Chính lối làm việc chuẩn vừa mang tính công nghiệp - công nghệ vừa mang tính kỉ luật nhà binh, cộng với nếp sống của những người tài hoa được đào tạo cơ bản có tri thức có văn hóa..., lại hoạt động trong môi trường quá đặc thù, đặc biệt “...số lần lặn vào lòng biển tham phải bằng số lần nổi lên mặt nước hân hoan”, mà tạo nên phong cách thủy thủ tàu ngầm.

Những điều chưa biết về văn hóa trên tàu ngầm Kilo

Một Thế Giới | 02/07/2015, 10:36

Chính lối làm việc chuẩn vừa mang tính công nghiệp - công nghệ vừa mang tính kỉ luật nhà binh, cộng với nếp sống của những người tài hoa được đào tạo cơ bản có tri thức có văn hóa..., lại hoạt động trong môi trường quá đặc thù, đặc biệt “...số lần lặn vào lòng biển tham phải bằng số lần nổi lên mặt nước hân hoan”, mà tạo nên phong cách thủy thủ tàu ngầm.

Sonar thủy âm... con mắt tàu ngầm
Trong tác chiến tàu ngầm, dù là tàu diesel lớp kilo hay tàu ngầm hạt nhân nguyên tử thì cũng phải sử dụng ba loại thiết bị trinh sát cơ bản: Ra đa, Thủy âm (sonar) và Dò từ tính. Chỉ khi nào tàu ngầm nổi lên thì mới sử dụng ra đa để dò tàu mặt nước, thiết bị liên lạc, máy bay tầm thấp của đối phương. Còn khi tàu ngầm lặn thì thiết bị trinh sát chủ yếu là sonar thủy âm và thiết bị dò từ tính. Hiện nay, người Nga đã chế tạo được hệ thống trinh sát sonar thủy âm MGK- 400EM lắp đặt trong tàu ngầm có độ nhạy thu và xử lý tín hiệu cực nhanh nhạy. Tàu đi trong lòng đại dương tăm tối, nếu không có thiết bị sonar thủy âm thì như người mù không bao giờ nhìn thấy vật cản, tảng băng chìm để vòng tránh, huống hồ là nhìn thấy tàu ngầm đối phương để tấn công.
Có trang bị vũ khí tốt, nhưng làm chủ và sử dụng vũ khí thành thạo lại là một thử thách lớn theo nguyên lý “con người quyết định vũ khí". Dù thiết bị trinh sát sonar thủy âm hiện đại thu nhận được tín hiệu, nhưng có phân tích được để phát hiện mục tiêu thật hay giả lại là câu chuyện khác ảnh hưởng sống còn đến số phận con tàu. Tôi đã gặp trợ lý phòng tham mưu Đào Ngọc Đức sau ngày anh đi biển cùng tàu 182 - Hà Nội, để tập huấn kỹ thuật sonar thủy âm. Nhìn Đức cũng bình thường như mọi thủy thủ, nhưng anh cũng như các nhân viên sonar thủy âm khác lại có đôi tai cực thính và biết phân tích, nhận dạng các loại sóng âm rất tài tình.
Tàu hàng, tàu chiến mặt nước bị sóng đánh bao giờ cũng dềnh lên dềnh xuống thì sẽ có âm đặc trưng khác với âm phát ra từ chân vịt tàu ngầm. Tàu đánh cá nhỏ bị sóng đánh đôi khi cái chân vịt vổng lên rồi hạ xuống thì nghe đánh “xèo” một cái. Cá voi hí hửng đùa với sóng biển, phun vòi nước trắng xóa dưới ánh mặt trời thì lại phát ra một loại âm thanh khác... Sỹ quan sonar thủy âm phải có đôi tai đặc biệt phân biệt được chỗ này là tiếng máy, tiếng chân vịt tàu mặt nước, chỗ kia là tàu ngầm, .chỗ kia nữa là máy khoan ở giàn khoan dầu lửa, chỗ khác là tiếng cá voi... Đại tá Trần Thanh Nghiêm bảo: “Thủy thủ chuyên ngành sonar thủy âm là những người có cái tai... đặc biệt, như nghe nhạc giao hưởng phải phân biệt được đâu là tiếng đàn piano, đâu là tiếng violon, đang ở nốt trầm hay bổng. Khám hàng vạn người mới được một người học chuyên ngành sonar thủy âm”.
Tàu ngầm đi dưới nước húc nhau là chuyện không hiếm. Ngày trước, trong một đêm tăm tối, tàu ngầm nguyên tử của Nga đi ở biển Hoa Đông đụng vào tàu ngầm Trung Quốc... đánh rầm một cái, cả tàu ngầm nguyên tử chết lặng đi, 3 phút sau mới có tiếng hỏi nhau trong lo lắng hoảng sợ. Thuyền trưởng lệnh cho nối khẩn cấp. Họ nhìn lại đằng sau thấy một tàu ngầm mini bật đèn nhấp nháy, rồi chìm hẳn xuống đại dương. Hôm sau, đã thấy xôn xao truyền thông khắp nơi trên thế giới: “...Một tàu ngầm Trung Quốc bị mất tích, hiện nay nhà chức trách đang điều tra...”. Sĩ quan sonar thủy âm và nhân viên dò từ tính giỏi sẽ không bao giờ để xảy ra tình trạng đâm húc nhau như tàu ngầm hạt nhân Nga và tàu ngầm mini Trung Quốc.
Chai nước biển ở độ sâu... 285m
Tàu ngầm lớp kilo 636 thiết kế lặn sâu tối đa 300m, nhưng độ sâu an toàn kỹ thuật là 285m. Chinh phục độ sâu 285m không chỉ là yêu cầu chất lượng huấn luyện, mà còn là khát vọng của thủy thủ tàu ngầm. Chưa lái được tàu ngầm lặn xuống độ sâu ấy, coi như chưa xong bài huấn luyện. Tâm trạng thuyền trưởng, thủy thủ luôn cảm thấy thiếu hụt, luôn cảm thấy mình chưa trọn vẹn, chưa trưởng thành thực sự.
Đại tá Trần Thanh Nghiêm đã từng chỉ huy tàu ngầm 183 - thành phố Hồ Chí Minh đi huấn luyện vào lòng biển xuống độ sâu 285m. 7 giờ tối thì tàu bắt đầu lặn sâu. Tôi cứ tưởng tàu ngầm chiếm lĩnh độ sâu bằng cách xuống theo chiều thẳng đứng như máy bay trực thăng, hóa ra không phải. Tàu đi xiên xiên giống như máy bay Boeing 787 hạ dần độ cao để hạ cánh xuống sân bay. Tàu ngầm lặn sâu dần cho đến lúc rnáy đo độ sâu báo con số 285m - đúng độ sâu kỹ thuật an toàn cho phép thì không xuống nữa. Chỉ còn 15m nữa là đến độ sâu thiết kế. Tôi hỏi anh Nghiêm: “Sao anh không cho tàu cô lặn thêm đến tận độ sâu 300m để xem nó ra làm sao?” Anh Nghiêm cười: “Cũng không cần thiết. Tàu ngầm cùng loại của Nga cũng chỉ lặn đến độ sâu ấy”. Anh Nghiêm còn kể, anh nói chuyện với ông kĩ sư thiết kế hơn 80 tuổi - cha đẻ của loại tàu ngầm diesel lớp kilo, ông ấy bảo: “Chúng mày cứ cho tàu lặn đến 400m. Tao bảo đảm thiết kế và vỏ thép vẫn chịu đựng tốt, không xảy ra chuyện gì đâu”. Chinh phục độ sâu là một câu chuyện dài và thú vị chẳng cần phải hăng hái phiêu lưu đến giới hạn không cần thiết, bởi “dục tốc bất đạt”.
Anh Nghiêm còn nhớ đến 11 h đêm thì... lấy nước. Nước lấy qua van giảm áp. Nước đầu bỏ đi vì nó chảy qua đường ống dễ bị cặn, bụi. Nước trong vắt. Mặn chát. Tinh khiết. Vỏ trùng vô khuẩn. Để muôn đời vẫn không vẩn đục. Nước biển lấy ở độ sâu 285m được đóng chai. Sau đợt huấn luyện, đem giao cho cơ quan hậu cần bảo quản. Thỉnh thoảng khách qúy đến thăm, mang tặng như một món quà tinh khiết với niềm tự hào chân thành của thủy thủ tàu ngầm chinh phục độ sâu 285m.
Văn hóa tàu ngầm
Uống một cái chao đèn đầy nước biển mới được cấp giấy chứng nhận thủy thủ tàu ngầm. Đập vỡ chai sâm banh trước khi tàu ra khơi, chỉ bởi mong muốn không gặp nạn đến mức phải viết thư bỏ vào chai nút lại thả xuống biển... cầu may. Con cá rán đặt trên đĩa, thủy thủ ăn hết phần trên không được lật phần dưới lên gắp tiếp. Còn đầu bếp chiên cá trên chảo cũng không lật cá, mà múc dầu đang sôi dội liên tục lên mặt trên con cá chiên rán cho đến lúc chín vàng. Có thủy thủ còn cẩn thận, kĩ tính... không úp bát, úp cốc khi đã rửa sạch. Hầu hết, các hình ảnh này được thủy thủ Việt Nam chụp khi đi tàu ngầm cùng kíp thủy thủ Nga ở biển Baltic, vẫn còn lưu trong điện thoại. Bạn đọc đừng coi đó là chuyện âm u, mê tín, mà hãy xem như thói quen cầu may, tâm lý cầu an lành trước đại dương mênh mông bí hiểm, không chuyện gì không thể xảy ra, đã thành... văn hóa. Giả sử các thủy thủ tàu ngầm Việt Nam có học, có làm theo thì cũng là chuyện bình thường của con người bình thường, thậm chí có lợi, ít nhất là giải quyết được vấn đề tâm lý. Nhưng, khi tôi hỏi các thủy thủ có làm giống người Nga không, thì họ chỉ cười.
Để bảo đảm sức khỏe cho thủy thủ đi dài ngày trong lòng biển, người ta thiết kế các khoảng không gian đủ để sĩ quan thủy thủ sinh hoạt thoải mái ở mức tương đối. Trung tá Đậu Văn Hoàng - thuyền trưởng tàu 184 dẫn chúng tôi đi xem phòng giao ban - còn để họp và xem phim; các phòng ngủ xếp giường hai tầng của thủy thủ; phòng ngủ của thuyền trưởng. Cái ghế ngồi của thuyền trưởng ở phòng giao ban to nhất. Cái phòng ngủ của thuyền trưởng cũng lớn hơn phòng thủy thủ, được trang bị bộ đàm, máy theo dõi đo độ sâu... Đang ngủ, có tín hiệu báo động, ngồi ngay trong phòng ngủ, thuyền trưởng cũng nhận được tất cả báo cáo từ sĩ quan trực chiến, cũng biết được tàu đang ở độ sâu bao nhiêu, đang đi theo hướng nào... Có lẽ không có loại binh chủng nào mà môi trường sống và làm việc lại tạo ra tinh thần tình cảm gắn bó, liên kết chặt chẽ và thân thuộc như tàu ngầm. Cuộc sống thực tế đầy thử thách với “không gian hộp kín”, với sự khác biệt chỉ một người sai sót thì sinh mệnh cả thủy thủ đoàn bị đe dọa nguy hiểm... tạo nên tính đồng đội đặc biệt trong tàu ngầm.
Chế độ ăn của thủy thủ tàu ngầm đi biển cũng... lạ. Họ được ăn 4 bữa: sáng, trưa, chiều, tối, và đêm ăn nhẹ. Mỗi bữa ăn các thủy thủ được uống một ly rượu vang. Tất cả các đơn vị trong quân đội đều... cấm rượu bia, nhưng thủy thủy tàu ngầm lại được xài một chế độ ăn đặc biệt với rượu vang! Không chỉ là tăng độ lên men tiêu hóa tốt, mà là một nét văn hóa rất Nga. Ấy là chưa kể thủy thủ nhà mình cũng biết khiêu vũ từ các điệu nhảy cổ điển tình tứ đến các điệu La tinh sôi động ở câu lạc bộ sĩ quan! Tôi nghĩ đến... “tính qúy tộc” của thủy thủ tàu ngầm được hưởng, hẳn phải có lý do? Và, tôi thấy văn hóa tàu ngầm mang dấu ấn ở mỗi bữa ăn, ở ấn tượng sinh hoạt tinh thần này.
Kỷ luật trong tàu ngầm là thứ... kỉ luật sắt, tự giác mà nghiêm minh. Người thủy thủ luôn có ý thức thực hiện nghiêm ngặt chức trách và nhiệm vụ của mình. Chưa có lệnh của thuyền trưởng chưa được hành động, nhận lệnh làm xong phải báo cáo. Tất cả đều làm việc theo một quy trình khoa học, chính xác. Phong cách thủy thủ tàu ngầm đặc biệt không lẫn, vừa lặng thầm nghiêm trang, khỏe khoắn và ý chí sắt vừa hào hoa, lịch sự; có bản lĩnh thép, đủ thông minh khéo léo bảo vệ sức sống con tàu, đủ trình độ tác chiến tinh nhuệ đưa tên lửa, ngư lôi đến mục tiêu đối phương khi cần thiết...; xứng đáng là thủy thủ tàu ngầm của Hải quân Việt Nam anh hùng.
Nhà văn Sương Nguyệt Minh/ Tuổi trẻ & Đời sống

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư Tô Lâm tiếp đoàn kiều bào tiêu biểu tham dự chương trình 'Xuân quê hương 2025'
1 giờ trước Sự kiện
Chiều 19.1, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Tô Lâm đã tiếp đoàn 100 kiều bào tiêu biểu tham dự chương trình "Xuân quê hương 2025" do Ủy ban Nhà nước về Người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao tổ chức.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Những điều chưa biết về văn hóa trên tàu ngầm Kilo