Jeff Bezos (nhà sáng lập Amazon) đang cố gắng loại bỏ mối bất hòa với Tổng thống đắc cử Donald Trump và Elon Musk (Giám đốc điều hành SpaceX, Tesla).
Thế giới số

Ông Trump dùng bữa tối với 2 tỷ phú giàu nhất thế giới, Elon Musk nói ‘cuộc trò chuyện tuyệt vời’

Sơn Vân 22:16 19/12/2024

Jeff Bezos (nhà sáng lập Amazon) đang cố gắng loại bỏ mối bất hòa với Tổng thống đắc cử Donald Trump và Elon Musk (Giám đốc điều hành SpaceX, Tesla).

Jeff Bezos cùng vị hôn thê Lauren Sánchez đã dùng bữa tối (18.12) với ông Donald Trump và Elon Musk tại Mar-a-Lago (thuộc bang Florida, Mỹ). Mar-a-Lago là khu nghỉ dưỡng và câu lạc bộ tư nhân được xây dựng vào những năm 1920 bởi nữ doanh nhân giàu có Marjorie Merriweather Post. Ông Trump mua lại Mar-a-Lago năm 1985. Đây hiện vừa là nơi ở cá nhân của ông Trump vừa là câu lạc bộ thành viên dành cho giới thượng lưu.

Trump trước đó nói với chương trình Meet the Press trên kênh NBC rằng ông và Jeff Bezos dự định sẽ ăn tối cùng nhau.

Elon Musk, tỷ phú giàu nhất thế giới với tài sản ròng 458 tỉ USD, cũng tham dự sự kiện này, mô tả trên mạng xã hội X rằng đó là một "cuộc trò chuyện tuyệt vời".

ong-trump-dung-bua-toi-voi-2-ty-phu-giau-nhat-the-gioi-elon-musk-goi-do-la-cuoc-tro-chuyen-tuyet-voi-.jpg
Jeff Bezos cùng Lauren Sánchez đã dùng bữa tối với ông Donald Trump và Elon Musk tại Mar-a-Lago - Ảnh chụp màn hình

Sở hữu Blue Origin - công ty tên lửa cạnh tranh với SpaceX, Jeff Bezos là nhân vật công nghệ mới nhất cố gắng làm hòa hoặc tạo mối quan hệ tốt đẹp với ông Trump những tuần gần đây.

Mark Zuckerberg (Giám đốc điều hành Meta Platforms), Sundar Pichai (Giám đốc điều hành Google), Tim Cook (Giám đốc điều hành Apple), Masayoshi Son (Giám đốc điều hành SoftBank), Ted Sarandos (Giám đốc điều hành Netflix) đều đã gặp ông Trump tại Mar-a-Lago.

Không dừng lại ở việc gặp gỡ, họ còn tìm cách gây ấn tượng với ông Trump bằng những khoản quyên góp khổng lồ cho lễ nhậm chức Tổng thống Mỹ. Meta Platforms, Amazon và Sam Altman (Giám đốc điều hành OpenAI) đều đã đóng góp 1 triệu USD cho quỹ nhậm chức Tổng thống Mỹ của ông Trump.

Jeff Bezos có mối quan hệ không mấy tốt đẹp với cả ông Trump và Elon Musk trong quá khứ.

Trong nhiệm kỳ Tổng thống Mỹ đầu tiên, ông Trump thường xuyên chỉ trích Amazon và phản đối các bài viết mang tính chính trị trên The Washington Post, tờ báo thuộc sở hữu của Jeff Bezos.

Jeff Bezos cũng nhiều lần phê phán các phát ngôn của ông Trump trong quá khứ. Năm 2019, Amazon từng đưa ra lập luận trong một vụ kiện rằng ông Trump đã làm ảnh hưởng đến cơ hội của họ trong việc giành hợp đồng trị giá 10 tỉ USD từ Bộ Quốc phòng Mỹ, cuối cùng thuộc về Microsoft.

Tuy nhiên, tỷ phú giàu thứ hai thế giới đã ca ngợi Trump vì phản ứng của ông sau vụ ám sát hụt hôm 13.7. Tại hội nghị DealBook của tờ The New York Times ở thành phố New York (Mỹ) đầu tháng 12, nhà sáng lập Amazon bày tỏ sự lạc quan về nhiệm kỳ thứ hai của ông Trump và ủng hộ kế hoạch cắt giảm các quy định của chính quyền mới.

Jeff Bezos từng đấu khẩu với Elon Musk, người sẽ đóng vai trò tích cực trong chính quyền Trump sau khi quyên góp hơn 200 triệu USD cho các nhóm vận động ủng hộ đảng Cộng hòa trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ.

Elon Musk viết trên X vào tháng 11 rằng "Jeff Bezos đã nói với mọi người rằng họ nên bán cổ phiếu Tesla và SpaceX vì ông Trump sẽ thua trong cuộc bầu cử", điều mà người sáng lập Amazon gọi là "hoàn toàn không đúng sự thật".

Blue Origin cạnh tranh với SpaceX để giành được các hợp đồng béo bở từ NASA (Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ) và liên bang.

Trước cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ hôm 5.11, William Lewis (Giám đốc điều hành Washington Post) bất ngờ tuyên bố tờ báo này sẽ không ủng hộ bất kỳ ứng viên nào cũng như trong tương lai.

Jeff Bezos hôm 28.10 cho biết đây là "quyết định có nguyên tắc" của Washington Post và phủ nhận rằng điều này có liên quan đến lợi ích cá nhân.

Trong bài viết đăng trên trang web của Washington Post, Jeff Bezos lập luận rằng với niềm tin vào các phương tiện truyền thông đang giảm, cần có các bước để đối phó những cáo buộc về sự thiên vị.

"Thực tế là việc ủng hộ các ứng cử viên Tổng thống Mỹ tạo ra nhận thức về thiên vị, một cảm giác rằng tờ báo thiếu đi tính độc lập. Việc chấm dứt điều này là một quyết định có nguyên tắc. Tôi ước chúng tôi đã thực hiện thay đổi sớm hơn, vào thời điểm xa hơn cuộc bầu cử và những cảm xúc xung quanh nó. Đó là kế hoạch không đầy đủ và không phải là một chiến lược có chủ đích", ông viết.

Jeff Bezos trích dẫn một cuộc thăm dò trước đó của công ty nghiên cứu toàn cầu Gallup cho thấy số lượng người tin tưởng vào truyền thông đạt mức thấp kỷ lục.

Trong suốt 40 năm qua, ban biên tập Washington Post đã ủng hộ tất cả ứng cử viên thuộc đảng Dân chủ. Tuy nhiên lần này, Washington Post quyết định không ủng hộ bất kỳ ứng cử viên nào vì đây là một cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ rất căng thẳng và gây chia rẽ.

Jeff Bezos nói rằng báo chí cần phải chính xác, nhưng cũng phải được độc giả coi là chính xác. "Chúng ta phải nỗ lực hơn để kiểm soát những gì có thể kiểm soát để tăng độ tin cậy", ông cho hay.

Ngoài ra, tỷ phú 60 tuổi người Mỹ nói rằng việc một tờ báo ủng hộ ứng cử viên Tổng thống Mỹ cũng không có ý nghĩa nhiều.

Jeff Bezos bác bỏ các cáo buộc rằng ông đưa ra quyết định vì lợi ích cá nhân, phủ nhận điều này liên quan đến cuộc gặp gỡ giữa Dave Limp - Giám đốc điều hành Blue Origin và ông Trump vào ngày Washington Post thông báo quyết định hôm 25.10.

"Tôi cũng muốn nói rõ rằng không có bất kỳ sự trao đổi lợi ích nào ở đây. Quyết định này được đưa ra một cách độc lập và không có sự trao đổi, thông báo hay thảo luận với bất kỳ chiến dịch tranh cử hay ứng cử viên nào", tỷ phú giàu thứ hai thế giới viết.

Jeff Bezos cho biết quyết định trên không phải là "sự trao đổi lợi ích" để lấy lòng ông Trump. Nhà sáng lập Amazon nói rằng Dave Limp đã tình cờ gặp ông Trump hôm 25.10.

"Tôi thở dài khi biết điều này, vì biết rằng nó sẽ bị những người phản đối diễn giải theo hướng tiêu cực, như thể đó là quyết định do lợi ích cá nhân thay vì dựa trên nguyên tắc", ông viết.

Mua lại tờ Washington Post với giá 250 triệu USD vào năm 2013, Jeff Bezos sở hữu hàng loạt các công ty khác, trong đó một số hãng có hợp đồng lớn với chính phủ Mỹ.

Quyết định ngừng ủng hộ bất cứ ứng cử viên Tổng thống Mỹ nào của Washington Post đã gặp phải sự chỉ trích từ nhiều người, gồm cả các độc giả của chính tờ báo.

"Trong nhiệm kỳ này, ai cũng muốn làm bạn với tôi"

Nhiều lãnh đạo doanh nghiệp từ Hollywood, Thung lũng Silicon đến Phố Wall đều đã cố gắng thu xếp các cuộc gặp nhằm xây dựng mối quan hệ tốt đẹp với ông Trump trước nhiệm kỳ Tổng thống Mỹ thứ hai của ông.

"Trong nhiệm kỳ đầu tiên, tất cả đều chống lại tôi. Song trong nhiệm kỳ này, ai cũng muốn làm bạn với tôi", ông Trump nói hồi đầu tuần.

Tổng thống đắc cử Mỹ nhắc đến bữa tối và cuộc gặp gỡ với các giám đốc điều hành. Ông Trump tiết lộ: "Tôi đã ăn tối với hầu hết bọn họ, và những người còn lại cũng đang trên đường tới".

Jason Miller, cố vấn cấp cao của Tổng thống đắc cử Mỹ, cho rằng các giám đốc điều hành đang thể hiện thiện chí hợp tác với chính quyền mới, dù trước đây không ủng hộ ông Trump về mặt chính trị. "Sắp tới sẽ có thêm nhiều giám đốc điều hành trong nước và cả quốc tế", Jason Miller nói.

Marc Benioff, Giám đốc điều hành hãng phần mềm Salesforce, cho rằng chính quyền mới của ông Trump dường như quan tâm đến các vấn đề trọng tâm của ngành hơn so với chính quyền Joe Biden.

Marc Benioff nói: "Nếu tận dụng sức mạnh và chuyên môn của những người giỏi nhất Mỹ để tạo ra điều tốt nhất cho đất nước, đó sẽ là một tầm nhìn tuyệt vời", đồng thời đề cập đến sự tham gia của Elon Musk trong chính quyền Trump thứ hai.

Ông Trump đã chọn Elon Musk và doanh nhân Vivek Ramaswamy lãnh đạo Bộ Hiệu quả Chính phủ, nơi đề xuất việc tinh gọn bộ máy chính phủ để giảm thâm hụt ngân sách.

Các giám đốc điều hành đều có những động cơ riêng khi gặp ông Trump.

Shou Zi Chew, Giám đốc điều hành TikTok, đã đến gặp ông Trump vào ngày 16.12. Shou Zi Chew đang tìm kiếm sự ủng hộ từ Tổng thống đắc cử trong bối cảnh luật do ông Biden ký ban hành hồi tháng 4 yêu cầu ByteDance (chủ sở hữu TikTok) phải thoái vốn khỏi TikTok ở Mỹ trước ngày 19.1.2025, một ngày trước khi ông Trump chính thức nhậm chức.

Lãnh đạo Apple, Google và Meta Platforms đến gặp ông Trump với kỳ vọng được hoạt động trong một môi trường pháp lý thuận lợi hơn. Nhiều doanh nghiệp cũng đặt niềm tin ông Trump sẽ đảo ngược lại các chính sách của ông Biden, nhất là vấn đề thuế và chống độc quyền.

Jason Miller cho biết chính quyền mới sẽ nhanh chóng bãi bỏ nhiều quy định, gồm cả mở rộng khai thác dầu khí và cắt giảm thuế, để cải thiện môi trường kinh doanh.

Ông Trump từng tuyên bố sẽ hủy bỏ lệnh về AI mà Tổng thống Biden ký năm 2023, cam kết bảo vệ quyền lợi và an toàn cho người dân nhưng không cản trở đổi mới công nghệ.

Doug Burgum, Thống đốc bang North Dakota được ông Trump đề cử làm lãnh đạo Bộ Nội vụ Mỹ, nói hồi tháng 11 rằng cuộc đua AI ảnh hưởng đến mọi lĩnh vực từ quốc phòng, y tế, giáo dục cho đến năng suất quốc gia.

"Công nghệ AI ra mắt trong 18 tháng tới sẽ mang tính cách mạng. Vì vậy, chính quyền Trump nhận thức rõ tính cấp bách và có đủ hiểu biết để giải quyết vấn đề này", Doug Burgum phát biểu.

Bài liên quan
Meta của Mark Zuckerberg chi tiền lấy lòng ông Trump trước nguy cơ bị Elon Musk trả thù
Meta Platforms đã quyên góp 1 triệu USD cho quỹ nhậm chức của ông Donald Trump khi gã khổng lồ truyền thông xã hội này thực hiện các bước để cải thiện mối quan hệ với Tổng thống đắc cử Mỹ, theo trang The Wall Street Journal.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư Tô Lâm tiếp đoàn kiều bào tiêu biểu tham dự chương trình 'Xuân quê hương 2025'
5 phút trước Sự kiện
Chiều 19.1, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Tô Lâm đã tiếp đoàn 100 kiều bào tiêu biểu tham dự chương trình "Xuân quê hương 2025" do Ủy ban Nhà nước về Người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao tổ chức.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Ông Trump dùng bữa tối với 2 tỷ phú giàu nhất thế giới, Elon Musk nói ‘cuộc trò chuyện tuyệt vời’