Trong thời điểm dịch bệnh như hiện nay, người mắc các bệnh lý về tim mạch nói chung và tăng huyết áp nói riêng là một trong những đối tượng có nguy cơ diễn tiến nặng, nếu nhiễm COVID-19.

Người cao huyết áp mắc COVID-19 có nguy cơ tử vong cao gấp 5 lần

Hồ Quang | 24/07/2021, 14:37

Trong thời điểm dịch bệnh như hiện nay, người mắc các bệnh lý về tim mạch nói chung và tăng huyết áp nói riêng là một trong những đối tượng có nguy cơ diễn tiến nặng, nếu nhiễm COVID-19.

Hiện nay dịch bệnh COVID-19 đang hoành hành ở trong nước ta, nhất là TP.HCM số người nhiễm và trở nặng ngày càng nhiều, nhất là những người mắc các bệnh nền.

Trong số những người dân mắc các bệnh nền hiện nay thì bệnh cao huyết áp đang chiếm một số lượng lớn. Thống kê cho thấy hiện có hơn 40% người trưởng thành ở Việt Nam bị cao huyết áp. Do vậy dịch bệnh COVID-19 đang thực sự là một mối lo ngại đối với một lượng lớn bệnh nhân cao huyết áp này.

nguoi-cao-huyet-ap-mac-covid-19-co-nguy-co-tu-vong-cao-gap-5-lan-hinh-anh(1).png
Bệnh nhân kiểm tra huyết áp tại một cơ sở y tế - Ảnh: PV

ThS-BS Nguyễn Đình Sơn Ngọc (Khoa Nội tim mạch, Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM) cho biết một nghiên cứu trên người nhiễm COVID-19 cho thấy tỷ lệ tử vong ở người có bệnh nền tim mạch cao gấp 5 lần so với người bình thường.

Do vậy, ngoài việc tuân thủ các nguyên tắc phòng chống dịch của Bộ Y tế, người bệnh cao huyết áp cần kiểm tra lại ngay cơ số thuốc mà mình hiện có. Nếu còn ít thì cần điện thoại cho bác sĩ điều trị, hoặc phòng khám chuyên khoa mà mình đang được theo dõi để bổ sung kịp thời, uống thuốc đầy đủ theo chỉ định.

Cần kiểm tra và chắc chắn rằng đã có các trang thiết bị y tế cơ bản như nhiệt kế, máy đo huyết áp… Trong trường hợp có chỉ định tái khám, phải đeo khẩu trang và thực hiện đúng quy định, hướng dẫn của cơ sở y tế.

“Nếu có các triệu chứng khó thở, nặng ngực, mệt mỏi ngày càng tăng dần hoặc huyết áp, tần số tim không ổn định, người bệnh cần thông báo cho bác sĩ điều trị để nhận được hướng dẫn xử trí phù hợp. Nếu bị các triệu chứng nặng như khó thở, đau ngực nhiều, tím tái, lú lẫn… thì cần gọi ngay đơn vị cấp cứu để được chuyển đến bệnh viện gần nhất”, bác sĩ Ngọc nói.

Về chế độ sinh hoạt, bác sĩ Ngọc cho biết, trong thời gian thực hiện Chỉ thị 16 để phòng chống dịch COVID-19, người bệnh cao huyết áp cần duy trì lối sống lành mạnh, sinh hoạt điều độ. Nên vận động vừa sức, đảm bảo hạn chế tiếp xúc theo các quy định phòng chống dịch và có chế độ ăn uống khoa học, đủ dưỡng chất. Bên cạnh đó, người bệnh nên ngủ đủ giấc, không căng thẳng quá mức và không lạm dụng bia rượu, các chất kích thích.

PGS-TS-BS Lâm Vĩnh Niên - Trưởng khoa Dinh dưỡng tiết chế, Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM lưu ý để sống khỏe mạnh trong giai đoạn ở nhà thực hiện cách ly xã hội, người bệnh cần có chế độ ăn lành mạnh, cân bằng, đủ chất đạm, sử dụng chất bột đường tốt (tránh đường đơn giản), đủ chất xơ, sử dụng chất béo lành mạnh (hạn chế béo bão hòa có trong mỡ, chất béo có trong thức ăn nhanh, thực phẩm chế biến sẵn), ăn nhiều rau quả để cung cấp vi chất dinh dưỡng giúp hỗ trợ hệ miễn dịch.

Ngoài ra, cũng cần duy trì lối sống tích cực, kiểm soát căng thẳng. Mỗi ngày nên vận động ít nhất 30 phút, nên chọn hình thức tập luyện tại nhà. Một người nặng 70kg sẽ đốt cháy khoảng 100 calo cho mỗi dặm (tương đương 1,6km); do đó nếu đi bộ 8km với 10.000 bước chân có thể đốt cháy 500 calo. Đều này vừa giúp rèn luyện thể chất, kiểm soát cân nặng và kiểm soát stress.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Giá trị kinh tế số của Việt Nam vẫn khiêm tốn, tăng thấp hơn mục tiêu đặt ra
5 giờ trước Nhịp đập khoa học
Giá trị kinh tế số của Việt Nam vẫn còn ở mức khiêm tốn trong khu vực. Trung bình thời kỳ 2020-2023, giá trị gia tăng của kinh tế số chỉ chiếm khoảng 12,5% so với GDP, thấp hơn nhiều so với mục tiêu đặt ra.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Người cao huyết áp mắc COVID-19 có nguy cơ tử vong cao gấp 5 lần