Theo đài Channel News Asia, nhiều nền kinh tế đang tìm câu trả lời cho câu hỏi liệu có nước nào phá vỡ được thế thống trị thị trường kim loại quan trọng mà Trung Quốc đang nắm giữ hay không?
Kim loại quan trọng đáng chú ý đầu tiên là đất hiếm - nguyên liệu cần thiết để sản xuất nam châm vĩnh cửu dùng trong hàng loạt thiết bị công nghệ cao. Ngoài ra còn phải kể đến niken sử dụng cho sản xuất pin xe điện. Trong nỗ lực tìm nguồn cung ngoài Trung Quốc, Malaysia và Indonesia nổi lên như phương án thay thế khả dĩ.
Tháng trước, chính phủ Malaysia thông báo sẽ cấp phép cho một nhà máy gần thành phố Kuantan tiếp tục nhập khẩu và chế biến đất hiếm cho đến năm 2026 thay vì chỉ đến đầu năm sau.
Nhà máy do công ty khai thác mỏ Úc Lynas vận hành, rộng 100ha, tương đương gần 150 sân bóng đá. Đây là cơ sở chế biến đất hiếm lớn nhất thế giới đủ sức đáp ứng gần 1/3 nhu cầu toàn cầu không tính Trung Quốc. Lynas cũng là nhà chế biến lớn nhất bên ngoài Trung Quốc.
Nhà phân tích Collins Chong (Đại học Malaysia) nhận định: “Malaysia đang phá vỡ thế thống trị của Trung Quốc ở thị trường đất hiếm”. Nhưng nhiều người lo lắng lịch sử sẽ lặp lại.
Năm 1994, một nhà máy chế biến đất hiếm tại vùng Bukit Merah phải đóng cửa vì bị cáo buộc gây ra dị tật bẩm sinh và bệnh bạch cầu cho cộng đồng địa phương. Cơ sở do công ty Nhật Mitsubishi Chemicals vận hành, không có hạ tầng xử lý chất thải dài hạn, chất phóng xạ thì chỉ được lưu trữ trong thùng phuy rỉ sét khiến khu vực ô nhiễm.
Để hòa giải ngoài tòa, Mitsubishi Chemicals chấp nhận quyên góp hơn 100.000 USD cho cộng đồng địa phương, đồng thời chi 100 triệu USD thực hiện công tác dọn dẹp. Phải đến năm 2014 cơ sở trữ chất phóng xạ từ nhà máy mới hoàn thành.
Giờ đây nhu cầu đất hiếm tăng mạnh. Căng thẳng địa chính trị càng khiến cuộc chiến tranh giành tài nguyên thêm phần khốc liệt.
Không quá hiếm nhưng khó chiết xuất
Đất hiếm gồm 17 nguyên tố có tính chất hóa học tương tự nhau. Cách đất hiếm phản ứng với ánh sáng là một trong những đặc tính khiến chúng có giá trị, mang lại cho màn hình điện thoại thông minh màu sắc sống động. Ngoài ra, vì có từ tính nên đất hiếm được dùng để sản xuất nam châm vĩnh cửu trang bị cho động cơ điện. Một nam châm thêm neodymium (một trong những loại đất hiếm được săn lùng nhiều nhất) mạnh hơn nam châm chỉ làm bằng sắt ít nhất 10 lần.
Theo giáo sư Veena Sahajwalla (Đại học New South Wales): “Khi tạo ra được nam châm mạnh mẽ thì thiết bị sẽ sở hữu nhiều tính năng. Hãy nghĩ về chiếc iPhone của bạn, xem điện thoại nhiều tính năng đến mức nào”.
Điện thoại thông minh có thể cần 5 nam châm cho mỗi loa, tính năng tự động lấy nét của máy ảnh sử dụng 2 - 4 nam châm, micro cùng động cơ rung cần đến 14 nam châm.
Neodymium không hiếm hơn niken - chất được tìm thấy trong đá gốc của Trái đất. Đá cần được khai thác, nghiền thành bột mịn rồi chiết xuất để lấy các khoáng chất chứa hai kim loại này.
Chiết xuất neodymium khá khó khăn vì 17 loại đất hiếm thường nằm chung trong một quặng. Tính chất hóa học tương tự nhau nên chúng khó xử lý hơn nhiều kim loại khác.
Các dự án đất hiếm nằm ở khắp nơi trên thế giới, tuy nhiên Trung Quốc lại chiếm đến 70% sản lượng năm 2022, Mỹ chiếm 14%, tiếp theo là tiếp theo là Úc, Myanmar… Thậm chí Mỹ phải xuất nguyên liệu đất hiếm sang Trung Quốc để sản xuất nam châm.
Phó giáo sư Marina Yue Zhang (Đại học Công nghệ Sydney) cho biết: “Thế giới đủ trữ lượng đất hiếm để cung cấp, nhưng điều quan trọng là ai nắm trong tay công nghệ xử lý. Chỉ duy nhất Trung Quốc sở hữu năng lực xử lý toàn bộ chuỗi giá trị 17 loại đất hiếm. Họ không chỉ phát triển công nghệ xử lý mà cả khả năng xử lý chất thải”.
Năm 2018, Giám đốc điều hành Lynas Amanda Lacaze nói với tờ The New York Times rằng tại Trung Quốc có khoảng 100 tiến sĩ tập trung nghiên cứu ứng dụng đất hiếm, ở phương Tây chẳng có ai cả.
Phó giáo sư Zhang còn chỉ ra Trung Quốc tuyển được hàng nghìn nhân lực kỹ thuật chuyên môn từ các viện nghiên cứu đất hiếm. Vì vậy không quốc gia nào đủ sức cạnh tranh lại.
Chế biến đất hiếm đòi hỏi lượng lớn lao động, gây hại cho môi trường lẫn sức khỏe con người. Tuy nhiên, Trung Quốc sở hữu hàng chục năm kinh nghiệm và có thể thực hiện với chi phí rẻ hơn đáng kể.
Trung Quốc không chỉ thống trị khâu chế biến mà còn thâm nhập cả sản xuất linh kiện từ đất hiếm, chẳng hạn như nam châm. Vì nguồn cung sẵn có này mà hàng loạt đơn vị sản xuất đều chọn đặt nhà máy tại Trung Quốc, kết quả là những gì rời khỏi quốc gia châu Á đều là sản phẩm “Made in China”.
Nhu cầu tăng cao
Không chỉ sản phẩm điện tử mà cả ô tô, thiết bị gia dụng tiết kiệm năng lượng, máy phát điện gió… cũng cần nam châm. Theo Giám đốc điều hành công ty Beijing Magtech Yoki Xu: “Bất cứ thứ gì chuyển động đều có động cơ. Nam châm đất hiếm giúp cải thiện hiệu suất động cơ đồng thời góp phần tiết kiệm năng lượng. Vì vậy nhu cầu sử dụng chúng ngày một tăng cao”.
Số nam châm đất hiếm trong xe điện có tổng khối lượng khoảng 5kg. Nam châm vĩnh cửu cần thiết cho một tuabin gió tính bằng tấn, và nhiều nước kể cả Trung Quốc đang phát triển điện gió với tốc độ chóng mặt.
Trong bối cảnh nhu cầu tăng cao, Trung Quốc tuần trước lại tuyên bố tăng cường kiểm soát xuất khẩu đất hiếm, yêu cầu doanh nghiệp báo cáo giao dịch lẫn điểm giao hàng - động thái khiến cạnh tranh Mỹ - Trung trên mặt trận công nghệ thêm căng thẳng.
Năm 2010, Trung Quốc từng cấm xuất khẩu đất hiếm sang Nhật vì tranh chấp quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Nhà phân tích Chong chỉ ra đây là loạt ví dụ cho thấy Bắc Kinh có thể dùng số kim loại quan trọng này như công cụ chiến lược phục vụ lợi ích quốc gia.
Malaysia nổi lên
Căng thẳng địa chính trị thúc đẩy nhiều nền kinh tế tìm nguồn cung ngoài Trung Quốc. Vụ việc năm 2010 thúc đẩy Nhật đầu tư vào Lynas. Công ty Úc khai thác đất hiếm tại mỏ Mount Weld miền tây nước Úc rồi đưa sang Malaysia chế biến. Sản phẩm cuối cùng sẽ được xuất đi khắp nơi.
Nhà máy gần Kuantan đã hoạt động hơn 10 năm, có kinh nghiệm xử lý chất phóng xạ trong quặng. Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế xác nhận Lynas đáp ứng mọi yêu cầu về an toàn phóng xạ.
Năm ngoái, một mỏ đất hiếm ở bang Perak được phê duyệt khai thác thí điểm. Chủ tịch Hiệp hội Bảo vệ di sản thiên nhiên Malaysia Damien Thanam Divean khẳng định nước này đã ban hành nhiều hướng dẫn mới đảm bảo hoạt động khai thác diễn ra an toàn.
Khai thác phi pháp
Từ năm 2016, Trung Quốc đẩy mạnh công tác giảm ô nhiễm ngành khai khoáng nên đóng cửa nhiều mỏ trên địa bàn “thủ phủ đất hiếm” Cám Châu thuộc tỉnh Giang Tô. Chính sách giảm ô nhiễm cộng thêm lo ngại trữ lượng cạn kiệt thúc đẩy nước này tìm nguồn cung nguyên liệu ở những nơi mà quy định quản lý chưa chặt chẽ.
Một trong những nơi như vậy là Myanmar. Hàng nghìn người sang đây làm việc trong các mỏ mới, sử dụng thiết bị cùng công nghệ Trung Quốc để khai thác. Hoạt động khai thác gia tăng kể từ sau cuộc đảo chính năm 2021, các công ty không được cấp phép nên không cần trả hàng loạt chi phí.
Theo Tun Aung Shwe - đại diện lực lượng chống chính quyền quân sự Myanmar, khu vực khai thác trái phép ở bang Kachin giáp Trung Quốc có thể lớn bằng Singapore. Ảnh chụp từ vệ tinh Google cho thấy rõ nhiều vũng chứa hóa chất độc hại.