Trang Times of India cho biết Trung Quốc lo ngại Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Úc muốn thông qua việc tổ chức đối thoại chiến lược 4 bên để cùng hợp tác làm suy giảm ảnh hưởng quốc tế của Trung Quốc.
Tổ chức đối thoại 4 bên là ý tưởng của Nhật Bản. Ngoại trưởng Nhật Taro Kono cho biết đã từng đề cập ý tưởng này với hai người đồng cấp phía Mỹ và Úc vào tháng 8 vừa qua.
Thủ tướng Nhật Shinzo Abe dự kiến sẽ bàn bạc với Tổng thống Mỹ Donald Trump khi cả hai gặp nhau trong chuyến công du châu Á. Phía Ấn Độ cũng ngỏ ý sẵn sàng hợp tác trong “những chương trình nghị sự mà Ấn Độ có liên quan”, trang NDTV cho hay.
Trang Times of India cho biết cuộc đối thoại 4 bên này sẽ được tổ chức lần đầu tại Philippines, bên lề Hội nghị cấp cao ASEAN diễn ra ngày 13.11. Thủ tướng Ấn Độ Narenda Modi dự kiến sẽ đến tham gia hội nghị này.
Trả lời về chuyện này, Bộ Ngoại giao Trung Quốc mong rằng cuộc đối thoại 4 bên không được dùng để chống lại lợi ích của bất cứ bên thứ ba nào: "Trung Quốc có chú ý đến những thông tin liên quan. Chúng tôi mong việc hợp tác này (đối thoại 4 bên) giữa các quốc gia liên quan phù hợp với xu hướng thời đại, đó là hòa bình, phát triển, hợp tác và cùng có lợi cũng như phù hợp với viễn cảnh an ninh và phát triển chung.Hy vọng rằng nó sẽ có ích cho việc xây dựng niềm tin giữa các quốc gia và khu vực, đồng thời đảm bảo và phát triển hòa bình, thịnh vượng trong khu vực chứ không phải phá hoại lợi ích của bên thứ ba nào”.
Theo ông Liêm Đức Khôi, giáo sư nghiên cứu quan hệ quốc tế của đại học Ngoại ngữ Thượng Hải: “Nếu Mỹ, Nhật, Ấn và Úc có thể hợp tác và phát triển cơ sở hạ tầng và kinh tế cho các nước châu Á - Thái Bình Dương, họ được hoan nghênh. Nhưng nếu họ đưa các giá trị vào những vấn đề kinh tế và thể hiện định kiến và thái độ thù địch với các nước khác, họ sẽ không khiến cho khu vực ổn định”.
Giáo sư Liêm nhận định ý tưởng lập “bộ tứ” khó thực hiện, vì ngân sách Mỹ có hạn, Nhật Bản có khoản nợ lớn, Úc đang muốn tận dụng sự phát triển kinh tế của Trung Quốc, còn Ấn Độ cũng đang vất vả để trở thành một quốc gia phát triển.
Cũng theo vị giáo sư: “Nếu như họ vẫn giữ ý tưởng về một “chiến lược Ấn Độ Dương- Thái Bình Dương mở và tự do” thì các nước này sẽ bỏ lỡ những cơ hội phát triển quan trọng của kỉ nguyên này”.
Cẩm Bình (theo Times of India, NDTV)