Bị can Trang Văn Hưởng đã thực hiện hơn 38 vụ lừa đảo vì dùng chiêu tự khoe quen cán bộ cao cấp. Y vừa bị cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bạc Liêu bắt giữ...
Suốt ngày la cà ở quán cà phê nhưng Hưởng mở miệng ra là “nổ” có quen biết nhiều lãnh đạo cao cấp.Ai có khó khăn, vướng mắc việc gì, nhất là chuyện tranh chấp đất đai, Hưởng nói dễ như trả bàn tay. Tin lời Hưởng, nhiều người tiền mất tật mang. Danh sách nạn nhân của Hưởng có lẽ sẽ còn dài thêm nếu như Hưởng không bị Công an Bạc Liêu tóm cổ”.
Thực hiện trót lọt 38 vụ lừa đảo
Ngày 27/6, cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bạc Liêu cho biết đã hoàn tất kết luận điều tra, chuyển hồ sơ sang Viện KSND tỉnh đề nghị truy tố bị can Trang Văn Hưởng (48 tuổi, ngụ ấp Nhà Dài A, xã Châu Hưng A, huyện Vĩnh Lợi) về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Hưởng đượcxem là “siêu lừa số 1 miền Tây”, vì từ năm 2006 đến khi bị bắt đã thực hiện trót lọt 38 vụ lừa đảo, chiếm đoạt gần 2 tỷ đồng và 4.000 USD.
Theo kết luận điều tra, năm 2006, sau khi Hưởng ra Hà Nội làm giấy chứng nhận liệt sĩ cho các anh của mình trở về địa phương thì nảy sinh ý định lừa đảo bằng thủ đoạn: ăn mặc lịch sự, đeo nhiều vàng, chạy xe tay ga, mạng cặp táp và tựgiới thiệu quen nhiều người ở Hà Nội có thể chạy án, xin việc làm, làm giấy chứng nhận liệt sĩ, xin lại đất...
Từ đó người dân truyền tai nhau, một số người lấy số điện thoại của Hưởng lưu lại để khi có người quen, người thân cần giúp thì giới thiệu cho Hưởng. Hưởng còn “nổ” quen nhiều người làm chức vụ cao ở Viện KSND tối cao, TAND tối cao, Cục Thi hành án, Công an tỉnh Bạc Liêu... để lừa đảo nhiều người.
“Lo lót để rút 6,5 triệu USD”
Điển hình là vụ Phạm Văn Tín và Lương Văn Mẫn (cùng ngụ xã An Phúc, huyện Đông Hải), bị Công an huyện Đông Hải bắt, khởi tố về hành vi “Cố ý gây thương tích” vào năm 2013. TAND tỉnh Bạc Liêu xử phúc thẩm tuyên phạt Tín 6 năm 6 tháng tù và Mẫn 8 năm tù. Trong thời gian chờ chấp hành án, Tín và Mần cùng gia đình gặp Hưởng nhờ chạy án.
Sau khi xem hồ sơ do Tín và Mẫn cung cấp, Hưởng hứa sẽ giúp Tín và Mẫn được hưởng án treo. Để lấy lòng tin của Tín và Mẫn, Hưởng nhờ người tự xưng là “ông Sáu” nói giọng miền Bắc điện thoại vào máy của Tín và Mẫn. Sau nhiều lần giao tiền cho Hưởng (tổng cộng Tín 60 triệu đồng, Mẫn 115 triệu đồng), Tín và Mẫn vẫn bị buộc chấp hành án tù giam tại Trại giam Cái Tàu (tỉnh Cà Mau).
Trường hợp khác, tháng 4/2011, ông Nguyễn Văn Mừng (ngụ ấp Sơn Trắng, xã Nhị Long Phú, huyện Càng Long, tỉnh Trà Vinh) nhờ Hưởng giúp con trai ông là Nguyễn Ngọc Tuấn làm thủ tục rút 6,5 triệu USD tại một ngân hàng. Tuấn quen qua mạng internet một người tên Telma Kassala “đang sống tị nạn” và người này nhờ giúp rút số tiền 6,5 triệu USD tại một ngân hàng, sau khi rút đượcsẽ cho Tuấn 15%.
Nghe Hưởng nổ: “Tôi hiện đang làm việc tại Văn phòng Bộ Ngoại giao có thể lo tất cả các loại giấy tờ khi có người yêu cầu”, ông Mừng tin lời nên đã 5 lần giao tiền, tổng cộng 216 triệu đồng và 4.000 USD. Các lần nhận tiền, Hưởng đều hẹn cha con ông Mừng tại sân bay Tân Sơn Nhất (TP. HCM) hoặc tại sân bay TP cần Thơ khiến nạn nhân càng tin Hưởng rất bận rộn, thường từ Hà Nội vào công cán... Thế nhưng, tiền đã giao đi mà 6,5 triệu USD mãi vẫn chỉ là ảo tưởng.
Xin khắc phục bằng hình thức… trả góp
Đáng chú ý, vào thời điểm tháng 2/2012, Hưởng nói với ông Mừng là "còn một vài thủ tục quan trọng và rất cần thiết cần phải... chi". Vậy là ông Mừng đã phải vật vã để có số tiền 100 triệu đồng nộp cho ông Hưởng. Đến lúc tỉnh người vì biết đã ăn phải quả đắng, ông Mừng đã viết đơn tố giác Hưởng. Cũng như đối với nhiều nạn nhân khác, Hưởng quay qua "xuống nước", xin được khắc phục hậu quả bằng cách trả tiền lại theo phương thức... trả góp.
Phạm Hoàng / CL&XH