Viện Khoa học kỹ thuật hình sự, Bộ Công an đã vào cuộc, khám nghiệm máy biến áp Bùi Thị Cúc 4 (phường Nguyễn Trãi, quận Hà Đông) để điều tra nguyên nhân máy biến áp phát nổ khiến 1 người tử vong và 4 người bị thương.
>>Nạn nhân vụ nổ trạm biến áp ở Hà Nội đã tử vong
>>Nổ bốt điện ở Hà Nội, ít nhất 5 người bị thương
Trao đổi với PV Báo điện tử Một Thế Giới, ông Lê Ánh Dương, Giám đốc Công ty Điện lực Hà Đông cho biết thông tin trên.
Cụ thể, theo ông Dương, ngày 18.11, đơn vị ông đã thực hiện tháo dỡ, cẩu máy biến áp tại trạm biến áp Bùi Thị Cúc 4 (đặt tại vỉa hè đường Nguyễn Thị Minh Khai, phường Nguyễn Trãi, quận Hà Đông) để phục vụ công tác điều tra, làm rõ nguyên nhân vụ nổ. Sau khi máy biến áp được tháo dỡ xuống, lực lượng của Viện Khoa học kỹ thuật hình sự, Bộ Công an đã tiến hành niêm phong, tiếp nhận đưa đi giám định, phục vụ công tác điều tra.
Ông Dương thừa nhậntrách nhiệm thuộc về Công ty Điện lực Hà Đông.
Trong diễn biến khác, sau gần một ngày được cấp cứu tại Viện Bỏng Quốc gia, ông Vũ Đình Thái (63 tuổi), một trong 5 nạn nhân của vụ nổ trạm biến ápđã tử vong. Theo bác sĩ, ông Thái bị bỏng 90% cơ thể, ảnh hưởng đến đường hô hấp. Ngoài ra, hai nạn nhân bị bỏng tới 80% cơ thể là bà Nguyễn Thị Hạnh (57 tuổi, chủ quán trà đá, vợ ông Thái), anh Đinh Ngọc Long (45 tuổi) đang được điều trị tích cực tại Viện Bỏng Quốc gia.
Hai nạn nhân bị nhẹ hơnlà anh Nguyễn Mạnh Cường (38 tuổi) và anh Nguyễn Đắc Sơn (34 tuổi) bị bỏng 12%.
Nói về sự việc nổ trạm biến áp, ông Dương cho hay, tai nạn xảy ra trong quá trình đóng điện vận hành không tải trước khi vận hành chính thức, máy biến áp bất ngờ tràn dầu, gây cháy.
Trách nhiệm thuộc về Điện lực Hà Đông
Ngay khi sự việc xảy ra, Điện lực Hà Đông đã cùng người dân và các cơ quan chức năng lập tức đưa các nạn nhân đi cấp cứu. Bước đầu, đơn vị này cũng nhận chi trả toàn bộ chi phí điều trị cho các nạn nhân. Với tang lễ của ông Vũ Đình Thái, Điện lực Hà Đông đã cử người tới lo toàn bộ chi phí hậu sự.
Ông Dương cũng cho rằng, việc người dân ngồi cạnh bốt điện là không đúng quy định, không đảm bảo an toàn, vì trạm điện luôn có ký hiệu cảnh báo nguy hiểm.
Liên quan tới vụ nổ trạm biến áp khiến 1 người tử vong, 4 người bị thương, trao đổi với PV, luật sư Nguyễn Anh Thơm, Đoàn luật sư TP.Hà Nội cho hay: Trách nhiệm trước tiên thuộc về Điện lực Hà Đông dù sự việc xảy ra do chủ quan hay khách quan. Luật sư Thơm viện dẫn Điều 623 Bộ luật dân sư 2005 quy định cụ thể việc bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra, “chủ sở hữu, người được chủ sở hữu giao chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt hại cả khi không có lỗi”.
Công ty Điện lực Hà Đông sẽ không phải đền bù nếu sự việc xảy ra trong các trường hợp thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi cố ý của người bị thiệt hại; thiệt hại xảy ra trong trường hợp bất khả kháng hoặc tình thế cấp thiết, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác thì chủ sở hữu mới không phải đền bù.
Về việc cần khởi tố vụ án hay không, luật sư Thơm cho rằng, trước tiên cần điều tra, làm rõ sự việc xảy ra là do lỗi ở khâu nào. Nếu kết quả khám nghiệm cho thấy có dấu hiệu vi phạm như lỗi do nhà sản xuất, lỗi trong quá trình vận hành, lắp đặt, lỗi do buông lỏng quản lý... thì khi đó mới có cơ sở để đưa ra quyết định khởi tố hay không khởi tố vụ án.
Một lãnh đạo Công an quận Hà Đông cho hay, hiện cơ quan này đang tích cực phối hợp với các đơn vị chức năng khám nghiệm, điều tra làm rõ sự việc. Vị lãnh đạo công an quận Hà Đông này cũng nhấn mạnh, sẽ xử lý theo quy định của pháp luật, nếu kết quả điều tra cho thấy có sai phạm.
Trước đó, như đã phản ánh, chiều 17.11, trạm biến áp Bùi Thị Cúc đặt trên vỉa hè, cạnh số 4 đường Nguyễn Thị Minh Khai, phường Nguyễn Trãi, quận Hà Đông (Hà Nội) bất ngờ phát nổ. Lửa bùng lên bén vào nhiều người đang ngồi ở quán trà đá bên cạnhkhiến5 người bị thương, trong đó có3 người bị bỏng nặng, nhiều bàn ghế nhựa cùng xe máy bị thiêu rụi. Đến sáng 18.11, một trong số 5 nạn nhân đã tử vong tại bệnh viện.
Nam Phong