Đứa trẻ thơ vừa chào đời chưa gặp mẹ, còn người mẹ toàn thân trói buộc với bao máy móc, dịch truyền, thuốc đặc trị cao cấp nhất trong lĩnh vực hồi sức cấp cứu. Nghĩ đến cảnh ấy, cả ê-kíp trẻ dù chưa trải qua kinh nghiệm chăm sóc các ca nhiễm Covid-19 vẫn nỗ lực từng phút, từng giờ.
Bệnh nhân là chị N.T.Y.P. (32 tuổi, ngụ huyện Phong Điền, TP.Cần Thơ) nhiễm COVID-19 khi mang thai tuần thứ 38. Sau khi sinh mổ tại Bệnh viện Phụ sản Cần Thơ, bệnh nhân có dấu hiệu suy hô hấp, tụt huyết áp, kết quả X-Quang cho thấy phổi có tổn thương ngoại biên. Do đó sản phụ và bé được tách riêng để điều trị.
Sau khi tiếp nhận sản phụ, các ê-kíp gồm Khoa ICU và Truyền nhiễm nhận lệnh bằng mọi giá phải cứu chữa. Sản phụ chưa một lần được nhìn mặt con, chịu đựng cơn đau về thể xác lẫn tinh thần, giờ đây phải đối mặt tử thần bởi tình trạng khó thở ngày càng tăng dần. Sau 1 ngày điều trị tích cực, bệnh nhân vẫn chưa có dấu hiệu tốt lên, thậm chí chức năng phổi còn suy giảm nhiều, khi chụp XQ phổi tổn thương lan tỏa hai bên. Đến khoảng 18h ngày 12.7, bệnh nhân tiến triển nặng, tình trạng khó thở tăng dần, nói ngắt quãng.
Thách thức này đòi hỏi yêu cầu chuyên môn rất cao, sự chỉ đạo kịp thời từ Ban Giám đốc và phối hợp chặt chẽ của nhiều chuyên khoa. “Ban Giám đốc đã tiến hành hội chẩn xin cố vấn chuyên môn từ Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM), Bệnh viện đa khoa Trung ương Cần Thơ và nhiều chuyên khoa như Hồi sức tích cực, Truyền nhiễm và huy động lực lượng sẵn sàng hồi sức cấp cứu”, BS.CKII Trần Quốc Luận, Giám đốc Bệnh viện đa khoa TP.Cần Thơ chia sẻ.
Và Ban Giám đốc Bệnh viện đã thống nhất đưa ra quyết định hết sức cam go: hồi sức tích cực, lọc máu liên tục hấp phụ, kháng viêm và kháng sinh mạnh song song với điều trị viêm phổi nặng. Các y bác sĩ và điều dưỡng đã cùng nhau chăm sóc vết mổ, theo dõi sản dịch, chế độ dinh dưỡng và tập vật lý trị liệu cho bệnh nhân ngay tại giường.
Bệnh nhân mới sanh mổ, nằm sấp, trên người chằng chịt các thiết bị theo dõi, dịch truyền làm cho việc chăm sóc bệnh nhân cực kỳ khó khăn. Nhưng thành quả của cả ê-kíp đó chính là bệnh nhân đã hồi phục ngoạn mục từng ngày: oxy trong máu cải thiện nhanh chóng, tổn thương phổi được cải thiện. Bệnh nhân được rút ống nội khí quản, thở oxy lưu lượng cao và đang từng bước hồi phục từng chỉ số.
Sau 8 ngày điều trị - ngày 21.7, sản phụ đã có thể gọi điện và nhìn thấy mặt con mình lần đầu tiên. Và ngày 25.7, sức khỏe của sản phụ đã dần ổn định, đang được tiếp tục theo dõi tại bệnh viện.