Nếu nhìn vào các bộ phận cấu thành con số lao động thất nghiệp trên cả nước, không khó để có thể nhận ra những điều bất thường, và quan trọng hơn là chúng đã tồn tại trong một thời gian rất dài. Những điều bất thường đó chính là biểu hiện của những căn bệnh trầm kha trong nền kinh tế Việt Nam.
Sẽ không có nhiều lý do để cảm thấy vui vẻ khi nhìn vào bản tin mới nhất về thị trường lao động trong nước vào quý 2/2016 vừa được Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) công bố. Nếu nhìn nhận vấn đề trên khía cạnh thống kê đơn thuần, báo cáo về tỷlệ thất nghiệp trong quý 2có thể xem như một thành công tương đối, khi tỷlệ thất nghiệp chung của cả quý 2là 2,29%, chỉ tăng khá nhẹ so với mức 2,25% của quý trước.
Nhưng nếu nhìn vào cơ cấu các bộ phận cấu thành con số lao động thất nghiệp trên cả nước, không khó để có thể nhận ra những điều bất thường, và quan trọng hơn là những điều bất thường đó đã tồn tại trong một thời gian rất dài. Những điều bất thường đó chính là biểu hiện của những căn bệnh trầm kha trong nền kinh tế Việt Nam.
Điều bất thường đầu tiên, là tỷlệ lao động có trình độ chuyên môn được đào tạo trong tổng số lao động thất nghiệp của cả nước quá lớn. Cụ thể, trong tổng số 1,088 triệu người trong độ tuổi lao động bị thất nghiệp vào quý 2năm naythì đã có tới 418.200 người có chuyên môn kỹ thuật đã qua đào tạo, chiếm gần 38,5%. Trong tổng số 418.200 trường hợp đó, có 191.300 người có trình độ từ đại học trở lên, 94.800 người có trình độ cao đẳng chuyên nghiệp và 59.100 người có trình độ trung cấp chuyên nghiệp. Trên thực tế, việc số người có chuyên môn đã qua đào tạo chiếm một tỷlệ lớn trong tổng số lao động thất nghiệp trên cả nước không phải là chuyện mới xảy ra, mà nó đã diễn ra được một thời gian khá dài. Cụ thể, tỷlệ người có chuyên môn đã qua đào tạo trong tổng số lao động thất nghiệp vào quý 1năm nay lên tới hơn 40%, đạt khoảng 441.100 người. Điều tương tự cũng diễn ra trong các quý trước đó của năm 2015.
Không những chiếm một tỷlệ lớn dao động quanh khoảng 40% tổng số lao động thất nghiệp trong nền kinh tế, mà tốc độ tăng trưởng của số lao động thất nghiệp có bằng đại học trở lên đang tăng lên với tốc độ chóng mặt. Chẳng hạn như, số lao động thất nghiệp có trình độ đại học trở lên trong quý 1/2016 đã tăng 22,8% so với quý 4/2015.
Lý do đầu tiên của tình trạng này đồng thời cũng là một căn bệnh trầm kha kéo dài nhiều năm nay của nền kinh tế Việt Namlà có sự cong vênh rất lớn giữa việc đào tạo nguồn nhân lực và nhu cầu tuyển dụng trên thị trường lao động. Nói cách khác, là khả năng quy hoạch và phân bổ nguồn nhân lực trong nền kinh tế của Việt Nam đang có vấn đề rất lớn. Hiện tại, chúng ta đang thừa ở nhóm lao động mà thị trường không cần như quản trị kinh doanh, kinh tế, kế toán… nhưng lại rất thiếu các kỹ sư công nghệ, kỹ sư chuyên ngành kỹ thuật cũng như công nhân có tay nghề cao. Điển hình như ngành công nghệ thông tin (CNTT), vốn là một ngành được quy hoạch là mũi nhọn phát triển của Việt Nam trong tương lai gần, nhưng lại không có được sự cân đối cần thiết giữa việc đào tạo nhân lực và nhu cầu của nền kinh tế. Theo thống kê, dự tính nhu cầu nhân lực của các doanh nghiệp CNTT trong giai đoạn 2016-2020 là khoảng 400.000 người, trong khi toàn bộ hệ thống 290 trường đại học, cao đẳng và khoảng 150 cơ sở đào tạo về CNTT trên cả nước hiện chỉ có khả năng cung ứng khoảng 250.000 người, tức chỉ hơn một nửa nhu cầu.
Không những có sự cong vênh rất lớn giữa việc đào tạo và nhu cầu tuyển dụng thực tế, nói cách khác là nhu cầu một đằng đào tạo một nẻo, mà một căn bệnh trầm kha khác của nền kinh tế Việt Nam là đang đi theo một mô hình đào tạo nhân lực không giống ai. Theo thống kê của Bộ LĐ-TB-XH thì tương quan trình độ giữa đại học trở lên với cao đẳng, trung cấp, sơ cấp tại Việt Nam hiện nay đang lần lượt là: 1 - 0,35 - 0,57 - 0,35. Nói cách khác, tỷlệ người có trình độ đại học trở lên đang quá nhiều, trong khi công nhân có trình độ lành nghề lại có tỷlệ quá thấp. Điều này là đi ngược lại với xu hướng chung trên thế giới, khi tỷlệ công nhân luôn cao hơn so với trình độ đại học theo hình chóp, trong đó trình độ càng cao thì tỷlệ lao động càng thấp. Hiểu một cách đơn giản, chúng ta đang không chỉ có sự bất cập trong việc phân bổ ngành học ở trình độ đại học trở lên (trong đó ngành cần thì thiếu, ngành không cần thì thừa), mà còn có sự bất cập về tỷlệ đào tạo giữa lao động có trình độ đại học trở lên với lao động công nhân có tay nghề, và rơi vào cảnh “thừa thầy, thiếu thợ”.
Sự bất hợp lý ghê gớm này còn được đẩy lên một mức cao hơn khi đối chiếu với xu hướng và mô hình tăng trưởng kinh tế mà Việt Nam đang theo đuổi. Các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã và sẽ ký kết đang tạo ra một sự tăng trưởng rất lớn về vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào nền kinh tế, nhưng lại có xu hướng thiên về một nền kinh tế gia công dựa trên thâm dụng lao động đơn giản và ít/không cần qua đào tạo. Theo thống kê, có khoảng trên 90% các dự án đầu tư FDI vào nền kinh tế Việt Nam những năm qua là thuộc diện có công nghệ trung bình và công nghệ cũ, chỉ đòi hỏi công nhân có tay nghề ít có sự đào tạo nhưng lại yêu cầu số lượng lao động rất lớn. Điều này giải thích vì sao tỷlệ lao động không/ít qua đào tạo trong tổng số lao động thất nghiệp của nền kinh tế Việt Nam thời gian qua lại có xu hướng thấp như vậy (chỉ tương đương với tỷlệ lao động có trình độ chuyên môn đã qua đào tạo). Là vì nhu cầu tuyển dụng lao động đơn giản không/ít qua đào tạo trong nền kinh tế là rất lớn, do các dự án FDI thâm dụng lao động đơn giản tăng lên đáng kể. Dĩ nhiên, các dự án này không có nhu cầu tuyển dụng lao động có trình độ đại học trở lên, hoặc có nhưng rất ít.
Và đây chính là điều bất thường và cũng là nghịch lý lớn lao thứ hai trong nền kinh tế Việt Nam. Một mặt, chúng ta thúc đẩy việc tăng số lượng lao động đã qua đào tạo có trình độ chuyên môn bằng mọi giá, nhưng xu hướng kinh tế mà chúng ta theo đuổi lại là nền kinh tế gia công và thâm dụng lao động đơn giản không/ít cần đào tạo. Mặt khác, số lao động được đào tạo chuyên môn có số lượng ngày càng lớn đó lại cũng không khớp với nhu cầu tuyển dụng thực tế của thị trường dẫn đến tỷlệ thất nghiệp có trình độ đại học trở lên đang quá cao, trong khi nền kinh tế thiên về sản xuất lại rất thiếu công nhân có tay nghề cao. Nói cách khác, sự mơ hồ trong việc xác định mô hình tăng trưởng và hướng đi cho nền kinh tế, cộng với một mô hình đào tạo thiếu sự gắn kết với nhu cầu của thị trường, đang là hai nguyên nhân khiến cho việc phân bổ nhân lực trong nền kinh tế Việt Nam rơi vào cảnh “đầu thừa, đuôi thẹo”. Đó là một sự lãng phí vô cùng to lớn, nhất là khi những nguồn lực trong nền kinh tế Việt Nam vốn chỉ hữu hạn mà thôi.
Nhàn Đàm (theo The Saigon Times, CafeF)