Theo Viện kiểm sát, số tiền hơn 10,4 tỉ đồng mà các bị cáo gây thiệt hại lẽ ra phải được trả lại cho những người mãn hạn tù từ nước ngoài trở về trên 8 chuyến bay giải cứu.

Những người mãn hạn tù trở về trên các ‘chuyến bay giải cứu’ có được trả lại tiền?

Nhã Thanh | 27/07/2023, 17:00

Theo Viện kiểm sát, số tiền hơn 10,4 tỉ đồng mà các bị cáo gây thiệt hại lẽ ra phải được trả lại cho những người mãn hạn tù từ nước ngoài trở về trên 8 chuyến bay giải cứu.

Trong vụ án “chuyến bay giải cứu”, 4 bị cáo là cựu cán bộ của Đại sứ quán Việt Nam tại Malaysia bị Viện kiểm sát cáo buộc đã gây thiệt hại hơn 10,4 tỉ đồng khi tổ chức 8 chuyến bay giải cứu đưa người đã chấp hành xong án phạt tù về nước, phạm vào tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.

Thu 200 USD/hộ chiếu của người mãn hạn tù là trái quy định

Tại phiên tòa, bị cáo Trần Việt Thái (cựu Đại sứ Việt Nam tại Malaysia) cho rằng việc thu 200 USD/hộ chiếu là không trái quy định bởi thời điểm đó chưa có văn bản hướng dẫn, mãi đến tháng 1.2022 mới có Thông tư sửa đổi hướng dẫn cấp hộ chiếu rút gọn.

tran-viet-thai-cuu-dai-su-vn-tai-malaysia-.jpeg
Bị cáo Trần Việt Thái (cựu Đại sứ Việt Nam tại Malaysia) bị áp giải tới tòa - Ảnh: Đ.T

Đối đáp lại nội dung này, VKS cho biết theo quy định tại thông tư của Bộ Tài chính, ở phụ lục số 01 “Biểu thu lệ phí trong lĩnh vực ngoại giao” ban hành kèm theo thông tư, thì “Hộ chiếu cấp mới, mức thu là 70 USD; cấp lại do để hỏng hoặc mất, mức thu là 150 USD”; tại phụ lục 02 quy định “Xác minh giấy tờ, tài liệu, mức thu là 50 USD”.

Theo VKS, hồ sơ vụ án thể hiện Đại sứ quán Việt Nam tại Malaysia đã có 3 công điện gửi Cục Lãnh sự liên quan đến đề xuất việc tổ chức chuyến bay giải cứu cho người mãn hạn tù trong các trại chờ.

Ngày 16.4.2021, Cục Lãnh sự có công điện mật gửi Đại sứ quán Việt Nam tại Malaysia trao đổi về việc tổ chức các chuyến bay đưa người mãn hạn tù theo hình thức tiếp nhận từng phần. Cục Lãnh sự đề nghị Đại sứ quán tổng hợp danh sách các trường hợp không có hộ chiếu để phục vụ công tác xác minh. Đối với các trường hợp còn hộ chiếu hợp lệ thì xây dựng kế hoạch đón công dân Việt Nam về nước trong giai đoạn tháng 5, tháng 6.2021.

Tiếp đó, Cục Lãnh sự gửi điện mật do Cục trưởng Nguyễn Thị Hương Lan ký, có nội dung hướng dẫn liên quan đến việc cấp hộ chiếu phổ thông theo thủ tục rút gọn cho nhóm ngư dân. Theo VKS, điện mật đã hướng dẫn rất cụ thể về cấp hộ chiếu rút gọn đối với từng trường hợp.

Ngoài ra, ngay chính điện mật do bị cáo Trần Việt Thái ký khi gửi văn bản giải trình với Cơ quan ANĐT cũng thể hiện nội dung: “Cục Lãnh sự gửi điện mật về hướng dẫn cấp hộ chiếu phổ thông theo thủ tục rút gọn…”.

Do vậy, VKS nhấn mạnh quan điểm trên của bị cáo Thái là không đúng. Theo VKS, bị cáo Trần Việt Thái biết rõ văn bản hướng dẫn cấp hộ chiếu phổ thông theo hình thức rút gọn nhưng vẫn chỉ đạo cán bộ ở Đại sứ quán thu tiền cấp hộ chiếu của người mãn hạn tù là 200 USD/hộ chiếu là trái quy định, biết sai mà vẫn chỉ đạo làm, hành vi này được thực hiện với lỗi cố ý.

vks-luan-toi.jpg
Đại diện VKS đối đáp tại phiên tòa - Ảnh: N.A

Ngay từ đầu đã chỉ đạo thu sai

Tại phiên tòa, bị cáo Thái cho rằng thời điểm đó người mãn hạn tù không có giấy tờ nên bị cáo không thể chỉ đạo trả lại tiền thu thừa trong việc cấp hộ chiếu nên đã chỉ đạo giữ lại ở quỹ của Đại sứ quán, mà không sử dụng số tiền này.

VKS cho rằng nội dung trình bày này không đúng bởi ngay từ thời điểm bắt đầu thu tiền cấp hộ chiếu rút gọn cho người mãn hạn tù, bị cáo đã chỉ đạo mức thu là 200 USD/hộ chiếu, nhưng lại ghi trong biên lai thu tiền là “hộ chiếu cấp mới”. Nếu là hộ chiếu cấp mới, theo quy định tại thời điểm đó chỉ là 70 USD. Như vậy, ngay từ đầu bị cáo đã chỉ đạo thu sai.

“Việc bị cáo cho rằng không thể trả lại số tiền thừa cho người mãn hạn tù là không đúng”, VKS nêu rõ. Theo đó, VKS phân tích rằng Đại sứ quán có trách nhiệm tổ chức chuyến bay, đưa người mãn hạn tù ra tận sân bay, liên hệ với các khu cách ly ở nước nhà.

“Tại sân bay, các bị cáo còn phát tiền cho người mãn hạn tù để họ về tự trả chi phí cách ly, tại sao lúc đó không trả lại tiền thừa cho họ mà giữ vào quỹ ở Đại sứ quán, trong khi bị cáo có điều kiện, có cơ hội để trả lại tiền thừa cho họ?”, VKS đặt câu hỏi.

Tại phần đối đáp, VKS cho biết từ tháng 7.2021 - 10.1.2022, cấp tổng 1.177 hộ chiếu theo thủ tục rút gọn. Theo thông thường, khi biết thu thừa 130 USD/hộ chiếu của người mãn hạn tù mà lại không có điều kiện trả lại như lời bị cáo Thái khai thì những tháng tiếp theo sẽ không thu nữa, chỉ thu đủ, thu đúng 70 USD để nộp ngân sách theo quy định. Nhưng bị cáo Thái vẫn chỉ đạo thu ở mức 200 USD/hộ chiếu trong các tháng tiếp theo.

Như vậy, một lần nữa VKS khẳng định hành vi chỉ đạo thu tiền cấp hộ chiếu là trái quy định, gây thiệt hại cho người mãn hạn tù và người thân của họ…

quang-canh-3-.jpg
Quang cảnh phiên tòa trong những ngày xét xử - Ảnh: N.A

Thu thừa mà không trả lại là đã gây thiệt hại

Đối với quan điểm cho rằng số tiền 5 tỉ đồng không chia nên không có thiệt hại, cần được trừ để giảm trách nhiệm hình sự cho các bị cáo, VKS xét thấy việc các bị cáo thu tiền thừa, thu chi để ngoài sổ sách, thu sai quy định thì ngay thời điểm các bị cáo thu thừa tiền của người mãn hạn tù và không trả lại cho họ là đã gây thiệt hại cho chính người mãn hạn tù và người thân của họ.

Về việc xác định số tiền các bị cáo gây thiệt hại, theo VKS đây là tổng số tiền các bị cáo thu sau khi trừ đi chi phí hợp lý; số tiền còn lại chính là số tiền các bị cáo gây thiệt hại cho người mãn hạn tù và người thân của họ. Việc các bị cáo đem số tiền chưa chia về nộp lại cho cơ quan chức năng chỉ là khắc phục hậu quả.

“Số tiền hơn 10,4 tỉ đồng mà các bị cáo gây thiệt hại lẽ ra phải được trả lại cho những người mãn hạn tù về trên 8 chuyến bay giải cứu. Tuy nhiên, quá trình điều tra, cơ quan điều tra đã tiến hành xác minh, triệu tập nhưng đa số không liên lạc được, một số được triệu tập đến cơ quan điều tra làm việc nhưng họ không lên”, VKS nói.

VKS cũng cho biết chỉ có một người là chủ tàu đã nộp tiền cho ngư dân đến làm việc, nhưng người này không có yêu cầu nhận lại tiền thừa và đề nghị sung vào ngân sách nhà nước.

Bài liên quan
Vụ ‘chuyến bay giải cứu’: Nữ bị cáo xin chịu án thay cho cựu Phó giám đốc Công an Hà Nội
"Cuối cùng, bị cáo xin giảm án cho ông Nguyễn Anh Tuấn (cựu Phó giám đốc Công an Hà Nội) vì chính bị cáo đã đưa anh ấy vào vòng lao lý...", bị cáo Nguyễn Thị Thanh Hằng (cựu Phó tổng giám đốc Công ty Bluesky) nói lời sau cùng.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng yêu cầu đẩy mạnh quản lý nhà nước về thương mại điện tử
một phút trước Theo dòng thời sự
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký Công điện số 119/CĐ-TTg ngày 25.11.2024 yêu cầu một số bộ liên quan và các địa phương tiếp tục đẩy mạnh công tác quản lý nhà nước về thương mại điện tử.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Những người mãn hạn tù trở về trên các ‘chuyến bay giải cứu’ có được trả lại tiền?