Không giống các lãnh đạo tiền nhiệm, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tránh dùng người từ các phe phái, thay vào đó, ông lựa chọn các đồng nghiệp hoặc bạn bè cũ để xây dựng ê-kip trợ lý thân tín.
Tờ Thời báo Hoa Nam buổi sáng đã đăng tải một bài viết về cách lựa chọn hàng ngũ thân cận của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Khác với 2 người tiền nhiệm, ông Tập lựa chọn đội ngũ này từ những trợ lý thân cận và đồng nghiệp cũ, những người ông lần đầu tiên gặp mặt khi đảm nhận các công việc khác nhau trước khi trở thành "người quyền lực nhất Trung Quốc". Theo đánh giá, cách lựa chọn như vậy sẽ giúp ông Tập có thể tuyển chọn được những người đáng tin cậy hơn các đồng minh bè phái hoặc có tham vọng lớn hoặc mắc "món nợ chính trị" người nào khác.
Theo bài báo, trước đây, các Chủ tịch Trung Quốc như ông Giang Trạch Dân hay Hồ Cẩm Đào thường xây dựng quyền lực từ các phe phái mà họ lựa chọn. Ông Hồ Cẩm Đào được cho là có quan hệ với "Phe Đoàn Thanh niên" đầy quyền lực, trong khi ông Giang Trạch Dân từng là người đứng đầu "Phe Thượng Hải .
Dù ông Tập từng đôi lần được cho là người đứng đầu "Phe Thái tử", gồm con của các quan chức cấp cao Trung Quốc trước đây, nhưng thực tế cho thấy những đồn đoán này là không có cơ sở. Theo nhà phân tích chính trị Zhang Lifan, ông Tập Cận Bình có quãng thời gian ngắn làm việc ở Thượng Hải trước khi vào Trung ương. Tuy nhiên, ê-kip trợ lý thân tín của Chủ tịch Tập Cận Bình được lựa chọn từ những bạn bè và quan chức trong quãng thời gian ông làm việc ở các tỉnh nhỏ như Phúc Kiến hay Chiết Giang.
"Ông ấy không thuộc về bất cứ phe phái nào và cũng thiếu sự ủng hộ từ những căn cứ quyền lực như Bắc Kinh hay Thượng Hải trong quãng thời gian trước đây. Do vậy, ông ấy cần sự ủng hộ từ những người của chính mình", ông Zhang nhận xét.
Tuy nhiên, việc thiếu các yếu tố như lời ông Zhang nhận xét dường như không cản trở được ông Tập. Không lâu sau khi đảm nhận chức Tổng bí thư đảng Cộng sản Trung Quốc vào tháng 11.2012 và Chủ tịch nước vào tháng 3.2013, ông Tập Cận Bình nhanh chóng thực hiện các biện pháp để chứng tỏ quyền lực.
Theo chuyên gia Zhang, ông Tập sử dụng các hình thức như thăng chức, giáng chức và nghiêm trị các quan chức vi phạm kỷ luật để xây dựng sự ủng hộ chính trị dành cho mình. Chỉ 3 năm sau kể từ khi đảm nhận chức vụ quan trọng, ông Tập Cận Bình đã bổ nhiệm các đồng nghiệp cũ từ tỉnh Phúc Kiến, Chiết Giang, Thượng Hải hay Đại học Thanh Hoa để đảm nhận các vị trí quan trọng phụ trách chính sách kinh tế, tuyên truyền, nhân sự hay an ninh.
Nhiều người trong số các quyết định bổ nhiệm nêu trên đã trở thành người đứng đầu 7 cơ quan trung ương chính mà ông Tập thường sử dụng để điều hành đảng, Nhà nước, kinh tế hay quân đội Trung Quốc. Theo đánh giá, các nhóm này có quyền lực hơn gần như tất cả các bộ ban ngành trong chính phủ Trung Quốc hiện nay.
"Bất cứ nhà lãnh đạo Trung Quốc nào đều coi trọng sự trung thành chính trị và sử dụng người mà họ tin tưởng. Tuy nhiên, ông Tập Cận Bình thậm chí còn coi trọng việc đó hơn", ông Chen Daoyin, Phó Giáo sư tại khoa Chính trị Khoa học và Luật thuộc Đại học Thượng Hải, nhận xét.
Các cố vấn và đồng nghiệp khác của Chủ tịch Tập Cận Bình cũng được bổ nhiệm làm cấp phó ở các bộ ban ngành khác. Ông Andrew Naphan, chuyên gia phân tích khoa học chính trị ở Đại học Columbia của Mỹ, đánh giá, đó đều là những ủy ban hay cơ quan quan trọng, thực hiện công việc tham mưu, chứ không phải là những "bù nhìn" hay “ngồi mát ăn bát vàng”. Họ có vai trò rất quan trọng, đôi khi còn là người đại diện cho quan điểm của ông Tập, chuyên gia này đánh giá.
Giới phân tích cũng cho rằng, từ góc nhìn của ông Tập, những người đó có thể chưa có bề dày kinh nghiệm đối với các công việc trong chính phủ nhưng đổi lại họ khiến ông tin tưởng.
"Họ có thể chưa quen với cách làm việc tại các cơ quan đó. Tuy nhiên, họ sẵn sàng đảm nhận vị trí mới và làm theo sự phân công của ông Tập. Sở dĩ ông thăng tiến nhanh cho họ, vì ông Tập muốn đảm bảo có đủ người tại các cơ quan cấp bộ trước khi Đại hội Đảng lần thứ 19 diễn ra vào năm sau", ông Nathan nói.
Theo Ngọc Anh/Dân Trí