Ngày 4.3, ông Luiz Inacio Lula da Silva, cựu tổng thống Brazil đã bị bắt giữ để thẩm vấn, trong một cuộc điều tra vụ đưa-nhận hối lộ “khủng”.
Việc ông Lula bị cảnh sát thẩm vấn là diễn tiến ầm ĩ nhất trong cuộc điều tra 2 năm qua về vụ tai tiếng tham nhũng ở Tập đoàn Dầu khí quốc gia Petrobras. Cơ quan công tố nói hơn 2 tỉ UDS đã được chi để đút lót, nhằm giúp Petrobras trúng được nhiều hợp đồng. Một số tiền đã đến tay các đảng chính trị, trong đó có đảng Công nhân cầm quyền của ông Lula.
Cựu Tổng thống Brazil bị bắt giữ tại nhà ông ở ngoại ô Sao Paulo, nhưng ông được thả sau 3 giờ thẩm vấn tại trụ sở cảnh sát ở một sân bay.
Cuộc điều tra đe dọa làm mờ nhạt di sản của vị chính khách quyền lực nhất Brazil. Ông Lula, 70 tuổi, xuất thân từ thành phần lao động. Ông dựa vào sự tăng trưởng kinh tế của đất nước để vạch ra chương trình giảm nghèo giúp hơn 30 triệu dân thoát nghèo, trong thời gian ông làm tổng thống từ năm 2003 đến năm 2010.
Các chương trình này khiến người dân tôn vinh ông là anh hùng dân tộc. Nó từng giúp đảng Công nhân cánh tả củng cố vị thế từ khi nắm quyền lực hồi 13 năm trước.
Làm tổng thống, “hưởng lộc” trái phép
Nhưng các nhà điều tra nói đa phần vụ tai tiếng tham nhũng ở Tập đoàn Dầu khí quốc gia Petrobras xảy ra trong giai đoạn ông Lula làm tổng thống.
Cảnh sát nói các bằng chứng cho thấy ông Lula đã thụ hưởng trái phép từ những vụ “lại quả” liên quan đến Petrobras, cụ thể là gia đình ông được giúp nâng cấp nhà sang trọng và ông nhận số tiền 30 triệu reai (tiền Brazil, tương đương 8,12 triệu USD)
Ngày 4.3, cảnh sát nói ông Lula và đương kim Tổng thống Dilma Rousseff là những người hưởng lợi chính trị chủ yếu, từ một kế hoạch dùng tiền nhận hối lộ làm quỹ cho các chiến dịch tranh cử của đảng Công nhân cầm quyền.
Các công tố viên liên bang cấp lệnh khám xét, nói có bằng chứng đích thân ông Lula nhận tiền từ đường dây đưa hối lộ của Petrobras, thông qua việc xây một ngôi nhà hạng sang bên bờ biển và một nhà nghỉ ở vùng quê.
Dù ông Lula phủ nhận, nhưng các công tố viên cho biết người bảo vệ tòa nhà, các kỹ sư và những nhà thầu nói tòa nhà hạng sang ở vùng Guaruj trị giá ít nhất 1 triệu reais (tương đương 270.000 USD) là của gia đình ông.
Các nhà điều tra cũng nói ông Lula nhận 2 nhà nghỉ trị giá 1,5 triệu reais, từ năm 2010 đến 2014.
Người giao 2 nhà nghỉ này là doanh nhân Jos Carlos Bumlai và các công ty xây dựng Odebrecht, OAS.
Đại diện Odebrecht nói công ty hợp tác với cuộc khám xét-tịch thu ở trụ sở công ty hôm 4.3, còn OAS từ chối bình luận.
Cảnh sát Brazil trước nhà của ông Lula |
Cảnh sát nói họ đã tiến hành hàng chục cuộc khám xét-bắt giữ trong cuộc điều tra mang tên “Chiến dịch rửa xe”, sau khi một cuộc điều tra một vụ “rửa tiền” nhỏ đã làm bùng phát cuộc điều tra có sự tham gia của 200 cảnh sát và 30 thanh tra ngành thuế.
Cảnh sát ra tuyên bố giải thích vụ bắt ông Lula: “Cựu tổng thống Lula, ngoài việc là thủ lĩnh đảng, là một trong những người phải chịu trách nhiệm về việc quyết định ai làm người lãnh đạo Pertrobras, và là một trong những người hưởng lợi từ sự phạm pháp này. Có bằng chứng sự phạm pháp luật giúp ông làm giàu, tài trợ cho các chương trình tranh cử và làm quỹ cho đảng chính trị của ông”.
Ông Lula bực tức, tuyên bố các nhà điều tra “không tôn trọng nền dân chủ”, điều hành cái mà ông gọi là “trò xiếc truyền thông” chứ không phải là một cuộc điều tra nghiêm túc.
Ông nói đây là một phần chiến dịch bôi nhọ uy tín của ông và của đảng ông cùng của bà Rouseff. Ông nói: “Sáng nay tôi cảm thấy mình như tù nhân” và ông khẳng định sự vô tội.
Bà Rousseff trong một lần thăm dàn khoan dầu của Petrobras |
Bà Rousseff bất mãn việc cảnh sát bắt giữ đàn anh của bà, nói đấy là điều không cần thiết, vì ông Lula tình nguyện làm chứng với cuộc điều tra.
Nhưng bà tái khẳng định sự ủng hộ cuộc điều tra tham nhũng, nói cuộc điều tra này phải tiếp tục cho đến khi trừng phạt được những kẻ vi phạm.
Ngày 3.3, giới truyền thông Brazil đưa tin thượng nghị sĩ Delcidio Amaral đã khai bà Rousseff và ông Lula “dính” vào vụ tham nhũng ở Petrobras. Thời điểm ấy ông Lula là tổng thống, bà Rousseff là quan chức cấp cao ở Petrobras.
Ông Amaral thuộc đảng Công nhân cầm quyền, là đồng minh của bà Rousseff, ông ta bị bắt hồi tháng 11.2015.
Tại cuộc họp báo ngày 4.3, bà Rousseff phủ nhận các chi tiết trong lời khai của Amaral. Bà nói những cáo buộc này thiếu độ tin cậy, nhằm gây ra tổn thất chính trị cho bà.
Theo thăm dò của Ipsos hôm 4.3, cứ 4 người được hỏi thì một người nói những sai phạm của ông Lula không thể so sánh với những điều tốt đẹp cho đất nước, trong khi một nửa số người được hỏi không chấp nhận suy nghĩ này.
Vụ bắt giữ ông Lula càng “quạt nóng” một cuộc khủng hoảng chính trị, đe dọa chính phủ Rousseff sụp đổ, theo Reuters.
Là người lập đảng Công nhân, ông Lula là nhân vật chính của những cuộc biểu tình phản đối người đòi luận tội bà Rousseff, nhiều tổ chức công đoàn mạnh nhân danh ông liên tục tổ chức các cuộc tuần hành.
Bằng chứng chống lại vị cựu tổng thống khiến cuộc điều tra tiến sát đến đương kim Tổng thống Rousseff, người được ông Lula giới thiệu làm người kế nhiệm, khi ông mãn nhiệm kỳ năm 2010.
Bà Rouseff đã liên tục khẳng định bà không làm gì sai phạm.
Vụ tham nhũng ở Petrobras đã khiến nhiều nghị sĩ và doanh nghiệp có quyền lực ở Brazil bị bắt. Ngày 3.3, Tòa án tối cao Brazil cho phép truy tố Chủ tịch Hạ viện Eduardo Cunha, một người muốn luận tội bà Rousseff.
Hiện phe chống bà Rousseff ở Quốc hội Brazil đang tìm cách luận tội bà Rouseff, với cớ bà cố tình vi phạm luật ngân sách, thao túng công quỹ để bà tái đắc cử tổng thống hồi năm 2014.
Bảo Vĩnh (theo AP, Reuters)