Báo cáo mới nhất của Cục Đầu tư nước ngoài cho biết, vốn FDI trong lĩnh vực nông nghiệp chiếm tỷ trọng rất nhỏ so với tổng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam: Năm 2012 chiếm 0,6%, năm 2013 chiếm 0,8%, năm 2014 chiếm 0,5% và đến năm 2015 mới chiếm 1%.

Nông nghiệp vẫn phải ‘đứng ngoài cuộc’ với các dòng vốn FDI

Trí Lâm | 01/11/2016, 05:03

Báo cáo mới nhất của Cục Đầu tư nước ngoài cho biết, vốn FDI trong lĩnh vực nông nghiệp chiếm tỷ trọng rất nhỏ so với tổng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam: Năm 2012 chiếm 0,6%, năm 2013 chiếm 0,8%, năm 2014 chiếm 0,5% và đến năm 2015 mới chiếm 1%.

Những năm gần đây, vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vào Việt Nam ngày càng tăng trong hầu hết các lĩnh vực như công nghiệp chế biến, chế tạo, bất động sản, xây dựng...Tuy nhiên, dù là lĩnh vực tiềm năng nhưng nông nghiệp vẫn luôn đứng ngoài cuộc với sự dửng dưng của các dòng vốn FDI nhiều năm nay.

Theo công bố mới nhất của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính đến tháng 9.2016, cả nước đã thu hút được 518 dự án FDI trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản với tổng vốn đạt 3,54 tỉ USD (chiếm 2,4% tổng số dự án và 1,2% tổng vốn đầu tư của tất cả các lĩnh vực). Quy mô vốn trung bình của dự án FDI trong ngành nông nghiệp là khoảng 6,7 triệu USD/dự án.

Cục Đầu tư nước ngoài cho biết, nông nghiệp là ngành có nhiều tiềm năng và lợi thế, nhưng dòng vốn FDI vào ngành nông nghiệp còn hạn chế so với nhu cầu của ngành. Thực tế, vốn FDI trong lĩnh vực nông nghiệp chiếm tỷ trọng rất nhỏ so với tổng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam: Năm 2012 chiếm 0,6%, năm 2013 chiếm 0,8%, năm 2014 chiếm 0,5% và đến năm 2015 mới chiếm 1%.

Cùng với đó, việc phân bổ vốn FDI trong nông nghiệp cũng không đồng đều, khi các dự án chủ yếu tập trung vào một số lĩnh vực như chế biến gỗ và lâm sản, chăn nuôi và chế biến thức ăn chăn nuôi. Vốn đầu tư cho các ngành chế biến nông sản, thủy sản còn ít.

Chưa hết, theo số liệu của Ban Kinh tế Trung ương, năng suất lao động ngành nông nghiệp chỉ bằng 39% năng suất lao động chung của nền kinh tế, thậm chí chậm hơn so với hầu hết các nước cùng trình độ phát triển trong khu vực. Tốc độ tăng trưởng năng suất lao động ngành nông nghiệp trung bình giai đoạn 2.000-2013 của Việt Nam chỉ đạt 3,4%, chưa bằng một nửa so với Hàn Quốc giai đoạn 1980-1995, Trung Quốc trong cùng giai đoạn (đạt 7,5%).

Cùng với đó, số doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp của Việt Nam hiện có xu hướng giảm. Tính đến năm 2015, số doanh nghiệp nông nghiệp còn 3.600 DN, trong đó doanh nghiệp vừa và nhỏ chiếm 96,53%. Số lượng các doanh nghiệp nông nghiệp chiếm tỷ lệ nhỏ và tốc độ phát triển rất chậm. Vốn đầu tư từ khu vực kinh tế ngoài nhà nước vào lĩnh vực nông nghiệp ở mức chỉ có 30.419 tỉ đồng năm 2014.

Điều này làm cho nông nghiệp Việt Nam phát triển thiếu bền vững, đối mặt với nhiều khó khăn như giá trị gia tăng thấp, an toàn thực phẩm không đảm bảo và khả năng sinh lời thấp.

Đây cũng là băn khoăn chung của nhiều chuyên gia kinh tế. Mới đây, tại diễn đàn “Phát triển doanh nghiệp nông nghiệp trong tiến trình tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới’’, chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành nhận định rằng, sản xuất nông nghiệp rất rủi ro bởi chu kỳ lên xuống rất cao, độ co giãn tiêu dùng nông sản là rất thấp. Nhiều đại gia còn nói làm nông nghiệp chỉ như làm từ thiện.

Ông Võ Trí Thành cũng nêu rõ một số vấn đề lớn của nông nghiệp hiện nay. Đó là quyền tài sản được quy định trong Luật Đất đai, vì hiện nay các doanh nghiệp tham gia nông nghiệp đều rất khát nguồn đất sản xuất. Ngoài ra, môi trường cạnh tranh, thị trường đầu vào khó khăn, sự méo mó của thị trường vốn, đất đai, lao động và chi phí giao dịch cao cũng là vấn đề không nhỏ đối với nông nghiệp.

“Muốn giải quyết được những khó khăn này, cần thay đổi cách thức hỗ trợ của Nhà nước. Chủ yếu là tạo môi trường chung, chỉ đầu tư vốn vào những lĩnh vực có tính lan tỏacao như kết cấu hạ tầng, công nghệ. Còn doanh nghiệp sẽ được hỗ trợ trực tiếp trên nguyên tắc chia sẻ rủi ro. Nếu rủi ro Nhà nước sẽ chịu một phần còn doanh nghiệp làm ăn có lãi phải trả lại khoản đầu tư Nhà nước đã hỗ trợ”,ông Thành nói.

Cục Đầu tư nước ngoài cho rằng, muốn thu hút vốn FDI, đòi hỏi ngành nông nghiệp phải có một chiến lược, định hướng dài hạn. Việc thu hút những doanh nghiệp nước ngoài hợp tác với doanh nghiệp trong nước trong lĩnh vực này sẽ giúp nền nông nghiệp Việt Nam tiếp cận công nghệ tiên tiến, công nghệ sạch trong phát triển chuỗi giá trị sản phẩm nhằm tạo ra các sản phẩm nông nghiệp có chất lượng và giá trị gia tăng cao; đồng thời sẽ giúp Việt Nam sử dụng và bảo vệ tốt tài nguyên thiên nhiên, tạo thêm nhiều việc làm và đưa cách thức quản lý tiên tiến ứng dụng vào ngành nông nghiệp.

Bên cạnh đó, nhiều chuyên gia còn cho rằng, nông nghiệp hay gặp rủi ro về thiên tai, thị trường và không có lợi nhuận nhanh như các ngành hàng khác. Hơn nữa, chính sách ưu đãi trong lĩnh vực nông nghiệp như hỗ trợ cơ sở hạ tầng, phát triển nguồn nhân lực mới chỉ áp dụng cho doanh nghiệp vừa và nhỏ trong nước, chưa áp dụng đối với doanh nghiệp FDI, dẫn đến nguồn vốn từ khối FDI không mấy mặn mà với nông nghiệp.

Hoàng Long
Bài liên quan
Kỳ vọng từ cơ chế thí điểm nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp, phi nông nghiệp làm nhà ở thương mại
Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VARS) cho rằng thí điểm cho nhà đầu tư thỏa thuận nhận quyền sử dụng với đất nông nghiệp, phi nông nghiệp làm nhà ở thương mại trong 5 năm là cơ chế đúng đắn. Điều này sẽ tháo gỡ khó khăn về pháp lý cho các dự án nhà ở thương mại đang bị “kẹt”.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư trao đổi chuyên đề 'Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam'
7 giờ trước Sự kiện
Chiều 25.11, tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Giáo sư, Tiến sĩ Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam trực tiếp trao đổi chuyên đề “Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nông nghiệp vẫn phải ‘đứng ngoài cuộc’ với các dòng vốn FDI