Trong những ngày Tết Nguyên đán, tại không ít nơi ở miền Bắc nước ta, người dân vẫn giữ một số tập tục kiêng kỵ khá đặc biệt.
Người ta coi rằng trong dịp tết, nhất là 3 ngày tết, những điều kiêng kỵ ấy phải được thực hiện một cách rất quy củ và nghiêm túc, bởi nếu ai phạm vào một trong các kiêng kỵ ấy sẽ bị “dông”, chịu đen đủi suốt cả một năm dài. Không biết những điều kiêng kỵ ấy có từ khi nào, do ai nghĩ ra, nhưng các thế hệ sau này cứ theo cách truyền miệng mà thực hiện, duy trì.
Người đời từng dặn dò “có thờ có thiêng, có kiêng có lành”, vì vậy dù không hiểu những điều kiêng kỵ, nếu phạm phải có thực sự bị xui xẻo cả năm hay không, nhưng một khi nó đã là những điều truyền lại từ xa xưa thì người ta ít nhiều cũng sờ sợ, cứ răm rắp tuân theo cho... lành.
Dưới đây là một số kiêng kỵ trong ngày tết mà không phải ai cũng biết.
Kiêng quét nhà
Người dân tại rất nhiều nơi miền Bắc, nhất là vùng nông thôn, từ bao đời nay vẫn luôn giữ một điều kiêng kỵ mà bất cứ gia đình nào cũng thực hiện, đó là: Trong 3 ngày tết tuyệt nhiên không được quét nhà. Theo như “nội quy” của điều kiêng kỵ được truyền lại, nếu quét nhà trong những ngày tết thì chẳng khác nào quét của nả ra hết khỏi nhà, và như thế cả năm gia đình sẽ nghèo khó, không đủ ăn. Không chỉ không quét nhà mà còn cả quét sân quét ngõ... Nếu muốn quét dọn cho sạch sẽ thì chỉ nên quét từ cổng, từ cửa hất vào phía trong, của cải sẽ không bị tuôn ra ngoài.
Sau khi đã thực hiện như vậy trong 3 ngày tết thì những ngày sau đó việc quét nhà, quét sân lại diễn ra bình thường mà không sợ bị “dông” nữa.
Kiêng làm đổ vỡ bát đĩa
Tại hầu hết các huyện của vùng đất xứ Kinh Bắc xưa, tức Bắc Ninh, Bắc Giang, người ta luôn nhắc nhau, nhắc các thành viên trong gia đình, nhắc con cái trong 3 ngày tết đừng làm đổ vỡ bát đĩa.
Dân vùng này cho rằng vào ngày tết mà không may để xảy ra vỡ bát đĩa, cốc chén, nhất là trong ngày mùng 1, thì vận đen sẽ đeo bám người làm vỡ, cũng như gia đình ấy suốt năm. Nếu không bị chuyện xui về tình cảm gia đình, tai nạn, bệnh tật ốm đau, thì cũng làm ăn không được gặp may, không trúng mùa, hao tốn tiền bạc... Chính vì vậy, mấy ngày tết bất cứ ai làm cỗ liên quan tới bát đĩa đều phải rất cẩn thận. Người lớn thường nhắc nhở con trẻ điều này để chúng thận trọng hơn nữa.
Kiêng tắm ngày mùng 1
Nói tới điều kiêng kỵ tắm rửa trong ngày mùng 1 tết ở miền Bắc, hẳn nhiều người vẫn truyền nhau về người dân của vùng Lâm Thao, Đoan Hùng (Phú Thọ), hay Thổ Tang, Vĩnh Tường, Yên Lạc (Vĩnh Phúc) vào ngày mùng 1 tết không bao giờ tắm. Có lý do, một phần bởi việc tắm rửa bằng nước thảo mộc thơm tho đã diễn ra vào hôm 30 tết rồi nên ngày đầu tiên của năm mới người ta sẽ không tắm, mà đợi tới ngày mùng 2 mới tắm lại bình thường. Nhưng còn lý do khác. Theo như người những nơi này giải thích, việc tắm vào ngày đầu năm sẽ làm mất thời gian quý báu của ngày đầu tiên năm mới, nên dành thời gian để nghỉ ngơi, chơi bời, ăn uống, bởi quanh năm ai cũng đã rất vất vả rồi. Ngày này nên hạn chế làm công việc, trong đó có cả việc tắm rửa. Nếu ai đó do phải làm việc, thân thể bẩn, khó chịu mà không thể đừng được thì cũng chỉ nên lau qua thôi, chứ không nên dội rửa nước ào ào, bởi như thế sẽ bị coi là điều xui xẻo.
Kiêng đòi nợ, trả tiền trong những ngày tết
Việc đòi tiền và trả tiền trong 3 ngày tết từ lâu đã được người dân ở hầu khắp các tỉnh miền Bắc, miền Trung tuyệt đối kiêng kỵ, nhất là đối với những người làm kinh doanh, buôn bán. Đầu năm, người ta tránh nói hoặc bàn chuyện nợ nần, vay trả. Chính vì vậy mọi giao dịch tiền bạc thường diễn ra những ngày cuối năm, nếu chưa xong thì tạm ngừng 3 ngày tết, sau đó lại bình thường. Nhiều người kỹ tính, mê tín còn kiêng chuyện đòi tiền, trả liền tới tận qua rằm tháng giêng.
Ngoài những điều kiêng kỵ trên, trong mấy ngày tết, người dân ở nhiều nơi còn kiêng cãi nhau; kiêng ăn các món ăn có thể mang tới xui rủi như thịt vịt, thịt chó; kiêng cho lửa, cho nước; kiêng xuất hành ngày lẻ, xấu... Dù những điều kiêng kỵ còn nặng tính mê tín, không có cơ sở khoa học, nhưng cũng làm cuộc sống đa dạng hơn, thú vị hơn trong phong tục đón Tết cổ truyền của dân tộc.