“Bây giờ sản lượng khoai quá dư thừa, thương lái Trung Quốc “trở mặt” chỉ thu mua nhỏ giọt khiến giá giảm thê thảm. Nhiều hộ thua lỗ đậm nên chán nản không thèm bán khoai mà chỉ cắt dây, củ cho bò, dê ăn...”, ông Lê Văn Trung, Giám đốc HTX Rau an toàn Thành Lợi, ngao ngán.
Hầu hết nông dân trồng khoai lang tím xuất khẩu đều thua lỗ
Đầu tháng 8.2015, nông dân các xã Thành Lợi, Tân Thành, Thành Trung, Tân Hưng (huyện Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long) đang vào thời điểm thu hoạch rộ khoai lang xuất khẩu, thế nhưng trên các cánh đồng rất ít nông dân thu hoạch. Ông Võ Văn Hòa, ngụ xã Thành Lợi, chua chát: “Vụ này tui trồng 6 công khoai lang tím Nhật để xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Gia đình không đủ vốn nhưng cũng ráng đi vay để đầu tư gần 80 triệu đồng cho vụ khoai với hy vọng trúng mùa, trúng giá. Nào ngờ tới ngày thu hoạch, kêu thương lái tới xem, họ chỉ trả giá 180.000đ/tạ (khoai loại 1), 70.000 – 80.000đ/tạ (khoai lớn từ 5 tháng tuổi trở lên – loại 2). Thấy giá này nếu bán thì sẽ cầm chắc lỗ nên tui năn nỉ xin thêm, không ngờ thương lái bỏ đi luôn. Buồn bã tui neo lại càng lâu thì khoai càng lớn và bị sâu bệnh nên những thương lái tới sau họ chê ra mặt và bảo: “Có cho không cũng hổng lấy”. Tức giận tui chỉ đào lấy một ít khoai lớn, số còn lại bỏ hết ngoài đồng cho bà con mang về làm thức ăn gia súc. Tôi lỗ vốn...”.
Đồng cảnh ngộ, ông Nguyễn Văn Hồng, ngụ ấp Thành Ninh, xã Thành Lợi, cay đắng: “Hồi tháng 3.2015, tui đầu tư hơn 50 triệu đồng để trồng 4 công khoai lang xuất khẩu. Đến đầu tháng 7, khoai tới thời điểm thu hoạch, vậy mà kêu cả chục thương lái tới xem nhưng họ trả giá tệ hại rồi không mua. Tôi chờ thêm vài tuần nữa mà chẳng ai ngó ngàng tới, thương lái cứ bảo thị trường xuất khẩu sang Trung Quốc gặp khó khăn, không “ăn” hàng nên chưa thể mua khoai được. Tức giận, tui mang thuốc diệt cỏ ra xịt cho hư hết ruộng khoai, rồi thuê máy xới “chém” bỏ toàn bộ để chuyển sang trồng lúa. Mất trắng vốn đầu tư".
Ở xã Tân Hưng hàng loạt hộ một thời ăn nên làm ra nhờ khoai lang tím Nhật để xuất khẩu, thì nay chịu cảnh méo mặt vì loại khoai này. Chị Nguyễn Thị Linh canh tác 3 công khoai tại xã Tân Hưng, cho biết: “Chưa bao giờ khoai lang xuất khẩu rơi vào cảnh khốn khó như hiện nay. Vụ này khoai năng suất thấp, bị sâu bệnh nhiều, cộng với giá thấp tệ hại nên ai trồng khoai cũng lỗ từ 10 triệu đồng/công trở lên. Điển hình như 3 công khoai của tui khi tới thời điểm thu hoạch thương lái đã đồng ý mua và đưa tiền cọc là 1 triệu đồng/công. Đến khi dỡ khoai ra, thương lái thấy bị sâu bệnh nhiều nên họ bỏ luôn tiền cọc để chạy thoát thân. Thế là tui phải bán đổ bán tháo với giá rẻ mạt, tính ra lỗ thêm tiền thuê nhân công thu hoạch”.
Tốn công chăm sóc, tiền bạc nhưng khoai lang lại bị mất giá dẫn đến nhiều hộ dân mất trắng. Ảnh minh họa |
“Sập bẫy” thương lái Trung Quốc
Nếu như nông dân trồng khoai te tua thì giới thương lái và “cò” chuyên đi thu gom khoai lang để xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc cũng vỡ nợ hàng loạt. Ông Sơn Văn Luận, Chủ tịch HĐQT HTX Khoai lang Tân Thành (huyện Bình Tân) cho biết: “Thông thường để mua 1 công khoai lang xuất khẩu thì thương lái phải đặt cọc cho nông dân từ 1 triệu đồng trở lên (tùy khoai xấu tốt). Dù đã đặt tiền cọc và hẹn ngày thu hoạch, nhưng thực tế giá khoai xuống thấp, bên Trung Quốc giảm mua đã khiến nhiều thương lái “chết đứng” phải bỏ tiền cọc, bởi nếu thuê xe container đưa khoai qua đó sẽ lỗ nặng hơn”.
Theo ông Luận, chuyện mua bán khoai lang với thương lái Trung Quốc dù đã diễn ra nhiều năm nay nhưng phía thương lái địa phương luôn chịu lép vế. Cụ thể, hai bên chỉ giao dịch hợp đồng bằng miệng, thiếu giấy tờ, thiếu cơ sở pháp lý và đặc biệt là không rõ lai lịch của thương lái Trung Quốc ra sao. Trong khi thị trường Trung Quốc “ăn” khoai vô cùng thất thường, giá cả thay đổi mỗi ngày nên không biết đâu để theo dõi. Có khi hôm nay họ gọi điện đặt mua khoai 800.000đ/tạ, nhưng ngày mai giá đột ngột sụt chỉ còn 200.000đ/tạ, đẩy thương lái địa phương vào thế chết dở, khi đã lỡ mua vào.
Ông Võ Văn Theo, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Bình Tân nhìn nhận: “Do đầu ra của khoai lang xuất khẩu phụ thuộc gần như hoàn toàn vào thị trường Trung Quốc, trong khi thị trường này “mưa nắng” thất thường nên nông dân trồng khoai và cả thương lái địa phương cũng “bó tay” vì không thể nắm được thông tin nhu cầu tiêu thụ của họ ra sao. Thương lái Trung Quốc muốn mua giá nào, số lượng bao nhiêu, loại khoai gì, quy cách ra sao... là tùy họ, chứ chúng ta không can thiệp được”.
Sở dĩ có tình trạng này là do mấy năm trước, thương lái Trung Quốc sử dụng “chiêu trò” nâng giá khoai lang tăng liên tục từ 200.000 - 300.000đ/tạ nhảy vọt lên 800.000- 900.000đ/tạ, thậm chí 1 - 1,2 triệu đồng/tạ. Nông dân các tỉnh ĐBSCL thấy khoai lang xuất khẩu dễ ăn, lời đậm... nên ai cũng ùn ùn trồng khoai. Mặt khác, thương lái Trung Quốc cũng “khuyến dụ” thương lái và “cò” địa phương thu gom khoai nguyên liệu từ các hộ nông dân để giao cho họ. Thời gian đầu, thương lái Trung Quốc cho hoa hồng cao, hoặc thu mua lại với giá cao hơn giá thực tế nên thương lái địa phương “thắng lớn”. Thế là từ một vài hộ “cò” ban đầu, đã phát sinh lên khoảng 300 thương lái và “cò” trong huyện Bình Tân chuyên thu mua khoai lang xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.
Cứ ngỡ xuất hiện nhiều thương lái sẽ tạo cho thị trường tiêu thụ khoai lang sôi động, tuy nhiên thực tế không êm xuôi như vậy. Hàng loạt thương lái địa phương và “cò” bắt đầu cạnh tranh nội bộ, tìm cách “tố” nhau với thương lái Trung Quốc như: Thương lái này chỉ mua khoai của dân giá 400.000đ/tạ nhưng kê lên cao để bán cho thương lái Trung Quốc, thương lái họ mua 300.000đ/tạ mà vẫn giao cho Trung Quốc 700.000đ/tạ, rồi “tố” với phía Trung Quốc là “cò” địa phương trộn khoai bị sâu, khoai xấu... lẫn vào khoai tốt để thu lời. Thậm chí có thương lái còn chỉ cho phía Trung Quốc áp dụng cách kiểm tra bằng ngâm nước, cứ lấy củ khoai bỏ vào thau nước để ngâm, nếu củ nào nổi lên là khoai già, không ngon nên bị loại ra, Chính sự cạnh tranh, giành giật “mối” bán khoai không lành mạnh như trên đã vô tình giúp cho thương lái Trung Quốc khống chế đầu ra của khoai lang ĐBSCL.
Thương lái Trung Quốc thừa hiểu diện tích khoai lang ở ĐBSCL bây giờ quá lớn, sản lượng càng lúc dư thừa, trong khi đầu ra trông chờ vào họ, cộng với thương lái và “cò” địa phương dễ dụ, dễ sập bẫy nên thương lái Trung Quốc đâu dại gì mua khoai với giá cao nữa. Mình tự hại mình nên hiện nay cả thương lái địa phương và người trồng khoai đều khốn đốn.
Ông Sơn Văn Luận, Chủ tịch HĐQT HTX Khoai lang Tân Thành tâm sự: “Bản thân tôi đã mấy lần lặn lội sang Trung Quốc để tìm hiểu thị trường. Với mật độ dân số Trung Quốc đông đúc như vậy, chỉ cần mỗi người ăn 1 củ khoai thôi thì chúng ta không có đủ để bán. Tuy nhiên, vấn đề ở chỗ là thương lái Trung Quốc nắm được những điểm yếu của bên ta nên liên tục ép giá. Cụ thể, khi tới đợt thu hoạch rộ thì họ đồng loạt đưa ra các điều kiện khác nhau để không mua hoặc giảm mua, làm cho nông dân nháo nhào chấp nhận giảm giá và kêu bán hàng loạt. Thế là rơi vào bẫy của Trung Quốc ngay. Điều này ai cũng biết nhưng chưa tháo gỡ được bởi chúng ta thiếu sự liên kết giữa nông dân với thương lái và giữa thương lái với thương lái, đồng thời cũng phụ thuộc đầu ra quá nhiều vào Trung Quốc nên đành chịu”.
Theo Tuổi trẻ và đời sống