Một trong những câu hỏi lớn nhất trước kỳ Olympic năm nay không chỉ là ai sẽ mang huy chương vàng về cho các đội mà còn là liệu sông Seine, biểu tượng của văn hóa và lịch sử Paris có đáp ứng được kỳ vọng của mọi người hay không?
Sông Seine là một biểu tượng của nước Pháp lẫn thủ đô Paris. Tuy nhiên theo thời gian dòng sông này đã bị ô nhiễm nặng và người dân bị cấm bơi trên sông suốt hơn một thế kỷ qua. Và để làm sạch sông Seine chuẩn bị cho Thế vận hội mùa hè 2024, Pháp đã chi hàng tỉ USD cho việc này.
Theo kế hoạch, sông Seine là nơi diễn ra các cuộc thi ba môn phối hợp và bơi marathon. Sông Seine cũng là nơi diễn ra Lễ khai mạc Olympic Paris 2024 vào ngày 26.7 (theo giờ địa phương). Tuy nhiên, ý tưởng này đã vấp phải nhiều ý kiến trái chiều vì mức độ ô nhiễm nặng của dòng sông.
Các cuộc tranh cãi đã nổ ra, một bên là các nhà chức trách của Paris và ban tổ chức Olympic, những người luôn rất tỏ thái độ lạc quan. Nhà tổ chức từ lâu đã khẳng định rằng “không có kế hoạch B” cho các sự kiện ngoài trời diễn ra trên sông Seine.
Christophe Dubi, Giám đốc điều hành của Ủy ban Olympic quốc tế đã nói vào đầu tháng 6 rằng ông "không có lý do gì để nghi ngờ và sông Seine đủ sạch để bơi lội". Trong khi đó, Thị trưởng Paris Anne Hidalgo mạnh dạn tuyên bố: "Chúng ta sẽ làm được bất chấp mọi sự nghi ngờ".
Thứ Bảy tuần trước, Bộ trưởng Thể thao Pháp Amélie Oudéa-Castéra đã ngâm mình trong sông Seine để chứng minh rằng nước ở đó an toàn. Trước đó, Thị trưởng Paris - bà Anne Hidalgo cũng đã ngâm mình dưới nước sông Seine để xoa dịu những người chỉ trích.
Bà Anne Hidalgo thậm chí còn có kế hoạch xây dựng ba khu vực tắm công cộng trên sông Seine dành cho cư dân thành phố vào năm 2025 - một thế kỷ sau khi hoạt động bơi lội bị cấm trên dòng sông này.
Bill François, một nhà khoa học biển thuộc Liên đoàn đánh cá Paris, nói với The Post rằng những những người cho rằng sông Seine an toàn là "sự tuyên truyền về mặt chính trị".
VĐV, nhà sinh vật học: 'Sông Seine không đủ an toàn để bơi lội'
Ở phía bên kia của cuộc tranh luận, những vận động viên và nhà vi sinh vật học thì lại tỏ ra nghi ngờ về điều này. “Tôi không lạc quan rằng sông Seine đủ an toàn để bơi lội”, Bill Sullivan, Tiến sĩ, giáo sư tại Trường Y khoa Đại học Indiana, người nghiên cứu về các bệnh truyền nhiễm, cho biết.
Ông nói rằng việc phát hiện ra vi khuẩn E. coli trong nước sông “có nghĩa là thực sự có phân trong nước, hoặc từ nước thải của con người hoặc sự xói mòn đất từ các trang trại”.
Ana Marcela Cunha, vận động viên bơi lội người Brazil và là nhà vô địch Olympic bơi lội ngoài trời nói với báo chí Pháp rằng dòng sông này "không phải để bơi". Và vận động viên Olympic Ivan Puskovitch, người sẽ tham gia nội dung bơi marathon 10km, cho biết câu hỏi "liệu sông Seine có sẵn sàng hay không?” là mối quan tâm lớn nhất của anh.
Ngày 23.6, một cuộc biểu tình do người dân đã diễn ra tại Paris, cùng ngày mà bà Hidalgo, Thị trưởng Paris và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron lên kế hoạch họp báo.
Những người biểu tình cho biết không phải họ không hài lòng với một dòng sông sạch mà họ không hài lòng với việc với chính quyền địa phương đã chi hàng tỉ USD (gần 1,5 tỉ USD) và vẫn đang tiếp tục, để biến sông Seine thành nơi phục vụ cho Thế vận hội mùa hè trong khi lại phớt lờ những vấn đề ô nhiễm nước và môi trường cấp bách hơn.
Tất cả những lời chỉ trích này đều có lý do. Sông Seine không chỉ là một địa điểm, mà còn là trung tâm của Thế vận hội Paris, là một biểu tượng của thành phố và có mối liên hệ với lịch sử Olympic (lần cuối cùng Pháp tổ chức các hoạt động trên sông Seine là hơn 100 năm trước).
Sông Seine sẽ là ngôi sao của lễ khai mạc Olympics Paris vào ngày 26.7, với cuộc diễu hành của 200 đoàn vận động viên Olympic trên hơn 80 chiếc thuyền và diễu hành trang trọng đi qua các địa danh của Paris như Nhà thờ Đức Bà và Bảo tàng Louvre.
Con sông này rất quan trọng đối với Thế vận hội mùa hè Paris, nó sẽ được bảo vệ bằng kính chống đạn và 35.000 cảnh sát Pháp cùng 10.000 quân nhân Pháp.
Liệu sông Seine có đủ sạch khi ngọn đuốc Olympic được thắp sáng hay không?
Các nhà chức trách thành phố thường xuyên kiểm tra mức độ E. Coli của sông. Trong phần lớn thời gian của tháng 6 (22 trong số 30 ngày), mức độ E. Coli quá cao, đôi khi cao gấp 10 lần giới hạn cho phép. Vào tháng 7 thì tình hình có vẻ tốt hơn nhưng liệu điều này có duy trì được như vậy hay không?
Jay Famiglietti, giáo sư tại Đại học bang Arizona chuyên về tính bền vững và rủi ro nước toàn cầu cho biết: "Việc này sẽ được quyết định bởi thời tiết".
Mưa lớn, có nghĩa là nhiều vi khuẩn hơn sẽ trôi vào con sông từ dòng chảy đô thị. Và nhiệt độ mát hơn, ánh nắng mặt trời cũng ít hơn, có nghĩa là ít vi khuẩn sẽ bị tiêu diệt. Famiglietti cho biết: "Những người tổ chức đang ở chế độ chờ đợi".
Trên thực tế, việc bơi ở sông Siene đã bị cấm từ năm 1923. Người nào vi phạm sẽ bị phạt 15 euro (khoảng 16 USD) nhưng giới cầm quyền Pháp đã hứa sẽ đưa sông Seine trở lại thời kỳ huy hoàng trước đây trong nhiều thập kỷ. Năm 1988, thị trưởng Paris Jacques Chirac đã cam kết "tắm ở sông Seine trước mặt các nhân chứng" để chứng minh rằng những nỗ lực làm sạch nước sông đã có hiệu quả. Tuy nhiên, ông chưa bao giờ thực hiện lời hứa đó.
"Một nỗ lực nghiêm túc hơn, đó là kế hoạch bơi lội của Paris, được đưa ra vào năm 2015, với mục tiêu sửa chữa, nâng cấp cơ sở hạ tầng cống rãnh của thành phố, vốn từ thế kỷ 19 đến nay chưa hề được nâng cấp. Chính vì vậy, Thế vận hội mùa hè 2024 được sử dụng như "một cột mốc để có tận dụng được sự ủng hộ về mặt chính trị và tài chính nhằm làm sạch dòng sông", Tiến sĩ Lindsay Sarah Krasnoff, một nhà sử học giảng dạy tại Viện Tisch về Thể thao Toàn cầu của NYU cho biết.
Tuy nhiên, bất chấp khoản đầu tư khổng lồ và nỗ lực làm sạch dòng sông, kết quả vẫn không như mong đợi. Theo một tuyên bố từ các quan chức địa phương, do chất lượng nước kém, một số cuộc thi ba môn phối hợp "thử nghiệm" Olympic đã bị hủy vào mùa hè năm ngoái "để bảo vệ sức khỏe của các vận động viên".
Vào tháng 5, bể chứa nước Austerlitz đã được khánh thành, một bể chứa ngầm mới được thiết kế có khả năng chứa 13,2 triệu gallon nước mưa và nước thải, tương đương với 20 bể bơi theo chuẩn của Olympic. Mục tiêu là giữ cho hệ thống thoát nước không bị quá tải và xử lý nước để ít nguy hiểm hơn nếu nước đổ vào sông.
Nó đã có tác dụng... ngoại trừ khi những khi nó không có tác dụng, đặc biệt là sau những trận mưa lớn. Và ngay cả mức E. Coli thấp cũng "không chắc chắn về nhiều loại vi khuẩn nguy hiểm khác có khả năng tiềm ẩntrong nước", theo Tiến sĩ Bill Sullivan. Các loại vi khuẩn này bao gồm cả các loại ký sinh trùng như cryptosporidium và giardia, "có thể gây nôn mửa và tiêu chảy nghiêm trọng".
Ngoài ra, còn có chuột với số lượng nhiều gấp đôi hơn cả dân số Paris. Chưa kể người ta đi tiểu trên sông và phát tán một căn bệnh gọi là leptospirosis. François nói rằng “hầu hết mọi người sẽ ổn nếu họ được tiêm chủng”. Và một điều đáng lo ngại hơn là cá piranha. Năm 2013, một ngư dân Paris đã bắt được một con Pacu, họ hàng của cá piranha, trên sông Seine. Loài cá này còn được gọi là “cá cắt bóng” vì có xu hướng cắn tinh hoàn của người bơi.
Tuy nhiên, những mối nguy hiểm này không ngăn cản một số người bơi lội. Joel Stratte McClure, một vận động viên bơi lội người Mỹ 75 tuổi, đã nhảy xuống sông Seine vào ngày 4.7 và nói với The Post rằng ông "không bị ảnh hưởng gì". Ông cũng cho biết "không có cá chết, tôi cũng không thấy bất kỳ rác thải, nước thải, xác chết hay vi khuẩn E. coli nào trôi nổi". Tuy nhiên, ông lưu ý rằng con trai ông đã nói với ông sau khi bơi rằng "bố có mùi khá khó chịu".
Những người khác thì không may mắn như vậy. Gaelle Deletang, một thành viên của đội phòng vệ dân sự dưới nước của thủ đô nước Pháp đã bơi ở sông Seine vào mùa đông năm ngoái, theo như lời cô kể thì cô đã bị "tiêu chảy và phát ban".
Arthur Germain, con trai của thị trưởng Paris, đã bơi trên sông Seine vào năm 2021 và nói rằng "tôi bị khó thở ở một số khu vực".
Lần cuối cùng sông Seine chào đón các vận động viên chuyên nghiệp là trong Thế vận hội Paris năm 1900, khi Freddie Lane của Úc giành chiến thắng ở hai nội dung bơi lội: bơi tự do 200 mét và bơi vượt chướng ngại vật 200 mét.
Bơi lội đã chuyển đến các hồ bơi không giáp biển trong Thế vận hội London năm 1908 , nhưng bơi ngoài trời đã trở lại vào năm 2000, khi môn ba môn phối hợp ra mắt tại Thế vận hội Sydney. Sau đó, môn marathon 10km ngoài trời đã được thêm vào năm 2008.
Paris không phải là trường hợp duy nhất gây lo ngại cho vận động viên vì ô nhiễm nước
Nhưng Paris không phải là trường hợp đầu tiên mang đến mối nguy hiểm cho các vận động viên bơi lội vì các vấn đề ô nhiễm với nước.
Năm 2016, mặc dù Rio de Janeiro đã đưa ra những tuyên bố mạnh mẽ về việc làm sạch Vịnh Guanabara kịp thời cho Thế vận hội 2016, một bác sĩ đã cảnh báo rằng các vận động viên đến đây "sẽ thực sự bơi trong phân người". Và trong Thế vận hội Olympic 2021 ở Tokyo, các vận động viên đã từng phàn nàn rằng vịnh "có mùi như nhà vệ sinh".
Tuy nhiên, điều Bill François lo ngại không phải vì truyền thông đưa tin không tốt, mà ông bức xúc vì chính quyền Paris "chi hơn một tỉ USD cho một vài phút thi bơi", ông nói với The Post. "Họ dồn hết công sức vào việc giải quyết vi khuẩn E. Coli ngu ngốc này, thứ không có tầm quan trọng gì đối với môi trường".
Ông chỉ ra rằng chỉ có ba loài cá ở sông Seine trong những năm 1960 và 1970, “nhưng ngày nay, chúng ta đã có khoảng 40 loài. Nếu các chính trị gia bỏ ra một phần nhỏ tiền vào các vấn đề đa dạng sinh học, giải quyết các chất ô nhiễm không gây hại cho người bơi, thì ngày nay chúng ta sẽ đánh bắt cá hồi ở sông Seine”.
Tuy nhiên, Tiến sĩ Lindsay Sarah Krasnoff cho biết sông Seine có nhiều ý nghĩa đối với Paris hơn là chỉ là chuyện bơi lội. “Nó giống như trái tim đang đập của thành phố”, bà cho biết và nói thêm: “Sông Seine là biểu tượng cho mối liên hệ giữa quá khứ và hiện tại. Vì vậy, dòng sông này là một phần của mạch máu của thành phố, một con đường dẫn đến tương lai và đại dương - ngay cả khi nó vẫn thấm đẫm quá khứ. Dòng sông là lời nhắc nhở người dân địa phương cũng như du khách về di sản văn hóa xung quanh họ”.
>> Celine Dion và Lady Gaga sẽ cùng biểu diễn tại lễ khai mạc Olympic Paris 2024