Trước cuộc bầu cử tổng thống Nga 2018, ông Vladimir Putin kiên quyết theo đuổi chiến dịch chống tham nhũng, với những cuộc bắt giam các quan chức giàu có bất chính, trong số này gồm lãnh đạo Dagestan giấu súng dát vàng trong biệt thự hạng sang.

Ông Putin cho bắt quan tham có súng dát vàng

07/03/2018, 18:43

Trước cuộc bầu cử tổng thống Nga 2018, ông Vladimir Putin kiên quyết theo đuổi chiến dịch chống tham nhũng, với những cuộc bắt giam các quan chức giàu có bất chính, trong số này gồm lãnh đạo Dagestan giấu súng dát vàng trong biệt thự hạng sang.

Lãnh đạo Dagestan bị FSB bắt tại nhà - Ảnh: TASS

Báo Newsweek ngày 6.3 kể vào rạng sáng 5.2, đặc vụ Cơ quan an ninh liên bang Nga (FSB) bịt mặt và trang bị vũ khí tấn công “thứ dữ”, tiến hành một cuộc khám xét đột xuất, xông vào tòa biệt thự hạng sang nọ ở Cộng hòa Dagestan (nam Nga).

Lãnh đạo dân sự tàng trữ súng nạm vàng

Tòa nhà ở thủ đô Makhachkala của lãnh đạo Abdusamad Gamidov, và FSB phát hiện ông giấu một khẩu súng toàn bằng vàng nạm 3 vần đầu của tên nhà lãnh đạo, 2 khẩu AK, một khẩu súng ngắn Marakov, nhiều súng ngắn Beretta và nhiều loại súng khác cùng đạn dược. Trong nhà cũng trưng bày nhiều thứ tài sản quí giá, như áo lông thú hiếm, một con cọp nhồi bông, đồng hồ đeo tay hạng sang....

Cơ quan điều tra liên bang Nga (ICR, tương đương FBI của Mỹ) cho biết FSB bắt ông Gamidov, 2 phó Shamil Isayev và Raudin Yusufov, cùng cựu Bộ trưởng Giáo dục Shahabas Shakhov.

Nhà của các quan tham cũng bị khám xét, và các nghi can bị còng tay, bị đưa lên một chuyến bay đặc biệt chở về trụ sở FSB ở Moscow.

Vụ truy bắt-khám xét lúc rạng đông 5.2 tiếp sau vụ bắt Đô trưởng Makhachkala là Musa Musayev bị buộc tội lạm quyền, và bắt Magomedrasul Gitinov, kiến trúc sư trưởng của thủ đô Makhachkala, trong một vụ chiếm đoạt công quỹ.

Các quan chức này bị bắt vì tội gian lận và rút ruột công quỹ mà chính phủ liên bang Nga cấp cho các chương trình xã hội ở Dagestan, một trong những nước cộng hòa nghèo nhất thuộc liên bang Nga.

Sau hai cuộc chiến mà quân ly khai Checnya chống Nga, Dagestan đang trở thành một ổ nổi dậy của Hồi giáo cực đoan vốn đã mở nhiều cuộc tấn công lực lượng cảnh sát và quan chức địa phương. Hàng trăm người Dagestan cũng đã tìm đường qua Syria và Iraq để đánh thuê cho bọn khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) và các tổ chức vũ trang khác.

Những vụ bắt giữ các quan chức Dagestan là một phần nỗ lực bắt các phần tử tham nhũng cấp cao. Cuối năm 2017, Nga đã kết án 8 năm tù đối với cựu Bộ trưởng Phát triển kinh tế Alexei Ulyukayev, với tội danh ông đòi 2 triệu hối lộ từ ông Igor Sechin, lãnh đạo đầy quyền lực của công ty dầu mỏ Rosneft. Là vị bộ trưởng đầu tiên Nga bị bắt kể từ năm 1953, ông Ulyukayev bào chữa ông là nạn nhân của “một vụ cài bẫy bạo tàn và khủng khiếp”.

Qua tháng 2.2018, tòa án Nga cũng kết tội nhận hối lộ, đối với hai lãnh đạo vùng là các ông Nikita Belykh và Alexander Khoroshavin. Hai ông đều chối tội. Chính quyền nói ông Khoroshavin giấu khoảng 1,37 triệu USD tiền mặt trong nhà, cùng vô số đồ kim hoàn cao cấp gồm một cây bút máy nạm kim cương trị giá 600.000 USD.

Khẩu súng dát vàng và khắc 3 vần đầu của tên lãnh đạo Dagestan - Ảnh: Moscow Times

Chống tham nhũng để ghi điểm trước ngày bầu cử

Kênh truyền hình REN TV (thân Điện Kremlin) nói những bản án này chứng minh trong cuộc chống tham nhũng của chính phủ, không hề có “kẻ bất khả xâm phạm”.

Nhưng các nhà phân tích nước ngoài thì nói thời điểm tiến hành những vụ bắt giữ-kết tội không phải tình cờ, mà là lập thành tích chào mừng ngày bầu cử tổng thống Nga 18.3.2018, mà hầu như chắc chắn ông Putin sẽ có thêm nhiệm kỳ tổng thống 6 năm.

Đài truyền hình nhà nước Channel One ca ngợi vụ bắt các quan chức Dagestan là “chiến dịch chống tham nhũng rầm rộ”, trong khi trang tin điện tử Life News (thân chính phủ) đưa tin Dagestan “đầy nhóc quan tham bị kỷ luật”.

Các nhà phân tích cho rằng đấy là một phần kềm cương các lãnh đạo Dagestan (ở vùng Bắc Caucasus, Nga) nhiều bất ổn, nhưng các vụ bắt giữ hàng loạt, cùng với bản án tù giáng xuống ông Ulyukayev và hai lãnh đạo vùng cũng giúp ông Putin tăng uy tín trước ngày bầu cử.

Ngày 15.2, ông Putin phát biểu tại trụ sở Viện Kiểm sát liên bang Nga: “Các hoạt động của những cơ quan bảo vệ pháp luật sẽ nhận được sự ủng hộ chính trị triệt để. Tôi yêu cầu quí vị hành động với tinh thần kiên quyết tối đa”.

Ông Putin hiện được dân Nga tín nhiệm cao, và các thăm dò dư luận cho thấy người Nga không qui trách nhiệm cho ông, về những vấn nạn xã hội như tình trạng nghèo đang tăng cao.

Nhưng nạn tham nhũng cấp cao vẫn là khối u nhức nhối đối với vị chủ nhân Điện Kremlin. Thăm dò năm 2017 của Trung tâm Levador (cơ quan thăm dò dư luận độc lập duy nhất ở Nga) cho biết 67% người được hỏi nói ông Putin phải chịu trách nhiệm, trước tình trạng gian lận cấp cao, rút ruột công quỹ hàng chục tỉ USD/năm. 80% nói họ cho rằng Điện Kremlin “nhắm mắt làm ngơ” trước những vụ lạm dụng công quỹ, và “chính phủ Nga hoàn toàn hoặc dính líu một phần đáng kể vào tham nhũng”.

Theo Trung tâm cải cách chính trị-kinh tế, một tổ chức nghiên cứu ở Moscow, vài tháng qua, người dân ở khắp nước Nga phẫn nộ xuống đường phản đối quan chức tham nhũng. Báo cáo của tổ chức công bố tháng 11.2017 viết: “Tham nhũng là một trong những lý do khiến tăng bất ổn xã hội và phản đối liên quan vấn đề lao động”.

Hiện ông Alexei Navalny là thủ lĩnh đối lập tích cực chống quan chức Nga tham nhũng. Cho đến nay, có 26 triệu lượt người xem một vidéo do Quỹ chống tham nhũng của ông Navalny đưa lên mạng YouTube từ tháng 3.2017, cáo buộc Thủ tướng Dmitry Medvedev làm giàu bất chính. Ông Navalny đã bị cấm tranh cử tổng thống Nga 2018. Ông dùng mạng xã hội để kêu gọi người Nga tẩy chay cuộc bầu cử này.

Dù ông Putin không có đối thủ lớn, các nhà phân tích nói Điện Kremlin vẫn muốn có ít nhất 70% cử tri đi bầu, để đề cao tính hợp pháp của việc ông Putin trúng cử.

Ông Abbas Gallyamov từng là người soạn diễn văn cho Điện Kremlin và đã chuyển qua làm cố vấn chính trị, nói: “Chính quyền hiểu họ cần ghi được nhiều điểm chính trị lớn trước ngày bầu cử. Giải pháp là kỷ luật các lãnh đạo vùng và tuyên án tù nhiều năm”.

Trung Trực (theo Newsweek)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư Tô Lâm: Công an phải thật sự trở thành 'điểm tựa bình yên của nhân dân'
4 giờ trước Theo dòng thời sự
Tối qua 18.1, tại nhà hát Hồ Gươm (Hà Nội), Tổng Bí thư Tô Lâm đã dự chương trình giao lưu nghệ thuật chính luận “Sống trong lòng dân”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Ông Putin cho bắt quan tham có súng dát vàng