Theo báo cáo của Ủy ban Tài chính – Ngân sách Quốc hội, dù Chính phủ đã nỗ lực để giảm chi thường xuyên… nhưng về cơ bản, những tồn tại trong chi thường xuyên đã được Quốc hội đề cập trong những năm gần đây vẫn chưa được khắc phục triệt để.

Những tồn tại trong chi thường xuyên chưa được khắc phục triệt để

21/10/2019, 19:43

Theo báo cáo của Ủy ban Tài chính – Ngân sách Quốc hội, dù Chính phủ đã nỗ lực để giảm chi thường xuyên… nhưng về cơ bản, những tồn tại trong chi thường xuyên đã được Quốc hội đề cập trong những năm gần đây vẫn chưa được khắc phục triệt để.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Nguyễn Đức Hải trình bày báo cáo - Ảnh: VPQH

Chiều ngày 21.10, Quốc hội nghe trình bày báo cáo thẩm tra về tình hình thực hiện ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2019, dự toán NSNN và phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2020.

Thu nội địa còn thấp

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải nêu rõ, về tình hình thu, báo cáo của Chính phủ cho thấy, tổng thu NSNN cả năm ước vượt 46 nghìn tỉ đồng (tăng 3,3% so với dự toán); tỷ lệ huy động vào NSNN đạt 23,7%GDP. Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho rằng, đây là một kết quả đáng ghi nhận, là năm thứ tư liên tiếp thu NSNN vượt dự toán, trong đó thu NSTW cũng là năm thứ hai vượt dự toán.

Tuy nhiên, ông Hải cũng chỉ rõ, mặc dù ước thu NSNN năm 2019 là năm thứ tư vượt dự toán, nhưng còn chưa chắc chắn. Thu nội địa chỉ tăng 1,9% so với dự toán. Số thu NSNN thực chất từ nội lực nền kinh tế tăng còn thấp. Năm 2019 nhiều địa phương ước thu thấp không đạt dự toán Chính phủ giao và HĐND giao.

“Một số địa phương là trọng điểm thu NSNN lại có tiến độ thu chậm, như: TP. Hà Nội, TP.HCM… Đề nghị Chính phủ lưu ý có biện pháp quyết liệt để thực hiện các vấn đề này trong công tác hành thu NSNN từ nay đến cuối năm”, ông Hải nói.

Báo cáo cũng nêu rõ, tỷ lệ huy động từ thuế, phí vào NSNN chỉ đạt 20,2% GDP, chưa đạt yêu cầu do Quốc hội đề ra là 21%GDP. Thu từ 3 khu vực doanh nghiệp đều không đạt dự toán.

Điều này cho thấy tình hình sản xuất, kinh doanh vẫn còn nhiều khó khăn. Ủy ban Tài chính – Ngân sách đề nghị Chính phủ cần tiếp tục có những giải pháp mới để thúc đẩy sản xuất, kinh doanh trong nước, góp phần bảo đảm thu NSNN ngày càng vững chắc hơn từ các khu vực kinh tế.

Ủy ban Tài chính – Ngân sách cũng đề nghị, từ nay đến cuối năm, Chính phủ cần lưu ý về dự báo giá dầu thế giới trong 3 tháng cuối năm. Cần có biện pháp kiểm soát chặt chẽ hoạt động xuất nhập khẩu để tăng thu và đẩy mạnh việc truy thu trong lĩnh vực này.

Đồng thời, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra thuế sau hoàn thuế, sau thông quan, xác định số hoàn thuế giá trị gia tăng cho phù hợp; quyết liệt hơn trong việc đôn đốc thu hồi nợ đọng thuế xuất nhập khẩu nhằm phấn đấu vượt thu cao hơn so với số dự ước.

Giải ngân vốn đầu tư rất chậm

Theo Báo cáo của Chính phủ, ước thực hiện chi NSNN cả năm tăng 2,1% so với dự toán (thấp hơn năm 2018 là 2,6%). Ủy ban Tài chính – Ngân sách cho rằng, trong năm 2019, Chính phủ và các địa phương đã tích cực cơ cấu lại chi ngân sách, giảm dần chi thường xuyên, tăng chi đầu tư phát triển, kiểm soát chặt chẽ bội chi, giảm nợ công và quyết liệt điều hành chi NSNN theo hướng tiết kiệm, chú trọng hiệu quả.

Tuy nhiên, dù Chính phủ đã nỗ lực để giảm chi thường xuyên… nhưng về cơ bản, những tồn tại trong chi thường xuyên đã được Quốc hội đề cập trong những năm gần đây vẫn chưa được khắc phục triệt để.

Ủy ban Tài chính – Ngân sách cũng thấy nổi lên một số vấn đề như tình trạng chậm giao vốn, giao nhiều đợt và chậm điều chỉnh vốn đầu tư phát triển, trong đó có vốn ODA vẫn chưa được khắc phục.

“Vốn đầu tư phát triển tiếp tục giải ngân rất chậm. Tỷ lệ giải ngân đến nay mới chỉ đạt 49,1% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Tình trạng chuyển nguồn vẫn còn lớn, đặc biệt là có vướng mắc về phạm vi chuyển nguồn đối với một số khoản chi sự nghiệp kinh tế có tính chất chi đầu tư theo Luật NSNN, về nguồn vốn bổ sung có mục tiêu từ ngân sách trung ương…”, ông Hải nói.

Về bội chi và cân đối NSNN năm 2019, ông Hải đánh giá cao kết quả điều hành NSNN theo hướng siết chặt bội chi, mức bội chi không cao hơn so với dự toán. Mức bội chi giảm (12.500 tỉ đồng) là do giảm phần bội chi của ngân sách địa phương. Theo báo cáo của Chính phủ, bội chi NSNN năm 2019 bằng 3,4%GDP ước thực hiện (thấp hơn dự toán: 3,6%GDP); đồng thời, về tổng thể đã giảm bội chi ngân sách địa phương.

Theo báo cáo của Chính phủ, so với GDP ước thực hiện thì các chỉ tiêu về nợ công (56,1%GDP), nợ chính phủ (49,2%GDP) và nợ nước ngoài của quốc gia (45,8%GDP) đều giảm so với dự toán. Điều này cho thấy, cân đối NSNN đang có những tín hiệu tích cực, ổn định hơn, các chỉ tiêu nợ công vẫn trong giới hạn an toàn.

Ngoài ra, báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính – Ngân sách cũng cơ bản thống nhất với báo cáo của Chính phủ về dự báo tình hình kinh tế - xã hội năm 2020, cơ bản đồng ý với đề xuất của Chính phủ tổng dự toán thu NSNN; cũng như đồng ý với nguyên tắc, định hướng bố trí dự toán chi NSNN năm 2020 và dự kiến tổng chi cân đối NSNN tăng 113,8 nghìn tỉ đồng (7%) so với dự toán năm 2019.

Lam Thanh

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư Tô Lâm tiếp đoàn kiều bào tiêu biểu tham dự chương trình 'Xuân quê hương 2025'
2 giờ trước Sự kiện
Chiều 19.1, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Tô Lâm đã tiếp đoàn 100 kiều bào tiêu biểu tham dự chương trình "Xuân quê hương 2025" do Ủy ban Nhà nước về Người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao tổ chức.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Những tồn tại trong chi thường xuyên chưa được khắc phục triệt để