thăm lợp cùng ông Út Lâm

Được anh Duẩn giới thiệu, tôi quen ông Út Lâm – một lão nông đa nghề, nào đặt trúm lươn, đặt lợp, ăn ong…, nghề nào ông Út Lâm cũng thạo. 54 tuổi đời, nhưng ông Út Lâm có hàng chục năm gắn bó với đồng ruộng, cánh rừng ở quê mình.

Ông kể: “Đặt lợp, đặt trúm nó đã ăn sâu vào máu của chú rồi. Hôm nào mà không lội rừng là chú buồn muốn phát bệnh, mà đi rừng săn bắt các sản vật như vậy mà vui, người khỏe hẳn. Coi vậy chớ nghề này giúp chú có cái ăn, cái mặc đó con”.

dsc_0028.jpg
Con cá lọc nặng khoảng 1kg được làm sạch để làm món lẩu nấu mẻ

Nói đoạn, ông Út Lâm rút trong túi áo ra gói thuốc lá, rồi lấy một điếu đưa lên miệng, ông bật quẹt lửa đốt thuốc. Hít một hơi dài, ông từ từ nhả khói rồi hồi tưởng về một thời đã xa. “Chú sinh ra ở rừng, lớn lên cũng nhờ rừng và giờ khi tuổi đã xế chiều cũng nhờ rừng cưu mang, nuôi sống. Ở xứ này, sản vật từ rừng có nhiều lắm. Nào rùa, rắn, cá, ong…, nếu biết cách chăm sóc, đánh bắt hợp lý thì mình sống khỏe”, ông Út Lâm cho biết.

Với dáng người cao gầy, da ngâm theo thời gian vì nắng gió nhưng ông Út Lâm vẫn ra dáng của một lão nông khoẻ mạnh. Ông Út Lâm bảo, sống nghề này, ông ít khi có thời gian rảnh rỗi. Bởi hết đi tìm mồi đem về chế biến rồi bỏ vào từng ống trúm. Xế chiều thì vác hàng chục ống trúm, lợp vào rừng tìm nơi đặt.

“Tính cả trúm, lợp chú có hàng chục cái nên mỗi lần đi đặt là mất hàng giờ mới xong. Nghề này dẫu có cực mà vui lắm. Động lực để theo đuổi nghề là khi đi thăm bẫy, mình bắt được những con cá lóc to. Hôm nào vô mánh thì gia đình có nguồn thu nhập cao và có bữa ăn ngon”, ông Út Lâm chia sẻ.

dsc_0027.jpg
Lẩu cá lóc nấu mẻ, món ăn khó quên khi về U Minh

Ở miệt rừng U Minh hạ có nhiều người hành nghề đặt lợp, đặt dớn để bắt cá đồng, với các quy định khác nhau. Ở Hợp tác xã 19/5, xã Nguyễn Phích có một quy định rất cụ thể, mùa nào được quyền vào rừng, mùa nào cấm vào rừng săn bắt. Mỗi xã viên ở hợp tác xã này đều được phân chia khu vực để đặt lợp, đặt trúm, khu của ai, người ấy đặt, không ai xâm phạm của ai. Vì vậy mà không bị mất trộm.

“Chỗ nào chú không biết, chứ ở Hợp tác xã 19/5 này, xưa nay chưa từng xảy ra nạn trộm cắp. Hợp tác xã có quy định, đã phân chia khu vực rồi thì 'địa bàn ai người đó quản' dính cá nhiều ăn nhiều, ít ăn ít. Nếu phát hiện trộm cắp mà bắt được, người đó sẽ bị đuổi khỏi hợp tác xã và cấm vào rừng thuộc khu vực đơn vị quản lý”, ông Út Lâm thông tin.

Người dân ở xã Nguyễn Phích cho biết, ngày xưa ở xứ này, cá đồng có rất nhiều. Mỗi khi mưa dầm, nước dâng là các loại cá nào lóc, rô, trê… thi nhau trườn lên bờ. Và chỉ chờ có thế, người dân chỉ việc xách xô ra bắt cá là có ăn. Giờ, cá đồng có giá trị kinh tế cao nên nhiều người bắt cá theo kiểu tận diệt. Cá lớn, cá bé gì họ cũng bắt nên cá đồng ở rừng U Minh hiện nay không còn nhiều như trước.

Cá lóc đồng ở miệt rừng U Minh có rất nhiều nhưng những con cá có trọng lượng từ 1kg trở lên thì thuộc dạng hàng hiếm. Vậy mà, hôm ấy tôi được anh Lý Hồng Duẩn, cán bộ xã Nguyễn Phích thết đãi cặp cá nặng khoảng 2kg được chế biến lẩu mẻ.

dsc_0018.jpg
Đặt lợp ở rừng tràm U Minh hạ

Người dân U Minh hạ thật thà, chất phác. Họ sống gần gũi, nghĩa tình và rất hào sảng. Hễ có gì ngon, quý là họ rọng lại để dành đãi khách chứ không đem bán. “Em dùng thử món cá lóc nấu mẻ này, rồi mai mốt sẽ ghiền U Minh cho mà xem”, anh Duẩn nửa đùa, nửa thật.

Cách chế biến món lẩu cá lóc nấu mẻ không quá cầu kỳ. Cá lóc làm sạch cắt khúc, sau đó phi hành, tỏi rồi cho nước mẻ vào đun sôi, nêm nếm gia vị cho vừa ăn. Chờ nước sôi, thì cho thịt cá lóc vào nấu chín là có thể dùng. Lẩu cá lóc nấu mẻ có thể ăn kèm với các loại rau như cây chuối, hoa chuối non; rau muống; ngò gai, rau quế…, món này dùng với nước chấm muối ớt cay thì chẳng còn gì bằng.

Đang dùng cơm, trời bỗng kéo mây đen rồi trút cơn mưa nặng hạt. Mưa, như muốn níu giữ chân khách ở lại với vùng đất U Minh hào sảng và nghĩa tình. “Thôi anh để chú về, hẹn ngày gặp lại gần đây, anh sẽ đãi chú một món đậm chất U Minh”, anh Duẩn dứt khoát.

Rời Nguyễn Phích, rời mãnh đất rừng tràm U Minh tôi cứ nhớ hoài món lẩu cá lóc đồng nấu mẻ ở vùng đất này. Có dịp, du khách hãy đến với vùng đất U Minh để trải nghiệm nghề đặt lợp bắt cá đồng và thưởng thức món lẩu cá lóc nấu mẻ, chắc hẳn sẽ nhớ mãi vùng đất hào sảng này.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính tới thủ đô Praha, bắt đầu thăm Cộng hòa Séc
5 giờ trước Sự kiện
Sau khi kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Cộng hòa Ba Lan, vào lúc 13 giờ ngày 18.1, giờ địa phương (tức 19 giờ giờ Hà Nội), chuyên cơ chở Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng phu nhân Lê Thị Bích Trân và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tới sân bay Václav Havel, thủ đô Praha, bắt đầu thăm chính thức Cộng hòa Séc từ ngày 18 - 20.1, theo lời mời của Thủ tướng Cộng hòa Séc Petr Fiala.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nhớ hoài món lẩu cá lóc nấu mẻ rừng U Minh