Việc Tổng thống Nga Vladimir Putin để ngỏ khả năng sửa đổi Hiến pháp - nhằm hạn chế thời hạn giữ chức tổng thống - đã khiến có sự diễn giải rằng ông lên kế hoạch kéo dài thời gian cầm quyền của ông đến vĩnh viễn, trong khi cũng có ý kiến ông sẽ không muốn tái tranh cử.

Ông Putin sẽ là Tổng thống vĩnh viễn nếu sửa đổi Hiến pháp Nga?

Mỹ Trinh | 22/12/2019, 06:27

Việc Tổng thống Nga Vladimir Putin để ngỏ khả năng sửa đổi Hiến pháp - nhằm hạn chế thời hạn giữ chức tổng thống - đã khiến có sự diễn giải rằng ông lên kế hoạch kéo dài thời gian cầm quyền của ông đến vĩnh viễn, trong khi cũng có ý kiến ông sẽ không muốn tái tranh cử.

Ông Putin từng là Tổng thống Nga từ năm 2000 đến 2008, tiếp đó làm Thủ tướng (dưới thời Tổng thống Dmitri Medvedev) đến năm 2012 rồi lại trúng cử Tổng thống. Đến tháng 5.2018, ông tiếp tục tranh cử và lại trúng cử tổng thống.

Hiến pháp Nga hiện cấm bất kỳ ai làm tổng thống hơn hai nhiệm kỳ liên tiếp, và đã có những đồn đoán, “chuyện lạ sẽ xảy ra”, khi nhiệm kỳ hiện nay của ông Putin sẽ kết thúc vào năm 2024.

Trong cuộc họp báo cuối năm 2019 hôm 19.12, nhà lãnh đạo Nga nói: “Vị công bộc khiêm nhu của quývị đã phục vụ hai nhiệm kỳ liên tiếp, rồi rời khỏi chức vụ. Nhưng quyền Hiến pháp cho phép quay lại chức danh Tổng thống, vì hai nhiệm kỳ đó không liên tiếp. Điều khoản này gây rắc rối cho các nhà phân tích chính trị của chúng ta và cho dư luận. Vậy thì có thể hủy bỏ điều khoản rắc rối đó”.

Tuyên bố của ông Putin gần như gây ra tranh luận lập tức. Một số người diễn giải đó là dấu hiệu ông muốn kéo dài quyền lực một cách vĩnh viễn, trong khi những người khác nói ý ông là ông sẽ thôi chức tổng thống khi mãn nhiệm kỳ vào năm 2024.

Vệ binh Tổng thống giữ gìn bản Hiến pháp Liên bang Nga- Ảnh: Điện Kremlin

Báo Moscow Times đã tổng hợp ý kiến của các chuyên gia chính trị hàng đầu ở Nga.

Ông Yevgeny Minchenko, chủ nhiệm Viện Quốc tế chuyên đề Chính trị, nói: “Với Putin, có hay không có điều khoản “hai nhiệm kỳ liên tiếp” đều không quan trọng. Tôi không thấy có sự liên quan giữa việc ông ấy nói sửa Hiến Pháp với khả năng đề cử Thủ tướng Dmitry Medvedev làm Tổng thống từ năm 2024. Thực tế, Putin nói ông ấy không tính có thêm một nhiệm kỳ tổng thống mới. Tuy nhiên, vẫn có thể có các kịch bản khác để ông ấy tiếp tục nắm quyền lực. Ví dụ, ông ấy có thể quay lại chính phủ và mở rộng quyền hạn của quốc hội, hoặc trở thành lãnh đạo của một hội đồng nhà nước”.

Bà Tatiana Stanovaya, người lập dự án phân tích chính trị R.Politik và là một thành viên Trung tâm Carnegie Moscow: “Vào lúc này, sửa đổi Hiến pháp là không thể tránh. Nếu Putin tiếp tục là tổng thống, thì phải sửa đổi thời hạn nhiệm kỳ. Nếu ông ấy thôi làm tổng thống, thì sẽ có những đề nghị lập một cơ cấu chính phủ khác, nơi mà Putin có thể tìm được một chỗ trong đó. Không ai có thể kỳ vọng Putin nói ra chuyện này quá sớm. Dù gì thì ông ấy vẫn còn 5 năm nữa mới mãn nhiệm kỳ. Nhưng vì cuộc tranh luận đã bắt đầu, và vẫn chưa biết hướng của việc tranh luận này đi tới đâu”.

Ông Andrei Kolesnikov, chủ nhiệm Chương trình Các thể chế chính trị và Chính trị nội địa Nga (thuộc Trung tâm Carnegie Moscow): “Việc dễ nhất là sửa Hiến pháp. Cơ chế này đã khởi động theo kiểu “thử nghiệm”. Khi nói chung chung về điều khoản “hai nhiệm kỳ liên tiếp”, có thể ông ấy đã ám chỉ việc dở bỏ những hạn chế đối với chính ông ấy. Ngay cả nếu như ông ấy chính thức từ chức, không ai tin vào một cuộc ra đi vĩnh viễn, vì công dân Nga đã quen sống với Putin suốt hai thập niên. 30 năm không khắc 20 năm. Những kỳ vọng đã giảm thiểu, có đấy một ý muốn thay đổi, nhưng không ai nín thở vì nó, do Putin được ghi nhận không phải là một nhà cách tân có tư tưởng tự do, cũng không là một nhà lãnh đạo bạo tàn chỉ chuyên ra lệnh”.

Ông Mikhail Vinogradov, Chủ tịch Hội Chính trị St. Petersburg: “Năm 2012, Putin đã nói ông ấy không phản đối ý tưởng xóa bỏ điều khoản đó trong Hiến pháp. Hồi ấy, những từ ngữ đó không dẫn đến bất kỳ hành động nào, nên chúng ta ngày nay chớ nên xem đó là chuyện lớn. Về mặt kỹ thuật, trong trường hợp luật này được thông qua, sự hạn chế chỉ có hiệu lực trong nhiệm kỳ thứ ba của Medvedev và trong nhiệm kỳ thứ năm giả định của Putin vào năm 2030. Nhưng thực tế là Putin vô tình đề cập đến vấn đề này mà không nói bất kỳ điều gì cụ thể”.

Ông Konstantin Kostin, Chủ tịch Hội Phát triển Xã hội Dân sự: “Tổng thống đã đưa ra hai hướng mà Hiến pháp có thể sửa đổi, và lần đầu tiên ông ấy nói cụ thể: Tái phân phối quyền lực nghiêng về quốc hội, và hủy bỏ điều khoản thời hạn nhiệm kỳ. Vế sau này chỉ là một sửa đổi hình thức. Nhưng toàn bộ cuộc tranh luận này có ý nghĩa, vì tổng thống đã để ngỏ khả năng bàn việc sửa đổi Hiến pháp”.

Ông Grigorii Golosov, Chủ nhiệm khoa chính trị thuộc Đại học Châu Âu (ở thành phố St. Petersburg: “Theo tôi, tuyên bố của Putin về việc bỏ chữ “liên tiếp” liên quan hai nhiệm kỳ tổng thống đã ghi trong Hiến pháp là lời bóng gió, rằng ông ấy sẽ đề cử Medvedev làm tổng thống từ năm 2024. Nếu điều đó xảy ra, Putin sẽ có ảnh hưởng không chính thức, và tôi đoán chắc ông ấy sẽ có một quyền thế chính thức đáng kể. Nếu Medvedev trở thành tổng thống, Putin sẽ có ưu thế đáng kể để bảo vệ quyền lực cho chính ông ấy và kiểm soát Medvedev, như ông ấy đã làm hồi trước”.

Mỹ Trinh (theo Moscow Times)
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển mạnh mẽ, bền vững Việt Nam-Malaysia
3 phút trước Sự kiện
Phó thủ tướng, Chủ tịch đảng UMNO, Dr. Ahmad Zahid Hamidimong muốn hai bên tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa quan hệ trên cả kênh nhà nước và kênh đảng trong năm 2025 khi Malaysia là Chủ tịch ASEAN.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Ông Putin sẽ là Tổng thống vĩnh viễn nếu sửa đổi Hiến pháp Nga?