Tuần qua, Đặc phái viên Mỹ phụ trách vấn đề Triều Tiên Stephen Biegun lần lượt công du Hàn Quốc, Nhật Bản và Trung Quốc.
Không rõ liệu ông Biegun có bí mật tiếp xúc với quan chức Triều Tiên hay không. Tuy nhiên đến nay chính quyền Bình Nhưỡng vẫn giữ im lặng trước hàng loạt lời kêu gọi khôi phục đàm phán.
Ba chuyến công du nêu trên diễn ra giữa lúc Nga - Trung hối thúc nới lỏng trừng phạt cho Triều Tiên như biện pháp duy trì đối thoại. Các nhà lãnh đạo Nhật, Hàn, Trung dự kiến gặp nhau vào tuần tới, vấn đề Triều Tiên chắc chắn có trong chương trình nghị sự.
Chuyên gia Jenny Town thuộc tổ chức nghiên cứu 38 North lưu ý rằng: “Khá đáng sợ khi giới chức ngoại giao cấp cao của Triều Tiên tuần qua chẳng đưa ra tuyên bố gì. Thái độ im lắng làm cho tôi thấy lo lắng”.
Nhà lãnh đạo Kim Jong-un vào tháng 4 tuyên bố chỉ chờ đợi chính quyền Washington thay đổi lập trường đến cuối năm nay. Thứ trưởng Ngoại giao Triều Tiên Ri Thae-son gần đây còn đe dọa “tặng quà Giáng sinh” tùy theo lựa chọn của Mỹ, theo sau đó là hai vụ thử nghiệm “quan trọng” tại bãi phóng Sohae.
Viễn cảnh tình hình căng thẳng trở lại trong năm 2020 khiến giới chính trị, ngoại giao lẫn các nhà phân tích tranh luận tìm cách cứu vãn. Hôm 18.12 có 4Thượng nghị sĩ đảng Dân chủ (Mỹ) viết thư kêu gọi Tổng thống Donald Trump tìm kiếm một thỏa thuận tạm thời nhằm ngăn Triều Tiên tái khởi động chương trình phát triển vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo, kết hợp giảm sức ép từ trừng phạt.
Trong khi đó, tổ chức nghiên cứu Foundation for Defense of Democracies lại ủng hộ đường lối cứng rắn: tăng trừng phạt, tấn công mạng cùng với mở chiến dịch truyền thông chống lại Triều Tiên.
Cẩm Bình (theo Reuters)