Thủ tướng Nhật Shinzo Abe đang tạo áp lực buộc Trung Quốc tuân theo phán quyết của PCA. Đâu là nền tảng cho sự tự tin của ông Abe?
Những ngày này, khi mà phán quyết của tòa trọng tài quốc tế ở Hague về việc bác bỏ đòi hỏi về quyền lịch sử của Trung Quốc trên biển Đông đang chiếm lĩnh mọi quan tâm cũng như mọi sự chú ý ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, thì có vẻ như tất cả đã lãng quên một sự kiện quan trọng không kém: cuộc bầu cử thượng viện Nhật Bản ngày 10.7. Không có ý nghĩa tạo ra cơ chế pháp lý để giải quyết tranh chấp lãnh hải tại một vùng biển quốc tế quan trọng như biển Đông, nhưng với nước Nhật nói riêng và sức tác động tới tình hình khu vực nói chung, thì cuộc bầu cử thượng viện Nhật Bản lại có ý nghĩa bước ngoặt lịch sử. Những sợi xích đang ràng buộc nước Nhật cả về chính trị lẫn kinh tế trong hàng chục năm qua đang trở nên dễ dàng bị tháo bỏ hơn bao giờ hết, để chứng kiến một sự trỗi dậy thực sự của Nhật Bản.
Cuộc bầu cử thượng viện Nhật Bản ngày 10.7 vừa qua có gì khác biệt so với các cuộc bầu cử khác ở nước Nhật để có thể gọi là bước ngoặt lịch sử? Về cơ bản, kết quả cuộc bầu cử này đang lần đầu tiên cho phép chính phủ Nhật Bản làm được những điều mà trước đó không một chính phủ Nhật Bản nào làm được kể từ sau thế chiến thứ hai. Với kết quả liên minh cầm quyền của đảng LDP của thủ tướng Shinzo Abe giành tới 2/3 số ghế ở thượng viện trong cuộc bỏ phiếu hôm 10.7, cộng với việc đảng này cũng đang nắm giữ 2/3 số ghế ở hạ viện Nhật, thì cũng đồng nghĩa với việc ông Shinzo Abe chính thức trở thành vị thủ tướng quyền lực nhất trong lịch sử Nhật Bản kể từ sau năm 1945, thậm chí còn lớn hơn vị thủ tướng vẫn được xem là có quyền lực lớn nhất của Nhật Bản đồng thời cũng là người ông của ông Abe – Nobusuke Kishi, người đã giữ cương vị thủ tướng Nhật trong những năm 1950.
Việc ông Shinzo Abe chính thức trở thành vị thủ tướng quyền lực nhất Nhật Bản kể từ sau 1945 cùng với việc đảng LDP của ông lần đầu tiên nắm giữ vị thế cao đến thế trong chính trường nước Nhật, đang mở ra những cơ hội để Nhật Bản có thể thực hiện được những việc không tưởng. Việc nắm giữ 2/3 số ghế ở cả thượng viện lẫn nghị viện đang cho phép liên minh cầm quyền của ông Abe có thể ban hành bất cứ chính sách nào và gần như sẽ đều được thông qua mà không gặp phải sự cản trở hay phản đối đáng kể nào. Điều này đồng nghĩa với việc mở ra những cơ hội rất lớn để ông Shinzo Abe có thể đưa ra những chính sách quyết định trong các lĩnh vực quan trọng nhất, điển hình là về kinh tế, khi mà các chính sách cải cách kinh tế Abenomics đang có dấu hiệu chững lại sau ba năm được thực hiện do những biến động bất lợi về tỷ giá đồng yen do Brexit gây ra.
“Đây sẽ là khoảng thời gian quyết định sự thành công hay thất bại của Abenomics”, đó là nhận định của Frederic Neumann, đồng trưởng nhóm nghiên cứu kinh tế châu Á tại HSBC Holdings Plc ở Hồng Kông, và rằng “Với chiến thắng áp đảo trong cuộc bầu cử vừa qua, là một cơ hội không thể tốt hơn để chính phủ Nhật Bản tái khởi động Abenomics với quy mô lớn chưa từng có”. Đúng là kết quả cuộc bầu cử thượng viện đang trao một cơ hội bằng vàng để ông Shinzo Abe có thể làm mọi thứ cần thiết để đưa chương trình cải cách kinh tế Abenomics của mình đến thành công.
Với việc trở thành vị thủ tướng quyền lực nhất Nhật Bản kể từ sau 1945, ông Abe được kỳ vọng sẽ thực hiện mục tiêu còn lại trong số 3 mục tiêu cơ bản của Abenomics là can thiệp tỷ giá, nới lỏng tiền tệ và tái cấu trúc nền kinh tế. Hai mục tiêu đầu tiên là can thiệp tỷ giá và nới lỏng tiền tệ đã được thực hiện suốt 3 năm qua với những thành công nhất định, nhưng để hoàn tất cuộc cải cách và đem lại sự tăng trưởng ổn định về lâu dài thì chính phủ Nhật sẽ buộc phải thực hiện mục tiêu thứ ba là tái cấu trúc nền kinh tế.
Bên cạnh đó, quy mô cũng những cuộc can thiệp tỷ giá và nới lỏng tiền tệ của chính phủ Nhật Bản để kích thích tăng trưởng kinh tế trong ngắn hạn cũng được dự đoán sẽ có quy mô lớn hơn rất nhiều sau chiến thắng áp đảo trong cuộc bầu cử thượng viện vừa qua. Tính đến tháng 6.2016 thì tổng cộng trong vòng 3 năm qua ngân hàng trung ương Nhật Bản đã bơm khoảng 85.000 tỷ yen vào nền kinh tế để thực hiện kích thích kinh tế theo chương trình Abenomics, và gói kích thích kinh tế sắp được chính phủ Nhật tung ra sắp tới được dự đoán sẽ lên tới 10.000 tỷ yen – mức lớn nhất về quy mô trong số các lần bơm tiền trước đó. Lẽ dĩ nhiên là ông Shinzo Abe không muốn Abenomics thất bại khi đó là chương trình kích thích kinh tế của chính vị thủ tướng này, nhất là khi đã không còn những giới hạn ràng buộc về quy mô các chính sách cải cách nền kinh tế đối với ông Abe sau cuộc bầu cử thượng viện.
Nhưng, quan trọng hơn là ông Abe cùng các cộng sự đang đứng trước một cơ hội lịch sử mà kết quả cuộc bầu cử thượng viện hôm 10.7 đem lại, đó là cơ hội điều chỉnh lại Hiến pháp Nhật Bản để tái thiết lập và vũ trang quân đội nước này. Chưa có một chính đảng nào của Nhật Bản lại hội đủ điều kiện cần thiết để điều chỉnh lại Hiến pháp kể từ sau năm 1945 như liên minh cầm quyền của đảng LDP của thủ tướng Shinzo Abe hiện tại có được, và chắc chắn là ông Abe cùng các cộng sự sẽ không bỏ qua cơ hội này khi chính họ là những người đã lên tiếng mạnh mẽ nhất trong suốt 3 năm qua về sự cần thiết phải điều chỉnh lại Hiến pháp Nhật Bản.