Bối cảnh kinh tế đầy khó khăn đang cho thấy tình trạng xuất siêu của nền kinh tế hiện nay chỉ mang tính tạm thời. Sự suy giảm xuất khẩu trong tương lai gần, trong khi nhập khẩu đang có chiều hướng gia tăng mạnh là những lý do khiến tình trạng xuất siêu hiện tại có vẻ như giống sự lặng gió trước cơn bão nhiều hơn.

Việt Nam xuất siêu 7 tháng đầu năm: Mừng ít, lo nhiều

Nhàn Đàm | 16/08/2016, 15:52

Bối cảnh kinh tế đầy khó khăn đang cho thấy tình trạng xuất siêu của nền kinh tế hiện nay chỉ mang tính tạm thời. Sự suy giảm xuất khẩu trong tương lai gần, trong khi nhập khẩu đang có chiều hướng gia tăng mạnh là những lý do khiến tình trạng xuất siêu hiện tại có vẻ như giống sự lặng gió trước cơn bão nhiều hơn.

Một tin tức đáng chú ý trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong 6 tháng đầu năm chậm hơn dự kiến, là việc chúng ta đã tạm thời thoát khỏi tình trạng nhập siêu vốn diễn ra khá thường xuyên trong vài năm trở lại đây. Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, thì tính đến hết tháng 7,Việt Nam đã xuất siêu khoảng 2,26 tỉ USD, cao hơn mức dự kiến trước đó là 1,8 tỉ USD.

Về cơ bản, nócho thấy nền kinh tế Việt Nam đang cải thiện khá tốt khả năng cân đối của mình dù tổng vốn đầu tư FDI 7 tháng đầu năm vẫn tăng cao và khiến cho áp lực nhập khẩu về lý thuyết cũng tăng lên theo.

Tuy nhiên, nếu nhìn rộng hơn, bức tranh xuất nhập khẩu của Việt Nam trong 7 tháng đầu năm vừa quacũng như trong thời gian sắp tới, thì có thể nhận thấy tình trạng xuất siêu của nền kinh tế hiện nay chỉ mang tính tạm thời. Các yếu tố vĩ mô đang cho thấy tình trạng xuất siêu hiện tại có vẻ như giống sự lặng gió trước cơn bão nhiều hơn.

Trước hết, cần khẳng định ngay rằng việc Việt Nam xuất siêu 2,26 tỉ USD trong 7 tháng đầu năm không đến từ việc gia tăng mạnh mẽ trong lĩnh vực xuất khẩu như nhiều người vẫn nghĩ. Thực tế là ngược lại, tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam trong 6 tháng đầu năm chỉ đạt 5,7%, và là mức tăng trưởng thấp nhất trong 5 năm qua.

Lý do khiến kinh tế Việt Nam chuyển sang trạng thái xuất siêu là vì kim ngạch nhập khẩu đã suy giảm trong cùng giai đoạn, cụ thể là trong khi kim ngạch xuất khẩu 7 tháng đầu năm của Việt Nam đạt gần 97 tỉ USD và có mức tăng trưởng 5,4% so với cùng kỳ 2015, thì kim ngạch nhập khẩu cả nước lại giảm 1,2% so với cùng kỳ 2015, tổng cộng đạt 94,735 tỉ USD. Chính sự chênh lệch này đã dẫn tới tình trạng xuất siêu vượt dự kiến của kinh tế Việt Nam 7 tháng đầu năm.

Tuy nhiên, nếu nhìn vào cơ cấu các ngành và lĩnh vực xuất khẩu cũng như nhập khẩu, và chiều hướng thay đổi của chúng trong 7 tháng đầu năm, thì lại có không ít những điều đáng ngại.

Trước hết về xuất khẩu, các thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam cũng như năng lực các ngành sản xuất chủ lực để xuất khẩu sang các thị trường này của Việt Nam đang sắp đạt ngưỡng cao nhất cho phép. Điển hình là các ngành sản xuất và xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như nhóm hàng công nghiệp chế biến, chiếm khoảng trên một nửa các ngành có kim ngạch xuất khẩu cao nhất trong nền kinh tế, chỉ đạt mức tăng trưởng xuất khẩu khá khiêm tốn là 8,2% trong 6 tháng đầu năm, thấp hơn nhiều so với cùng kỳ 2015.

Lý do chủ yếu là vì năng lực sản xuất của các doanh nghiệp trong các ngành này sắp đạt tới giới hạn, như trường hợp của Samsung là một ví dụ. Tập đoàn công nghệ Hàn Quốc này đã liên tục mở rộng quy mô sản xuất tại các khu công nghiệp của mình trong mấy năm qua, và giờ không thể tăng thêm. Điều tương tự cũng diễn ra trong một số lĩnh vực khác như dệt may.

Trong khi xuất khẩu vào các thị trường chủ lực đã sắp tới giới hạn, thì xuất khẩu vào các thị trường có tầm quan trọng khác lại sụt giảm rất mạnh. Điển hình là thị trường các nước ASEAN, khi kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường ASEAN 6 tháng đầu năm nay không những không tăng mà còn giảm rất mạnh, tổng cộng 12,9%. Trong cùng kỳ 2015 tỷ trọng thị trường ASEAN chiếm 12% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam, thì đến thời điểm hiện tại nó chỉ còn đạt 9,9%.

Sự tăng trưởng xuất khẩu tại các thị trường khác, cùng với việc giảm kim ngạch nhập khẩu đã khiến cho sự sụt giảm đáng báo động của xuất khẩu vào thị trường ASEAN của Việt Nam bớt nghiêm trọng hơn. Nhưng nó chỉ là trong ngắn hạn, còn về dài hạn đây rõ ràng là một xu hướng rất đáng lo ngại.

Điều đáng lo ngại hơn hết đó là, cơ cấu và tỷ trọng nhập khẩu của Việt Nam đang có sự biến động rất mạnh trong 6 tháng đầu năm nay, mà thành tích xuất siêu đang khiến những vấn đề đáng ngại đó bị che khuất đi.

Xu hướng đó là: các đối tượng có quan hệ kinh tế-thương mại mà Việt Nam phải chịu cảnh nhập siêu đang tăng lên, và mức nhập siêu của Việt Nam với các nền kinh tế này thì đang ngày càng tăng lên. Ngoài Trung Quốc đang là đối tượng khiến Việt Nam chịu tình trạng nhập siêu lớn nhất trong quan hệ kinh tế-thương mại song phương vốn đã diễn ra trong nhiều năm qua, thì danh sách này còn đang ngày càng nhiều lên, mà điển hình là Hàn Quốc và các nước ASEAN. Hiện Hàn Quốc đã nhảy lên vị trí thứ hai trong danh sách các nước mà Việt Nam nhập siêu lớn nhất, chỉ xếp sau Trung Quốc.

Điều tương tự cũng đang diễn ra trong quan hệ kinh tế-thương mại với các nước ASEAN. Trong khi kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường các nước này giảm mạnh tới 12,9% trong 6 tháng đầu năm, thì nhập siêu của Việt Nam từ thị trường ASEAN cùng thời gian này lại tăng rất mạnh, lên tới hơn 40%.

Nói cách khác,việc giảm kim ngạch nhập khẩu 6 tháng đầu năm khiến nền kinh tế Việt Nam đạt trạng thái xuất siêu chủ yếu là do chúng ta giảm nhập khẩu từ các thị trường khác ngoài ASEAN mà thôi. Điều đáng lo ngại nhất là, xu hướng nhập siêu của Việt Nam từ thị trường ASEAN đang được dự báo sẽ ngày càng tăng lên đáng kể, do các nước trong khu vực đã chuẩn bị khá tốt trong việc tận dụng việc hình thành cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC).

Điển hình nhất là Thái Lan, chẳng hạn như trong tổng số mức tăng trưởng 41% của kim ngạch xuất khẩu hàng công nghiệp ASEAN vào Việt Nam 6 tháng đầu năm đạt giá trị 728 triệu USD, thì Thái Lan đã chiếm tới 59% và là nhà cung cấp lớn nhất mặt hàng này.

Tổng kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ Thái Lan trong 6 tháng đầu năm cũng đạt mức kỷ lục gần 3,9 tỉ USD, đưa mức nhập siêu của Việt Nam từ Thái Lan chỉ trong vòng 6 tháng lên con số 2,1 tỉ USD, tăng 120% so với cùng kỳ 2015. Thậm chí đã có một số dự báo nhập khẩu hàng hóa từ thị trường ASEAN có thể sẽ khiến nhập khẩu của Việt Nam từ Trung Quốc giảm đi đáng kể.

Vì nền kinh tế thế giới trì trệ khiến nhu cầu nhập khẩu của các nền kinh tế hàng đầu thế giới giảm đi, cộng với việc năng lực sản xuất của các doanh nghiệp trong các ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sắp tới giới hạn cao nhất. Không khó để dự đoán rằng tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam trong tương lai gần sẽ không còn tăng nhanh như trước.

Trong khi đó xu hướng nhập khẩu từ các thị trường khác lại đang ngày càng tăng lên. Ở thời điểm hiện tại, khi kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vào các thị trường chủ lực chưa giảm sút, trong khi xu hướng gia tăng nhập khẩu vẫn chưa tăng cao khiến cho nền kinh tế tạm thời ở trong trạng thái xuất siêu.

Nhưng khi mà năng lực xuất khẩu của Việt Nam được dự báo sắp tới giới hạn, còn xu hướng nhập khẩu sẽ ngày càng tăng lên, thì không khó để đoán được viễn cảnh tồi tệ nào đang chờ đón nền kinh tế của chúng ta trong tương lai gần.

Nhàn Đàm (theo The Saigon Times, CafeF)
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Dứt khoát không để các dự án giao thông trọng điểm chờ cát, thiếu cát
Chủ trì cuộc làm việc về giải quyết vật liệu san lấp cho các dự án giao thông trọng điểm phía nam, chiều 11.5, tại TP.Vĩnh Long, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu gắn trách nhiệm cụ thể của các cấp, các ngành, từ Trung ương tới địa phương trong triển khai phương án, kế hoạch bảo đảm vật liệu san lấp đã được xác định, "thủ tục ở cấp nào phải chủ động ở cấp đấy".
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Việt Nam xuất siêu 7 tháng đầu năm: Mừng ít, lo nhiều