Ngay sau khi trở lại, ngành du lịch tỉnh An Giang đã đón chào một số lượng du khách tương đối lớn, từ nội tỉnh đến các tỉnh thành lân cận.
Chú trọng nâng cao chất lượng du lịch
Hai năm trời dịch bệnh, du lịch chính là một trong những ngành chịu tác động mạnh nhất.
Không phải nhắc lại nhưng ai cũng hiểu rằng sự khó khăn đối với ngành du lịch nói chung là vô cùng lớn, nhiều đơn vị kinh doanh bên bờ vực phá sản, kinh tế du lịch của nhiều địa phương gần như bằng không.
Tuy nhiên, với An Giang, ngay sau khi trở lại, ngành du lịch tỉnh nhà đã đón chào một số lượng du khách tương đối lớn, từ nội tỉnh đến các tỉnh thành lân cận.
Các đơn vị, doanh nghiệp du lịch trên địa bàn tỉnh ngoài việc hoạt động bảo đảm an toàn phòng chống dịch bệnh cũng đã chú trọng nâng cao chất lượng dịch vụ, xây dựng các điểm, tuyến tham quan, thưởng lãm phong phú, hấp dẫn phục vụ nhu cầu ngày càng cao của du khách gần xa.
Ngoài thế mạnh du lịch tâm linh, trên địa bàn tỉnh còn có nhiều cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, có sông nước mênh mông, có núi non kỳ vĩ, có rừng tràm, có ruộng đồng bát ngát. Thực sự, An Giang đang có tiềm năng, thế mạnh để tăng tốc phát triển kinh tế du lịch.
Theo Sở VH-TT-DL tỉnh An Giang cho biết, từ 9 tháng đầu năm, An Giang đón khoảng 6,7 triệu lượt khách (tăng 105% so với cùng kỳ, ước đạt 146% so với kế hoạch).
Trong đó, lượt khách lưu trú của các khách sạn đạt chuẩn là 190.000 lượt (tăng 22% so với cùng kỳ, ước đạt 95% so với kế hoạch); lượt khách lưu trú tại các nhà nghỉ, nhà trọ ước đạt 270.000 lượt. Doanh thu từ hoạt động du lịch ước đạt 4.150 tỉ đồng (tăng 94% so với cùng kỳ, ước đạt 138% so với kế hoạch).
Hàng loạt lễ hội được tổ chức thành công, thu hút du khách
Sáng 24.9, UBND huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang phối hợp Liên đoàn Dù lượn thể thao TP.HCM tổ chức chương trình biểu diễn dù lượn “Bay giữa mùa lễ hội” Tri Tôn năm 2022, nhân dịp lễ Sene Dolta của đồng bào dân tộc thiểu số Khmer.
Chương trình diễn ra tại Khu Thể thao Du lịch Tà Pạ - Soài Chek (xã Núi Tô, huyện Tri Tôn) trong ngày 24.9 và 25.9, thu hút 59 phi công khắp cả nước tham gia (8 phi công dù lượn, 51 phi công máy bay mô hình).
Các phi công biểu diễn dù lượn có động cơ, máy bay mô hình kết hợp đan xen giữa các tiết mục: Bay kéo cờ, bay thả khói màu, bay nhào lộn, bay đội hình…
Bên cạnh bay biểu diễn, phi công còn tương tác với khán giả, tặng quà tri ân khán giả đã đến ủng hộ. Trong số những phần quà, sẽ có 5 suất mời bay trải nghiệm, ngắm cảnh từ bầu trời Tri Tôn. Mỗi suất bay trong 5-10 phút (trị giá 2 triệu đồng/suất).
Cũng trong ngày 24.9, tại sân đua bò xã Vĩnh Trung, huyện Tịnh Biên cũng diễn ra Lễ hội đua bò Bảy Núi.
Lễ hội đua bò Bảy Núi lần này có sự tham gia tranh tài của 56 đôi bò trong tỉnh An Giang (trong đó, có 2 đôi bò đến từ huyện Giang Thành, tỉnh Kiên Giang).
Các đôi bò trong cuộc thi lần này đã được tuyển chọn đại diện cho các phum sóc và xuất sắc vượt qua vòng thi đấu cấp huyện.
Sau khi bốc thăm ngẫu nhiên chọn số đeo, 2 đôi bò bước vào tranh tài và thi đấu theo thể thức loại trực tiếp để chọn 4 đôi bò xuất sắc nhất vào thi đấu chung kết chọn ra nhà vô địch.
Khi trọng tài phát lệnh xuất phát, hai đôi bò phải thực hiện 2 nội dung thi đấu: Vòng hô (điều khiển bò đi với tốc độ chậm, chủ yếu để biểu diễn kỹ thuật điều khiển đôi bò) và vòng thả (phô diễn tốc độ chạy nhanh về đích).
Ngoài các giải thưởng dành cho chủ nhân đôi bò có thành tích cao, Ban tổ chức còn có giải thưởng dành cho người điều khiển bò xuất sắc.
Và trước đó vào ngày 2.9, hàng chục ngàn người từ khắp nơi đổ về huyện Tri Tôn để xem lễ hội khinh khí cầu khiến nhiều tuyến đường vào địa điểm khu thể thao du lịch Tà Pạ - Soài Chek “vỡ trận”.