Dù là những ‘rái cá’ mò mẫm khắp các đáy biển ở Hoàng Sa, Trường Sa nhưng với phương pháp và dụng cụ thô sơ, hằng năm số ngư dân làm nghề lặn biển ở Quảng Ngãi bị tử vong, thương tật là không hề nhỏ.

Người Pháp dạy cấp cứu lặn cho dân biển Quảng Ngãi

Lê Đình Dũng | 18/11/2016, 16:03

Dù là những ‘rái cá’ mò mẫm khắp các đáy biển ở Hoàng Sa, Trường Sa nhưng với phương pháp và dụng cụ thô sơ, hằng năm số ngư dân làm nghề lặn biển ở Quảng Ngãi bị tử vong, thương tật là không hề nhỏ.

Từ ngày 17-23.11.2016, Hội Pháp ngữ Tương trợ và phát triển khoa học đời sống (AFEPS, một tổ chức phi chính phủ có quốc tịch Pháp) thực hiện khóa đào tạo cấp cứu tai nạn biển và tai nạn lặn cho ngư dân các huyện Bình Sơn và Lý Sơn (tỉnh Quảng Ngãi).

Chương trình được giảng dạy bởi 3 bác sĩchuyên ngành y học dưới nước và áp suất cao đến từ nước Pháp cùng các trợ giảng là người Việt Nam.

Các bác sĩPháp sẽ đào tạo và tập huấn cho ngư dân cấp cứu các tai nạn thường gặp trên tàu biển như chấn thương, chảy máu, bỏng, ngạt khí, ngộ độc khí, dị vật đường thở; cấp cứu ngừng tim, hồi sinh tim phổi; kỹ thuật lặn an toàn và các loại tai nạn lặn; cấp cứu tai nạn lặn bằng thiết bị và phương pháp tái nén dưới nước; sử dụng bình oxy trên tàu…

Ngư dân xã Bình Châu thực hiện các bài giảng sơ cứu người bị tai nạn lặn

Sáng 17.11, tại xã Bình Châu (huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi), chương trình đào tạo được diễn ra với sự tham dự của 15 ngư dân là đại diện các tàu cá hành nghề lặn biển tham dự. Lớp học diễn ra từ sáng đến trưa với sự tham gia nhiệt tình và chăm chú của các học viên. Dưới sự hướng dẫn của các chuyên gia, ngư dân dần làm quen với các thao tác tưởng chừng đơn giản mà rất quan trọng khi sơ cứu các nạn nhân bị tai nạn lặn biển như hô hấp nhân tạo, kỹ thuật kéo người bị nạn lên thuyền, nguyên tắc xử trí tai nạn lặn tại chỗ bằng phương pháp tái nén dưới nước và thở oxy ở độ sâu 9m.

Ông Nguyễn Tấn Ngọt (trú thôn Châu Thuận Biển, xã Bình Châu) chia sẻ: “Tôi là chủ tàu cá chuyên hành nghề lặn biển ở các vùng Hoàng Sa, Trường Sa. 25 năm trong nghề, chúng tôi cũng có những phương pháp truyền thống để sơ cấp cứu người bị tai nạn khi lặn, nhưng trong lớp học này họ dạy chúng tôi những cách mới hơn và hiệu quả hơn. Tôi đã tham dự khóa này đã lần thứ 2 và thấy rất hữu ích, sau lần học thứ nhất, tôi đã từng áp dụng khi thực tế đi đánh bắt và thấy rất hiệu quả”.

Nhiều ngư dân đánh giá, so với các biện pháp sơ cứu từ kinh nghiệm đi biển, những biện pháp mà các chuyên gia đào tạo bài bản nhưng cũng rất đơn giản và dễ thực hiện

Theo báo cáo của ông Nguyễn Tấn Hùng, Phó giám đốc Sở Y tế Quảng Ngãi thì riêng huyện đảo Lý Sơn đã có tổng cộng hơn 426 phương tiện tàu thuyền hành nghề trên biển; trong đó có hơn 153 phương tiện với hơn 1.830 lao động hành nghề khai thác hải sản ở độ sâu từ 10-70m. Còn xã Bình Châu của huyện Bình Sơn có 306 tàu thuyền với 1.405 lao động hành nghề trên biển.

Quá trình khai thác trên biển, ngư dân Quảng Ngãi thường dùng máy nén khí áp lực đặt trên tàu cá, chạy máy nổ nén khí vào bình chứa chịu áp lực khá lớn. Không khí này không được sạch tuyệt đối, được nén dẫn theo hệ thống van đến các ống truyền dẫn khí đến thợ lặn; mỗi bình chứa được thiết kế từ 3-4 van, mỗi van cung cấp cho 1 thợ lặn.

Thợ lặn chỉ lặn trần không được trang bị quần áo đồng bộ chuyên dụng và chân nhái. Người lặn ngậm ống truyền không khí để lặn xuống độ sâu mà họ cần khai thác, khi lặn xuống mang theo từ 10-15kg chì hoặc sắt và không dừng lại ở tầng áp nào để điều hòa áp suất. Sau khi khai thác, thu hoạch hải sản xong thợ lặn tự bơi ngược lên từng tầng khoảng 10m, nghỉ ở mỗi tầng từ 5-7 phút cho đến khi tiếp cận mặt nước.

“Với phương pháp lặn như trên ở độ nước càng sâu, thời gian kéo dài và thực hiện nhiều đợt lặn trong ngày nên tỷlệ tai nạn do lặn là rất cao”, ông Hùng đánh giá.

Theo thống kê của Sở Y tế Quảng Ngãi, tai nạn lặn biển hằng năm chiếm tỷlệ khoảng 2% số tai nạn lao động trên biển. Số lượng người tử vong từ năm 2005 đến tháng 3.2014 theo thống kê của huyện Lý Sơn là 66 người. Còn rất nhiều thợ lặn bị tàn phế não, liệt do tổn thương tủy sống, điếc do thủng nhĩ, tiêu xương do nhồi máu tủy xương…

Ông Jean Ruffez, Điều phối viên dự án trợ giúp ngư dân lặn biển Việt Nam của AFEPS cho hay: “Các tai nạn lặn biển xảy ra đòi hỏi phải xử lý sớm và kịp thời nhưng ở Việt Nam ngư dân thường đánh bắt xa bờ, thông tin liên lạc chưa tốt nên khi bị tai nạn sẽ đưa vào bờ muộn. Do đó, Hội chúng tôi muốn đưa các biện pháp tốt trên thế giới để áp dụng cho ngư dân ở đây xử lý tại chỗ ngay trên tàu khi có người gặp nạn”.

Ông Jean Ruffez hướng dẫn ngư dân cách kéo người bị tai nạn lặn lên tàu

Theo ông Jean Ruffez phân tích, việc hành nghề lặn biển đánh bắt hải sản của ngư dân Việt Nam còn nhiều tồn tại như trang thiết bị lặn thô sơ; các tai nạn lặn thường nghiêm trọng, đe dọa đến tính mạng hoặc tàn phế; nguồn lợi thủy sản ngày càng cạn kiệt nên ngư dân ngày càng phải đi xa hơn, lặn sâu hơn nên ngày càng nhiều rủi ro. Đồng thời, các trung tâm y tế trên bờ còn thiếu các thiết bị chuyên dụng để chữa trị tai nạn lặn…

Được biết, chương trình đào tạo cấp cứu tai nạn biển và tai nạn lặn cho ngư dân được AFEPS thực hiện tại Việt Nam từ năm 2008 tới nay ở nhiều địa phương như Khánh Hòa, Quảng Ngãi, Côn Đảo. Dự kiến năm 2017, tổ chức này sẽ làm việc và triển khai đào tạo tại tỉnh Bình Thuận.

Nhận xét về chương trình này, Sở Ngoại vụ tỉnh Quảng Ngãi đánh giá: “Các nội dung của chương trình mang tính thiết thực, góp phần trang bị cho các ngư dân cách phòng tránh và xử trí các tai nạn lặn biển, xử lý tai nạn lặn ngay tại chỗ bằng phương pháp tái nén dưới nước và thở oxy ở độ sâu 9m”.

Lê Đình Dũng
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Sau sắp xếp bộ máy tổ chức, TP.HCM giảm 129 đầu mối
4 giờ trước Theo dòng thời sự
Ngày 22.11, Thành ủy TP.HCM tổ chức hội thảo “Tiếp tục xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo của các cấp ủy, quản lý của chính quyền; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng nhiệm vụ trong tình hình mới”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Người Pháp dạy cấp cứu lặn cho dân biển Quảng Ngãi