Quyết định số 46/2016/QĐ-TTg của Thủ tướng ngày 27.10 về định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên NSNN năm 2017 khuyến khích các bộ, cơ quan Trung ương tinh giản biên chế, tiết kiệm chi tiêu để tăng thu nhập cho cán bộ, công chức và tăng chi cho các nhiệm vụ trọng tâm của cơ quan, đơn vị. Quyết định số 46/2016/QĐ-TTg của Thủ tướng ngày 27.10 về định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên NSNN năm 2017 khuyến khích các bộ, cơ quan Trung ương tinh giản biên chế, tiết kiệm chi tiêu để tăng thu nh
Cao nhất 55 triệu/biên chế
Theo quyết định này, định mức phân bổ dự toán chi quản lý hành chính, áp dụng định mức phân bổ 55 triệu đồng/biên chế đối với khối các cơ quan Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, cơ quan thi hành án dân sự, Kiểm toán Nhà nước, Thanh tra Chính phủ.
Khối các bộ, cơ quan Trung ương khác tính theo định mức lũy thoái từng bậc biên chế. Cụ thể, định mức phân bổ từ 100 biên chế trở xuống là 54 triệu đồng/ biên chế/ năm; từ biên chế thứ 101 đến 500 là 50 triệu đồng/ biên chế/ năm; từ biên chế thứ 501 đến 1.000 là 48 triệu đồng/ biên chế/ năm; từ biên chế thứ 1.001 trở lên là 45 triệu đồng/ biên chế/ năm.
Định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách Nhà nước cho các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương sẽ ưu tiên chi cho sự nghiệp giáo dục; đào tạo và dạy nghề; y tế; quản lý hành chính; văn hóa - thông tin; phát thanh truyền hình; thể dục thể thao; đảm bảo xã hội; quốc phòng; an ninh, khoa học và công nghệ; kinh tế; bảo vệ môi trường.
Bên cạnh đó, quyết định cũng nêu rõ, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khó khăn hoặc có dân số thấp, được phân bổ thêm theo tỷ lệ % số chi tính theo định mức dân số như sau: Các địa phương thuộc khu vực Đồng bằng sông Cửu Long được phân bổ thêm 9%; các địa phương có dân số dưới 400 nghìn dân được phân bổ thêm 16%; dân số từ 400 nghìn dân đến dưới 600 nghìn dân được phân bổ thêm 14%; dân số từ 600-900 nghìn dân được phân bổ thêm 12%.
Trường hợp địa phương đáp ứng từ hai tiêu chí trở lên, chỉ được phân bổ theo tiêu chí hỗ trợ cao nhất. Các tỉnh, thành phố có dân số bình quân/huyện dưới 85 nghìn dân được phân bổ thêm 5% số chi tính theo định mức dân số.
Quyết định này cũng nhấn mạnh rằng cần khuyến khích các bộ, cơ quan trung ương tinh giản biên chế, tiết kiệm chi tiêu để tăng thu nhập cho cán bộ, công chức và tăng chi cho các nhiệm vụ trọng tâm của cơ quan, đơn vị.
Dựa dẫm ngân sách
Theo thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, hiện cả nước có hơn 5.000 đơn vị sự nghiệp công lập. Trong đó, chỉ có 170 đơn vị (khoảng 3%) có nguồn thu đủ chi phí hoạt động thường xuyên, số còn lại ngân sách nhà nước phải hỗ trợ. Dù vậy, việc tự chủ tài chính của các đơn vị sự nghiệp vẫn hết sức ì ạch và vẫn giữ tâm lý trông chờ vào ngân sách, tạo gánh nặng lớn cho ngân sách.
Để khắc phục tình trạng dựa dẫm vào ngân sách của các đơn bị sự nghiệp, đồng thời thúc đẩy các đơn vị sự nghiệp tăng cường khả năng tự chủ, phát triển vững mạnh, nâng cao chất lượng dịch vụ công, Bộ Tài chính đã xây dựng và trình Chính phủ ban hành Nghị định 16/2015 ngày 14.2.2015 quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập; Nghị định số 141/2016/NĐ-CP ngày 10.10.2016 quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực sự nghiệp kinh tế và sự nghiệp khác. Tuy nhiên, hơn 1 năm thực hiện, thực tế triển khai nghị định này vẫn chậm.
Nhấn mạnh điều này tại buổi họp báo chuyên đề của Bộ Tài chính ngày 26.10 mới đây, ôngPhạm Văn Trường, Vụ trưởng Tài chính Hành chính sự nghiệp cho biết, số tiền ngân sách nhà nước hằng năm chi cho các đơn vị sự nghiệp công lập cực kỳ lớn. Hiện nay, một số đơn vị sự nghiệp chưa sẵn sàng, còn tâm lý trông chờ vào ngân sách nhà nước.
“Bộ Tài chính đã có rất nhiều văn bản đôn đốc các bộ ngành triển khai tự chủ tài chính với các đơn vị sự nghiệp do mình quản lý, mới đây là gửi Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo, vì đây là 2 lĩnh vực lớn, điều chỉnh. Tới nay, mới có ngành y tế, khoa học- công nghệ triển khai, các ngành khác vẫn chưa”, ông Trường cho hay..
Theo Bộ Tài chính, phần ngân sách nhà nước tiết kiệm được sau khi các đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ về tài chính sẽ được dùng hỗ trợ trực tiếp cho các đối tượng thụ hưởng chính sách, người nghèo, khu vực khó khăn; cải cách tiền lương; hỗ trợ mua bảo hiểm y tế, cải thiện thu nhập nhân viên y tế, chi cho y tế dự phòng…
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũngvừa ban hành Nghị quyết về các nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách Nhà nước năm 2017.Trong đóquy định sẽ kết hợp cơ cấu lại ngân sách trên cơ sở giảm mức hỗ trợ trực tiếp từ ngân sách Nhà nước cho đơn vị sự nghiệp công lập, tăng nguồn hỗ trợ trực tiếp cho các đối tượng chính sách, khuyến khích xã hội hóa, huy động các nguồn lực xã hội để phát triển kinh tế- xã hội, đưa tối đa các khoản chi thường xuyên vào định mức chi quản lý hành chính của các bộ, cơ quan trung ương với yêu cầu triệt để tiết kiệm.
Hoàng Long