Nhiều trẻ bị loét ở miệng do bệnh tay chân miệng, nhưng các bậc phụ huynh nhầm lẫn nghĩ con mình nóng trong người nên chỉ cho ăn, uống đồ mát mà không đưa đi thăm khám.
Theo Bộ Y tế, từ đầu năm 2023 đến nay, cả nước có 8.995 trường hợp mắc tay chân miệng, trong đó 3 bệnh nhân tử vong. Bệnh tay chân miệng tại TP.HCM và các tỉnh, thành trong cả nước đang gia tăng trong những tuần gần đây, đặc biệt là sự xuất hiện kiểu gien B5 của Enterovirus 71 - tác nhân gây bệnh tay chân miệng nặng ở trẻ em.
Các chuyên gia cho rằng bệnh tay chân miệng không phải là bệnh nguy hiểm, nhưng vẫn có một tỷ lệ biến chứng gây tử vong, nhất là những bệnh nhân mắc tay chân miệng do Enterovirus 71 gây ra sẽ rất nguy hiểm, khiến tình trạng bệnh tăng nặng, nguy cơ tử vong cao.
Theo BS.CK2 Dư Tấn Quy - Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM), sai lầm lớn nhất của các bậc phụ huynh hiện nay là nhiều trẻ có dấu hiệu của bệnh tay chân miệng thì lại nghĩ do mọc răng; hoặc không phát hiện ra dấu hiệu bệnh lại là trường hợp trẻ mắc tay chân miệng do Enterovirus 71 gây ra.
“Khi trẻ có biểu hiện sốt, miệng có những vết loét hoặc nổi bóng nước ở lòng bàn tay, lòng bàn chân hay ở gối, mông… Tuy nhiên, có trường hợp nổi hồng ban, bóng nước lộ ra phụ huynh nhìn thấy; có trường hợp nổi rất kín đáo khó phát hiện như: nổi ở rìa ngón tay, ngón chân với hồng ban rất ít. Đây mới là trường hợp đáng sợ hơn so với nổi hồng ban, bóng nước nhiều vì trẻ có nguy cơ mắc tay chân miệng do Enterovirus 71 gây ra”, bác sĩ Quy nói.
Theo bác sĩ Quy, các nghiên cứu cho thấy những trường hợp nổi bóng nước ở vị trí kín đáo và ít thường mắc tay chân miệng do Enterovirus 71 gây ra. Đây là vi rút gây biến chứng nặng cho bệnh nhân mắc tay chân miệng, rất nguy hiểm với trẻ.
Ngoài ra, có những trường hợp rất ít phụ huynh để ý, nhất là ở những trẻ đang tuổi mọc răng. Theo đó, khi trẻ có dấu hiệu sốt, chảy nước miếng, nhiều phụ huynh cứ nghĩ do con mọc răng mà không để ý trong miệng của trẻ có bị loét gì hay không. Phần lớn các phụ huynh không đưa con đi khám mà chỉ cho uống thuốc hạ sốt vài ngày. Đến khi trẻ sốt cao, giật mình liên tục thì họ mới đưa đến bệnh viện khám và phát hiện bệnh tay chân miệng thì đã trễ.
“Trẻ có vết loét trong miệng do bị bệnh tay chân miệng nên bị nhễu nhão nước miếng ra ngoài, chứ không phải do mọc răng. Đây là một sai lầm rất nguy hiểm”, bác sĩ Quy chia sẻ.
Theo bác sĩ Quy, các bậc phụ huynh không có khả năng phân biệt được loét trong miệng là do nhiệt miệng hay do bệnh tay chân miệng. Biện pháp duy nhất là phụ huynh nên đưa trẻ đi khám để chẩn đoán đâu là vết loét do nhiệt miệng, đâu là vết loét do bệnh tay chân miệng hay bệnh nào khác.
Ngoài ra, một số phụ huynh còn cho rằng những vết loét hay những hồng ban nổi ở các vị trí “tế nhị” là do trẻ phải mặc tã nhiều. Họ thường chỉ thoa thuốc rồi để tã thông thoáng. “Với những vết hăm do tã sẽ tái đi tái lại, còn dị ứng thường có những vết trầy xước do trẻ thấy ngứa nên gãi. Trong khi đó, hồng ban, bóng nước do bệnh tay chân miệng thì chỉ nổi tập trung một chỗ đó”, bác sĩ Quy lưu ý.
Trong lúc bệnh tay chân miệng đang gia tăng, bác sĩ Quy khuyến cáo các bậc phụ huynh cần cách ly trẻ lành với trẻ bệnh, thường xuyên rửa tay cho trẻ và người chăm sóc trẻ. Việc rửa tay sạch để phòng ngừa bệnh tay chân miệng lây qua thức ăn, đồ chơi, hay qua bàn tay của người chăm sóc.