Theo TS. Trần Du Lịch, vấn đề xử lý nợ xấu hiện nay đang đứng trước rất nhiều khó khăn, vướng mắc, trong đó nguyên nhân khiến việc xử lý nợ chậm trễ là bởi đặc thù của Việt Nam là muốn được việc nhưng "không muốn mất tiền". Cho nên vị chuyên gia này cho rằng, chúng ta không thể tay không bắt giặc mãi được.

Nợ xấu: Không thể tay không bắt giặc!

Một Thế Giới | 10/09/2014, 11:21

Theo TS. Trần Du Lịch, vấn đề xử lý nợ xấu hiện nay đang đứng trước rất nhiều khó khăn, vướng mắc, trong đó nguyên nhân khiến việc xử lý nợ chậm trễ là bởi đặc thù của Việt Nam là muốn được việc nhưng "không muốn mất tiền". Cho nên vị chuyên gia này cho rằng, chúng ta không thể tay không bắt giặc mãi được.

Không kỳ vọng nhiều vào VAMC!
Tại buổi Tọa đàm Tái cấu trúc hệ thống ngân hàng và xử lý nợ xấu do Viện nghiên cứu lập pháp (Ủy ban Thường vụ Quốc hội) tổ chức chiều tối ngày 9.9, TS. Trần Du Lịch cho rằng, mặc dù tỷ lệ nợ xấu hiện nay là hơn 4,7% nhưng lại là vấn đề không hề đơn giản, bởi đó là điểm nghẽn của các tổ chức tín dụng và là nguy cơ gây bất ổn thanh khoản của hệ thống ngân hàng. Do đó, cần phải có các giải pháp đồng bộ để giải quyết dứt điểm nợ xấu trong thời gian sớm nhất, chứ không thể để dây dưa mãi được.
"Tôi và nhiều chuyên gia đã không kỳ vọng quá nhiều vào công ty mua bán nợ VAMC. Tôi cho rằng, tự thân các ngân hàng thương mại không thể giải quyết được vấn đề nợ xấu bằng nguồn tài chính của họ. Nếu họ tự giải quyết được thì đã không cần bàn đến nữa. Cho nên bắt buộc theo phải có một dòng vốn bên ngoài bơm vào để kích thích. Tuy nhiên, chúng ta vẫn đang "tay không bắt giặc". Đó là cái hạn chế. Hiển nhiên, trong bối cảnh của chúng ta hiện nay, Thống đốc NHNN đã rất dũng cảm nhận làm mà không cần nguồn tiền nào cả" - ông Lịch nói.
Theo ông Lịch, thời gian vừa qua, NHNN đã có rất nhiều nỗ lực giải quyết nợ xấu, và thực tế, với việc áp dụng nhiều biện pháp như cơ cấu lại nợ, tích cực thu nợ, xử lý tài sản đảm bảo, bán nợ... đã mang đến những hiệu quả tích cực. NHNN đã xử lý được khoảng 201.000 tỉ nợ xấu, trong khi VAMC cho đến hiện nay chỉ mới mua được 56.000 tỉ nợ xấu. 
"Hiện nay, có 5 vấn đề gây khó khăn cho tiến trình xử lý nợ xấu. Thứ nhất, nền kinh tế vẫn chưa thoát khỏi tình trạng trì trệ, làm suy giảm năng lực tài chính của các nhà đầu tư trong nước. Thị trường BĐS trầm lắng kéo dài, phục hồi chậm vì vậy việc huy động vốn, thu hút các nhà đầu tư trong nước tham gia tái cơ cấu và xử lý nợ xấu của ngân hàng gặp nhiều khó khăn.
Thứ hai, khuôn khổ pháp lý về dân sự, kinh tế, đầu tư, tài chính, ngân hàng còn nhiều bất cập, thiếu rõ ràng, minh bạch. Bây giờ ngân hàng thương mại muốn xử lý một tài sản thế chấp để đáo hạn lấy về một cách nhanh nhất phải mất 4 năm. Tất cả những ràng buộc về mặt dân sự không thể giải quyết nhanh được, nên ngân hàng cứ phải ôm BĐS và doanh nghiệp có BĐS đó phải kiếm việc khác làm ăn, mặc ngân hàng muốn làm gì thì làm" - ông Lịch cho biết.
Khó khăn thứ ba mà ông Lịch đưa ra là trong tiến trình tái cơ cấu, Việt Nam muốn giải quyết được vấn đề nợ xấu nhưng không muốn mất tiền, không muốn chịu phí tổn nào cả và "cái hay của Việt Nam là như thế". 
"Muốn được việc nhưng không muốn mất tiền. Tất cả các nước đều phải bơm tiền vào để xử lý nợ xấu, Mỹ cũng làm như vậy, nhưng chúng ta lại không muốn" - ông Lịch khẳng định.
Vướng mắc thứ tư là nghẽn nợ xấu bắt nguồn từ thị trường, do doanh nghiệp không làm ăn được, không bán hàng được. Doanh nghiệp A nợ doanh nghiệp B, doanh nghiệp B nợ ngân hàng... dây chuyền này đang lây lan, cho nên cần phải có giải pháp giải quyết đồng bộ thị trường chứ không chỉ riêng gì ngành ngân hàng.
"Thứ năm, liên quan đến VAMC là chức năng và năng lực tài chính của VAMC bị hạn chế dẫn đến xử lý nợ xấu có xu hướng chậm lại. Chúng ta không thể tay không bắt giặc được. Dùng nguồn nào để xử lý nợ xấu sau đó chúng ta lấy lại như các nước đã làm, nhưng chúng ta lại ngại làm chuyện này" - ông Lịch cho biết.
No xau: Khong the tay khong bat giac!
TS. Nguyễn Đức Kiên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội,
Đại biểu Quốc hội tỉnh Sóc Trăng phát biểu tại tọa đàm
Đồng quan điểm với ông Lịch, TS. Nguyễn Đức Kiên (Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội, Đại biểu Quốc hội tỉnh Sóc Trăng) cũng cho rằng, nợ xấu đang có nguy cơ gia tăng trở lại do môi trường kinh doanh chưa có sự cải thiện và giải pháp hỗ trợ xử lý nợ xấu chưa được triển khai quyết liệt. Nguyên nhân theo ông Kiên cũng là bởi thiếu nguồn lực tài chính công để có thể hỗ trợ cho việc xử lý nợ xấu.
"Việc xử lý nợ xấu phụ thuộc nhiều vào điều kiện kinh tế vĩ mô và thị trường. Cơ chế, chính sách để tạo điều kiện cho xử lý nợ xấu chậm được khắc phục, hoàn thiện. Bên cạnh đó, một bộ phận tổ chức tín dụng chưa chủ động tái cơ cấu và tích cực xử lý nợ xấu, bán nợ xấu cho VAMC" - ông Kiên cho biết.
Ngoài ra, theo ông Kiên còn do VAMC không có những cơ chế hỗ trợ đặc thù nên đã ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động của công ty này, đặc biệt là triển khai mua bán nợ theo cơ chế thị trường và xử lý các khoản nợ xấu đã mua.
Giải pháp là phải "bơm tiền" cho VAMC?
Trên cơ sở chỉ ra những vướng mắc trong tiến trình xử lý nợ xấu, các chuyên gia đã đề xuất nhiều giải pháp để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy thị trường mua bán nợ và tái cơ cấu các tổ chức tín dụng. Trong đó đặc biệt nhấn mạnh đến việc phải tăng cường năng lực tài chính cho VAMC mà cụ thể là tăng thêm vốn điều lệ.
Cụ thể, TS. Trần Du Lịch cho rằng, vấn đề nợ xấu không phải là vấn đề của riêng ngành ngân hàng mà còn là bài toán kinh tế vĩ mô, khơi thông thị trường, phục hồi tổng cầu và liên quan đến một khuôn khổ pháp lý cần được xử lý. 
"Tôi cho rằng, thứ nhất là cần phải hoàn thiện Luật nhà ở, khơi thông thị trường BĐS vì nợ xấu gắn liền với thị trường BĐS. Thứ hai, cần phải sửa đổi luật dân sự, hệ thống liên quan đến vấn đề phát mãi, bảo đảm tài sản... để khơi thông thủ tục hành chính. Thứ ba, hoàn thiện Luật doanh nghiệp, hoàn thiện luật kinh doanh BĐS. Tức là hệ thống pháp luật mà Quốc hội đang xem xét phải thông thoáng, thúc đẩy xử lý nợ xấu chứ không phải chỉ tăng năng lực cho công ty mua bán nợ.
Thứ tư, phải tăng năng lực tài chính cho VAMC. Vốn điều lệ 500 tỷ không thể giải quyết được. Nợ lên đấy mấy trăm ngàn tỷ mà chỉ có 500 tỉ thì không thể giải quyết nổi" - ông Lịch cho biết.
Bên cạnh đó, ông Lịch cũng cho rằng cần phải có sự phối hợp liên ngành, Trung ương, địa phương và phát triển thị trường mua bán nợ, hoàn thiện định chế tài chính, vấn đề sáp nhập, hợp nhất, mua lại, cổ phần hóa, xóa nợ, mua bán nợ... tức là thúc đẩy thị trường mua bán nợ phát triển. Thị trường mua bán nợ mà không phát triển được thì không thể mua bán được cái gì.
"Phải giải quyết dứt điểm từ nay đến năm 2015, còn đến năm 2016 mà vẫn còn tiếp tục bàn thì khó có thể giải quyết được bài toán tái cơ cấu" - ông Lịch nói.
TS. Nguyễn Đức Kiên cũng cho rằng, kinh nghiệm từ các nước trên thế giới đã cho thấy, để tiến hành tái cấu trúc hệ thống ngân hàng một cách hiệu quả thì hầu hết phải lập Quỹ tái cấu trúc ngân hàng. Tùy vào mô hình nền kinh tế của từng quốc gia nói riêng, chi phí cho tái cấu trúc hệ thống ngân hàng là khác nhau.
"Chúng ta phải tiếp tục đánh giá, phân loại và nhận diện nhóm các tổ chức tín dụng yếu kém, tiềm ẩn nhiều rủi ro để có các biện pháp cơ cấu lại phù hợp, kịp thời. Cần giám sát, thanh tra, kiểm tra chặt chẽ các tổ chức tín dụng đã được phê duyệt phương án cơ cấu lại đảm bảo thực hiện theo đúng lộ trình, mục tiêu và các giải pháp đã được phê duyệt. Tập trung củng cố, phát triển các hoạt động kinh doanh chính và loại bỏ các lĩnh vực kinh doanh rủi ro, kém hiệu quả" - ông Kiên cho biết.
Cùng với đó, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội cũng cho rằng, cần phải xây dựng thể chế hỗ trợ cơ cấu lại, xử lý nợ xấu và hoàn thiện các thiết chế an toàn hoạt động ngân hàng. Hơn hết, phải tiếp tục tập trung xử lý vấn đề sở hữu chéo, đầu tư chéo trong lĩnh vực ngân hàng.
Duyên Duyên
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Việt Nam - Qatar ký kết nhiều văn kiện hợp tác quan trọng
9 giờ trước Sự kiện
Hai Thủ tướng của Việt Nam và Qatar đã chứng kiến lễ ký kết các văn kiện hợp tác giữa hai nước.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nợ xấu: Không thể tay không bắt giặc!