Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe chỉ cười nụ khi chứng kiến Tổng thống Mỹ Donald Trump đổ ụp hộp bột thức ăn cho bầy cá chép Koi trong hồ nước của Cung điện Akasaka.
Trong ngày thứ hai của chuyến công du châu Á, có vẻ ông Trump sốt ruột với việc xúc từng muỗng bột thức ăn cho bầy cá, nên ông đứng trút hết cả hộp xuống hồ, nơi mà nhiều lãnh đạo thế giới đã chiêm ngưỡng khi đến cung điện để gặp Nhật hoàng và hoàng hậu.
Các nhà báo tháp tùng Nhà Trắng đã dùng điện thoại thông minh để chụp lại hình ảnh này, trong lúc ông Abe và một phụ nữ mặc quốc phục kimono của Nhậtcười nụ, và Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson cũng cười,theo các nhân chứng cho biết.
Một số nhân chứng nói một nhân viên cung điện đã được phái đến để dọn dẹp “bãi đổ rác” của ông Trump, ngay sau khi ông và Thủ tướng Nhật Bản đi vào trong tòa lâu đài.
Theo trang web Aquascape, người nuôi cá chép Koi thường phạm sai lầm là cho đàn cá này ăn quá nhiều: “Việc này có thể làm cá của quí vị bị bệnhvà lượng phân cá thải nhiều gây hậu quả là chất lượng nước hồ bị giảm”.
Trong ngày thứ hai thăm Nhật, vợ chồng ông Trump đã diện kiến Nhật Hoàng Akihito và Hoàng hậu Michiko. Ông Trump chỉ cười và gật đầu chào Nhật hoàng, không như tiền nhiệm Barack Obama từng khom lưng cúi chào không đúng nghi thức của người Nhật, trong lần ông Obama thăm Nhật năm 2009.
Theo báo Guardian, Đệ nhất phu nhân Melania Trump khi ấy còn chưa rời khỏi chiếc xe bọc thép Quái vật, trong lúc chồng bà đang hỏi thăm hai vị chủ lâu đài ở cửa vào cung điện hoàng gia.
Đấy không phải lần đầu ông Trump bỏ mặc vợ phía sau. Có lẽ đó là lý do bà không cười, cho đến khi chủ - khách vào phòng khách nói chuyện. Theo nghi thức thì các nhà báo không được dự cuộc gặp này.
Sau đó, ông Trump ăn trưa và nói chuyện với Thủ tướng Abe. Trước đó, trong bữa ăn sáng 6.11, ông phàn nàn với ông Abevề chuyện Nhật quan hệ thương mại không bình đẳng với Mỹ, ngay trước một nhóm cử tọa là lãnh đạo các doanh nghiệp Nhật-Mỹ.
Tại bữa sáng: ông Trump tuyên bố: “Nhật thắng Mỹ về thương mại” vài chục năm qua, và ông hứa sẽ thúc đẩy một quan hệ đối tác “tự do và có qua có lại” theo một hướng thân thiện.
Trước cuộc gặp các lãnh đạo doanh nghiệp Nhật-Mỹ, ông Trump nói: “Mỹ chịu thâm thủng thương mại lớn vì Nhật Bản suốt nhiều năm qua”.
Ông cũng khen Nhật đã mua khí tài quân sự “tốt nhất thế giới” của Mỹ, nhưng nói thêm rằng Nhật Bản bán hàng triệu xe vào Mỹ, trong khi xe Mỹ không thể bán xe vào Nhật.
Ông nói: “Chúng tôi muốn thương mại có qua có lại và tự do, nhưng ngay lúc này, thương mại Mỹ-Nhật không tự do, không có qua có lại, và tôi biết sẽ là một quan hệ có qua có lại và tự do hơn. Chúng tôi đã bắt đầu tiến trình này. Chắc chắn nó sẽ diễn ra nhanh và theo một cách rất thân thiệt.
Vị lãnh đạo Mỹ cũng nói Washington muốn chuyển Mỹ thành một điểm thu hút để thu dụng, đầu tư và phát triển.
Theo Bộ Tài chính Mỹ, năm 2016, Nhật có mức thặng dư thương mại 69 tỉ USD với Mỹ. Mỹ cũng là đối tác thương mại lớn hàng thứ hai của Nhật, sau Trung Quốc, trong khi Nhật là thị trường xuất khẩu hàng hóa lớn hàng thứ tư của Mỹ trong năm 2016.
Các quan chức Nhật phản ứng với phàn nàn về thương mại của Mỹ, bằng cách lưu ý rằng trước đây, Nhật chỉ là một phần nhỏ hơn trong sự thâm thủng thương mại của Mỹ, trong khi sự mất cân bằng của Trung Quốc mới lớn hơn.
Tại cuộc họp báo, khi được hỏi về những bình luận của ông Trump, chánh văn phòng Chính phủ Nhật Yoshihide Suga nói: “Nhật đã giải thích phần chia sẻ của Nhật trong thâm thủng của Mỹ hiện chỉ là 9,3 %. Mặt khác, nguồn việc làm trực tiếp ở Mỹ khoảng 860.000, chủ yếu ở lĩnh vực sản xuất”.
Ở vòng đàm phán kinh tế thứ hai tại Mỹ hồi tháng 10, phó Tổng thống Mỹ Mike Pence cùng phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tài chính Nhật Taro Aso đã không thể xóa những bất đồng về vấn đề thương mại song phương.
Mỹ-Nhật vẫn bất đồng về cách tổ chức những cuộc nói chuyện khác về thương mại, như Nhật không chấp nhận Mỹ bàn luận về một thỏa thuận tự do song phương (FTA).
Ông Trump cũng nói một khung làm việc thương mại Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương sẽ có hiệu quả về thương mại hơn, so với Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) mà vị tiền nhiệm Obama của ông đã thúc đẩy. Ngay khi vừa nhậm chức, ông Trump đã tuyên bố Mỹ rút khỏi TPP.
Tuy nhiên, 11 nước tham gia TPP đang sắp đạt đến thỏa thuận này mà không cần Mỹ.
Mỹ cũng phàn nàn cơ chế bảo hộ của Nhật đối với thịt bò Mỹ nhập khẩu vào Nhật. Các nguồn tin cho Reuters hay: Nhật sẽ đề nghị những thay đổi để giảm sức ép của Mỹ.
Bích Ngọc (theo Guardian)