Khi vi rút SARS-CoV-2 bắt đầu lây lan khắp thế giới, Kiribati xa xôi ở Thái Bình Dương đã đóng cửa biên giới của mình, đảm bảo dịch bệnh không đến đảo quốc này trong gần 2 năm.

Omicron gây bùng phát dịch ở 1 trong những nơi cuối cùng không có COVID-19

Sơn Vân | 29/01/2022, 00:31

Khi vi rút SARS-CoV-2 bắt đầu lây lan khắp thế giới, Kiribati xa xôi ở Thái Bình Dương đã đóng cửa biên giới của mình, đảm bảo dịch bệnh không đến đảo quốc này trong gần 2 năm.

Kiribati đã bắt đầu mở cửa trở lại trong tháng 1.2022, cho phép Nhà thờ Giáo hội Các Thánh hữu ngày sau của Chúa Giêsu Kitô thuê một chiếc máy bay để đưa 54 công dân về nước. Nhiều người trong số những hành khách trên chuyến bay đó là những nhà truyền giáo đã rời Kiribati trước khi biên giới bị đóng cửa để truyền bá đức tin ra nước ngoài cho cái thường được gọi là nhà thờ Mormon.

Các quan chức đã xét nghiệm COVID-19 ba lần với mỗi hành khách trở về Kiribati ở Fiji gần đó, yêu cầu họ phải tiêm vắc xin và đưa vào diện cách ly với các xét nghiệm bổ sung khi về đến nhà. Thế nhưng, điều náy là không đủ.

Hơn một nửa số hành khách có kết quả xét nghiệm dương tính với COVID-19, hiện đã lây lan ra cộng đồng và khiến chính phủ Kiribati phải ban bố tình trạng thảm họa. Từ 36 ca COVID-19 ban đầu trên chuyến bay đó, Kiribati nay đã ghi nhận tổng cộng 181 trường hợp.

Kiribati và các quốc gia nhỏ khác ở Thái Bình Dương là một trong những nơi cuối cùng trên hành tinh tránh bùng phát dịch, nhờ vị trí xa xôi và sự kiểm soát biên giới nghiêm ngặt. Thế nhưng, các đảo quốc này vẫn không tránh được biến thể Omicron rất dễ lây lan.

Nói chung, đó là điều không thể tránh khỏi. Vấn đề là cần có đủ thời gian để chuẩn bị và đưa càng nhiều người tiêm vắc xin càng tốt”, Helen Petousis-Harris, chuyên gia về vắc xin tại Đại học Auckland ở New Zealand, cho biết Omicron sẽ đến được mọi nơi trên thế giới.

Chỉ 33% trong số 113.000 người dân của Kiribati được tiêm vắc xin COVID-19 đầy đủ, trong khi 59% tiêm ít nhất một liều, theo trang Our World in Data. Giống như nhiều quốc gia Thái Bình Dương khác, Kiribati chỉ cung cấp các dịch vụ y tế cơ bản.

Tiến sĩ Api Talemaitoga, người chủ trì một mạng lưới các bác sĩ bản địa đảo Thái Bình Dương ở New Zealand, nói Kiribati chỉ có một vài giường chăm sóc đặc biệt trên toàn quốc và trước đây phải gửi những bệnh nhân nặng nhất đến Fiji hoặc New Zealand để điều trị.

Api Talemaitoga nói rằng do những hạn chế từ hệ thống y tế ở Kiribati, phản ứng đầu tiên của ông khi nghe tin về đợt bùng phát dịch COVID-19 là: “Ôi, Chúa ơi!”.

Kiribati hiện đã mở nhiều địa điểm cách ly, tuyên bố giới nghiêm và áp đặt các lệnh phong tỏa. Tổng thống Kiribati - Taneti Maamau cho biết trên mạng xã hội rằng chính phủ đang sử dụng mọi nguồn lực của mình để quản lý tình hình, đồng thời kêu gọi người dân đi tiêm vắc xin COVID-19.

Giáo hội Các Thánh hữu ngày sau của Chúa Giêsu Kitô (trụ sở tại bang Utah, Mỹ) có sự hiện diện mạnh mẽ ở nhiều quốc gia Thái Bình Dương, bao gồm cả Kiribati, nơi có 20.000 thành viên, trở thành giáo phái Cơ đốc giáo lớn thứ ba. Giáo hội này có khoảng 53.000 nhà truyền giáo phục vụ toàn thời gian trên khắp thế giới, hoạt động để cải đạo mọi người.

Đại dịch đã đặt ra những thách thức cho công việc truyền giáo của họ, vốn được coi là một nghi thức vượt cạn dành cho nam giới 18 tuổi và nữ giới 19 tuổi.

Khi đại dịch bùng phát và tràn qua, Giáo hội Các Thánh hữu ngày sau của Chúa Giêsu Kitô đã phản ứng lại, gọi về khoảng 26.000 nhà truyền giáo từng phục vụ ở nước ngoài vào tháng 6.2020, chỉ định cho họ truyền đạo trực tuyến từ nhà trước khi gửi một số trở lại thực địa 5 tháng sau đó.

Khi vắc xin COVID-19 được phổ biến rộng rãi ở nhiều quốc gia vào tháng 4.2021, các lãnh đạo Giáo hội Các Thánh hữu ngày sau của Chúa Giêsu Kitô đã khuyến khích tất cả nhà truyền giáo tiêm vắc xin và yêu cầu điều này với những người đang phục vụ bên ngoài quốc gia của họ.

Sam Penrod, người phát ngôn của giáo hội này, cho biết các nhà truyền giáo trở về vẫn trong tình trạng cách ly, đang hợp tác với các cơ quan y tế địa phương và sẽ được xuất cảnh sau khi hoàn thành cách ly.

Ông nói: “Với việc biên giới của Kiribati bị đóng cửa kể từ khi đại dịch bùng phát, nhiều người trong số những người này đã tiếp tục trở thành nhà truyền giáo sau thời gian phục vụ dự kiến ​​từ 18 đến 24 tháng. Một số người phục vụ kéo dài tới 44 tháng”.

Trước khi bùng phát dịch vào tháng 1.2022, Kiribati chỉ ghi nhận 2 ca mắc COVID-19 từ thành viên trên một con tàu chở hàng đang đến nhưng cuối cùng không được phép cập cảng.

dich-bung-phat-o-1-trong-nhung-noi-khong-co-covid-19-cuoi-cung.jpeg
Kiribati nằm trong số những quốc gia cuối cùng trên hành tinh tránh được bùng phát dịch - Ảnh: AP

Chuyến bay bao nguyên chuyến tới Kiribati không phải là lần đầu tiên những người truyền giáo trở về nhà ở một quốc đảo ở Thái Bình Dương có kết quả xét nghiệm dương tính với COVID-19.

Vào tháng 10.2021, một nhà truyền giáo trở về Tonga sau thời gian phục vụ ở châu Phi đã được ghi nhận là trường hợp mắc COVID-19 đầu tiên và duy nhất đến nay ở đảo quốc này. Chuyến bay có ghé ngang New Zealand. Giống như những người trở về Kiribati, anh ta cũng đã tiêm vắc xin COVID-19 và cách ly.

Tonga đang cố gắng hết sức để ngăn chặn bất kỳ đợt bùng phát dịch nào khi cố gắng phục hồi sau trận phun trào núi lửa và sóng thần kinh hoàng hồi 15.1.2022. Đảo quốc 105.000 người này đã nhận được viện trợ từ khắp nơi trên thế giới nhưng đề nghị các phi hành đoàn từ các tàu quân sự và máy bay đến bỏ đồ tiếp tế và rời đi mà không có bất kỳ tiếp xúc nào với những người trên mặt đất.

Petousis-Harris cho biết: “Bất cứ điều gì họ phải làm để ngăn chặn COVID-19 sẽ rất quan trọng. COVID-19 sẽ chỉ là tổng thể của thảm họa đó".

Theo Petousis-Harris, về lâu dài, sẽ không thể ngăn chặn vi rút SARS-CoV-2 xâm nhập vào Tonga hoặc bất kỳ cộng đồng nào khác.

Samoa gần đó, với dân số 205.000 người, cũng đang cố gắng ngăn chặn đợt bùng phát dịch COVID-19 đầu tiên. Samoa đã áp đặt một lệnh phong tỏa cho đến tối 28.1.2022 sau khi 15 hành khách trên chuyến bay đến từ Úc vào tuần trước có kết quả dương tính với COVID-19.

Đến 27.1.2022, con số đó đã tăng lên 27 ca COVID-19, bao gồm cả 5 y tá tuyến đầu điều trị cho các hành khách. Các quan chức cho biết tất cả những người mắc COVID-19 đã được cách ly và không có ổ dịch cộng đồng nào ở Samoa cho đến nay.

Trong khi vi rút SARS-CoV-2 xâm nhập vào Thái Bình Dương dẫn đến việc phong tỏa và các hạn chế khác, có những dấu hiệu cho thấy không phải tất cả khía cạnh truyền thống về cuộc sống trên đảo sẽ mất đi lâu dài.

Chính phủ đã quyết định cho phép đánh bắt cá. Chỉ có 4 người được phép lên thuyền hoặc một phần của nhóm đánh cá gần bờ”, Kiribati tuyên bố hôm 27.1.2022, đồng thời liệt kê một số hạn chế về thời gian và địa điểm.

Bài liên quan
Omicron lan tới các đảo quốc xa xôi nhất hành tinh từng vắng bóng SARS-CoV-2
Hầu như không có nơi nào trên Trái đất có thể thoát khỏi sự lây lan của biến thể Omicron.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài cuối: Festival là cơ hội để hạt muối vươn xa
Theo kế hoạch, Festival muối 2025 sẽ được tỉnh Bạc Liêu tổ chức vào tháng 3.2025. Đây là sự kiện quy mô lớn, tạo tiền đề, cơ hội thuận lợi để kết nối, mời gọi nhà đầu tư vào lĩnh vực sản xuất muối, từ đó góp phần nâng cao giá trị hạt muối, giúp bà con diêm dân vươn lên làm giàu từ nghề lâu đời này.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Omicron gây bùng phát dịch ở 1 trong những nơi cuối cùng không có COVID-19