Doanh nhân trẻ có sức mạnh của họ, còn thế hệ tôi cũng có những lợi thế của mình”, Chủ tịch FPT Trương Gia đã có cuộc trò chuyện trước Ngày Doanh nhân Việt Nam (13.10) năm nay.

Ông Trương Gia Bình nói về phẩm chất viển vông của chính mình

06/10/2014, 16:41

Doanh nhân trẻ có sức mạnh của họ, còn thế hệ tôi cũng có những lợi thế của mình”, Chủ tịch FPT Trương Gia đã có cuộc trò chuyện trước Ngày Doanh nhân Việt Nam (13.10) năm nay.

Hai mặt của đồng xu
Theo đánh giá của ông, những tố chất nào một doanh nhân cần có để thành công, và tố chất nào là quan trọng nhất?
Gần đây, tôi có tham gia vào hội đồng bình xét giải thưởng “EY - Bản lĩnh doanh nhân lập nghiệp”. Phải nói rằng các tiêu chí về doanh nhân của cuộc thi này là rất khoa học, nó xác định đầy đủ các thành tố như tinh thần doanh nhân, định hướng chiến lược, tài chính lành mạnh, ảnh hưởng cộng đồng và quốc tế, tư duy đổi mới, chính trực.
Trong các tiêu chuẩn đó thì một số tiêu chuẩn mang tính điều kiện như chính trực, minh bạch, tình hình tài chính lành mạnh… hiển nhiên phải đáp ứng.
Nhưng theo tôi, phẩm chất một doanh nhân tiêu biểu phải có 3 tiêu chí quan trọng, đó chính là khát vọng, hoài bão và vượt khó.
Ngày nay, tôi cho rằng bản lĩnh doanh nhân còn là tinh thần dám ra biển lớn, dám vượt trùng khơi. Đó không chỉ thể hiện ở việc tìm cơ hội tại những nước gần gũi với Việt Nam như ASEAN, mà còn phải tại các nước phát triển, thậm chí là các nước xa xôi như châu Phi.
Thứ nữa, doanh nhân phải có ảnh hưởng đến cộng đồng, trách nhiệm với xã hội. Nếu bạn cố gắng vì tiền bạc, danh vọng cho cá nhân thì chỉ là một mức. Điều quan trọng, theo tôi, phải đạt tới mức làm cho cuộc sống con người tốt đẹp hơn, đất nước giàu mạnh hơn, thế giới văn minh hơn.
Hiện nay, việc chọn ra một doanh nhân tiêu biểu của Việt Nam quả thật là khó khăn, bởi người đó phải là một tấm gương, có sức thuyết phục, tạo ra hiệu ứng lan tỏa cho tinh thần doanh nhân lập nghiệp ở Việt Nam.
Chúng ta rất mong muốn chọn một tấm gương mà họ sẵn sàng đứng dậy, bất kỳ khó khăn nào cũng không quật ngã được họ. Trong bối cảnh hội nhập quốc tế thành công của doanh nhân không ở quy mô một tỉnh, một quốc gia, mà phải có tầm ảnh hưởng trên toàn cầu.
Nói về những tiêu chí đó, sao ông lại làm giám khảo mà không đi thi?
Chắc là tôi còn phải phấn đấu nữa, chưa xứng đáng (cười).
"Hiện nay, việc chọn ra một doanh nhân tiêu biểu của Việt Nam quả thật là khó khăn, bởi người đó phải là một tấm gương, có sức thuyết phục, tạo ra hiệu ứng lan tỏa cho tinh thần doanh nhân lập nghiệp ở Việt Nam".
Ông thấy tư duy cũng như khát vọng thế hệ doanh nhân thời ông với thế hệ trẻ có khác biệt gì lớn?
Thế hệ tôi sinh ra trong chiến tranh, điều kiện rất khó khăn. Trong khi thế hệ doanh nhân trẻ hiện nay (khoảng lứa tuổi 30) được sinh ra trong điều kiện đất nước đã đổi mới, cuộc sống đã đầy đủ hơn, họ có điều kiện học hành nhiều hơn.
Thế hệ chúng tôi có khát vọng, hoài bão rất lớn. Nhưng khát vọng, hoài bão không chỉ là lời nói, mà còn là ý chí vượt qua bất kỳ khó khăn nào, và nhất quán đi theo ý chí đó.
Thế hệ trẻ bây giờ thì thiên về cơ hội, làm giàu nhanh, thiên về vấn đề kỹ thuật. Họ có thể tính toán tài chính rất chính xác, họ có thể bàn về marketing rất chuyên nghiệp.
Khác biệt nữa là thế hệ sinh ra trong chiến tranh có tính tự lập rất cao, cho nên tư duy của chúng tôi về sinh tồn, khả năng vượt qua khó khăn là tốt. Trong khi đó các doanh nhân trẻ thiên về tư duy quản trị, được học trong các trường quản trị kinh doanh, họ có thể bàn về kế hoạch, chỉ số kinh doanh, chỉ số tài chính rất tốt.
Thế hệ tôi tiếp xúc với thế giới muộn, nên rất ít người thành thạo nói tiếng Anh, các ngoại ngữ khác. Trong khi các bạn trẻ bây giờ học rất nhiều bên Anh, Úc, Mỹ và các trường đào tạo tốt tiếng Anh… nên họ giao tiếp quốc tế rất tốt.
Trong khi thế hệ tôi thiên về giao tiếp với người Việt Nam, hiểu được người ta nghĩ gì, tìm mọi cách xây dựng mối quan hệ hài hòa để phát triển.
Hai thế hệ giống như hai mặt đồng xu, không có phẩm chất nào thiếu được. Doanh nhân trẻ có sức mạnh của họ, còn thế hệ tôi cũng có những lợi thế của mình.
Vậy trong FPT thì như thế nào?
Trong FPT có sự kết hợp giữa các bạn trẻ với thế hệ nhiều tuổi. Vừa rồi Đàm Quang Minh lên Hiệu trưởng Đại học FPT ở tuổi 35, nhưng nguyên hiệu trưởng, TS. Lê Trường Tùng, vẫn tiếp tục giữ chức vụ chủ tịch hội đồng quản trị của Trường, sự kết hợp ấy mang lại kết quả tốt.
Nhưng ở cấp tập đoàn, ban lãnh đạo FPT đa số thuộc về thế hệ đầu, ông tính toán bao lâu nữa sẽ có chuyển giao thế hệ?
Chuyển giao thế hệ là bài toán lớn, rất nhiều doanh nghiệp loay hoay lời giải này. Ở FPT, đứng đầu các đơn vị thành viên nói chung ở lứa tuổi 35-40 tuổi.
Lãnh đạo cấp tập đoàn có tuổi cao hơn, tuy nhiên vẫn có hai phó tổng giám đốc ở độ tuổi 40. Cấp tập đoàn ở tuổi đó là trẻ.
Giờ chỉ còn hai ghế chủ tịch và tổng giám đốc thì có khó khăn cần các bạn trẻ cần rèn luyện tiếp. Như tôi đã nói, thế hệ đầu có năng lực về quan hệ cấp cao.
Là người đứng đầu của tập đoàn FPT, bạn có thể gặp những tổng giám đốc các tập đoàn lớn như Hitachi hay Microsoft… Bạn có thể gặp thủ tướng một số nước khi xin giấy phép viễn thông, hay mở đại học… Trong những trường hợp như vậy, đối tác mình gặp cũng ở độ tuổi của tôi, chứ không trẻ hơn.
Cho nên ở các thế hệ tiếp theo cần có những trải nghiệm để thiết lập mối quan hệ với những người đứng đầu tập đoàn hàng đầu trên thế giới và các nhà lãnh đạo các quốc gia.
Các năng lực này phải tiếp tục được rèn luyện. Còn những phẩm chất khác thì cơ bản đạt được yêu cầu.
Trên Facebook cá nhân, ông Nguyễn Thành Nam - nguyên Tổng giám đốc FPT, mới đây có chia sẻ rằng phẩm chất lớn nhất của Trương Gia Bình là “cực viển vông”, nhưng anh ấy biết xắn tay để biến những điều “cực viển vông” thành hiện thực. Ông nghĩ gì về ý kiến này?
Anh Nam là bạn tôi từ khi còn học bên trường Lomonosov (Nga), khi đó anh Nam là nghiên cứu sinh. Hai anh em có lịch sử làm việc với nhau từ ngày đầu lập FPT cho đến bây giờ.
Anh Nam đã bắt được một số nét chính của tôi. Anh Nam dùng từ “viển vông”, nhưng đối với tôi là “thách thức”.
Khi FPT chưa làm được phần mềm, thì chúng tôi ước mơ xuất khẩu được trí tuệ Việt Nam. Khi chưa bắt tay vào xây dựng trường đại học, chúng tôi mong muốn đây là một trường quốc tế để hàng ngàn sinh viên quốc tế đến Việt Nam học. Mới nghe thì có vẻ bất thường.
Bây giờ, chúng tôi mong muốn dẫn đầu trong cuộc cách mạng S.M.A.C (mạng xã hội, di động, phân tích dữ liệu lớn, và điện toán đám mây). Anh Nam cho là có nét “viển vông” trong đó, cũng là một cách để nói về khát vọng, đối với tôi thì đó là thách thức phải vượt qua.
Dẫu có khó, nhưng hễ người Trung Quốc, Ấn Độ, Israel... làm được thì người Việt Nam cũng làm được. Mặc dù khó khăn chồng chất.
Đấy có phải là tinh thần FPT?
Thực sự đó là tinh thần của FPT!
FPT cần 10% nhân sự nước ngoài
Cách đây một năm, khi trả lời VnEconomy, ông có nói FPT phải “lột xác” để vượt lên? Nay, FPT đã và đang lột xác đến đâu?
Thế nào gọi là “lột xác”? Thứ nhất, tôi muốn FPT thực sự trở thành tập đoàn toàn cầu. Điều đó có nghĩa là doanh thu toàn cầu phải lớn hơn doanh thu trong nước. Doanh thu trong nước hơn 1 tỉ USD thì doanh thu toàn cầu phải lớn hơn như vậy.
Cho nên mục tiêu thách thức đầu tiên, đó là năm 2020, FPT phải có doanh thu từ thị trường nước ngoài đạt 1 tỉ USD.
Toàn cầu có nghĩa là FPT có cội nguồn Việt Nam, hay nói cách khác đa số nhân viên và lãnh đạo là người Việt Nam. Nhưng tập đoàn toàn cầu thì phải có tỷ trọng lãnh đạo, nhân viên nước ngoài. Hiện nay, FPT có 19.000 nhân viên, đồng nghĩa với việc trong tương lai cần 10% nhân sự là người nước ngoài, tương đương 2.000 nhân viên…
Mới đây, FPT có thương vụ mua công ty RWE IT Slovakia và đổi tên thành FPT Slovakia. Hiện chúng tôi có 400 nhân viên ở Slovakia. Đó là bước khởi đầu.
Về tỉ lệ lãnh đạo nước ngoài, trong hội đồng quản trị, FPT may mắn có sự tham gia của cựu chủ tịch, CEO Tập đoàn NTT Data (Nhật), ông Tomokazu Hamaguchi. Khi ông ấy lên làm tổng giám đốc, NTT Data mới có doanh thu xuất khẩu 1 triệu USD, nhưng hiện nay đã đạt trên 3 tỉ USD. Dần dần FPT phải có thêm nhiều người tầm cỡ như vậy nằm trong ban lãnh đạo tập đoàn cũng như các đơn vị.
Cái “lột xác” thứ hai là FPT phải có vị thế toàn cầu trong lĩnh vực công nghệ. Điều đó có nghĩa là FPT phải tiên phong trong công nghệ thông minh và dẫn đầu thế giới ở lĩnh vực dịch vụ dịch chuyển lên điện toán đám mây toàn cầu.
Để đứng thứ nhất một lĩnh vực nào đó trên thế giới là cực kỳ, cực kỳ khó khăn. Dẫu biết vậy, nhưng chúng tôi vẫn tự hỏi, tại sao không?
Cái “lột xác” thứ ba là đẳng cấp của công ty. Doanh thu năm nay của FPT dự kiến đạt khoảng 32 nghìn tỷ đồng. Vấn đề quy mô các hợp đồng, FPT phải hướng tới các hợp đồng có quy mô 3 chữ số, tức là giá trị một hợp đồng phải đạt tới 50 - 100 triệu USD. Những công ty quy mô lớn, đẳng cấp cao thể hiện trong quy mô các hợp đồng họ thực hiện.
Để làm được những việc mà các tập đoàn lớn đang làm đòi hỏi nhiều hơn vấn đề về công nghệ thông tin. Những tập đoàn lớn như IBM không chỉ am hiểu công nghệ, mà còn am hiểu tri thức ngành.
Họ phải biết hơn bác sỹ về ngành y, biết hơn các chuyên gia, kiến trúc sư giao thông về vấn đề quản lý hệ thống giao thông, họ biết hơn những chuyên gia ngành tài chính về hệ thống thuế, kho bạc, hải quan, ngân hàng… Phải am hiểu hơn thì mới có thể tư vấn được.
Hiện nay, FPT hoạt động chủ yếu vẫn ở Việt Nam, nên không thể lấy kinh nghiệm điện lực, y tế, tài chính, ngân hàng…của Việt Nam để triển khai các dự án cho các nước trên thế giới. Vì vậy, một trong những cách để giải quyết vấn đề này là mua bán sáp nhập (M&A) với những tập đoàn, công ty lớn đang phục vụ nhu cầu này trên toàn cầu.
Những “tướng” FPT cử ra nước ngoài “chiến đấu” phải có những tố chất nào, thưa ông?
Những tiêu chí chúng tôi chọn không khác nhiều so với tiêu chí bình chọn bản lĩnh doanh nhân lập nghiệp của EY nêu trên.
Đầu tiên của đầu tiên là khát vọng vươn ra thế giới, một khát vọng Việt Nam, đầy tinh thần tự tôn dân tộc, muốn đứng ngang hàng với các tập đoàn lớn trên thế giới, muốn có tiếng nói của mình.
Phẩm chất thứ hai là biến khát vọng thành hành động cụ thể, ngày đêm suy nghĩ tìm cách, vượt qua khó khăn, kết nối, thuyết phục, và không nề hà bất cứ việc gì.
Phẩm chất thứ ba là có khả năng tỏa sáng để tập hợp lực lượng, nhân tài.
Còn thước đo chung thì tính bằng độ tăng trưởng kinh doanh của đơn vị họ quản lý.
Dù có đủ phẩm chất như vậy mà kết quả kinh doanh không đạt mục tiêu thì có phải “thuyên chuyển” không, thưa ông?
FPT học tập kinh nghiệm của “chiến tranh nhân dân”, tức là về tương quan lực lượng giữa một bên rất mạnh, mạnh ngoài sự tưởng tượng và một bên là quyết tâm. Lời giải của “chiến tranh nhân dân” không phải là không hoàn thành nhiệm vụ bởi vì không nỗ lực mà vì chưa đạt đến tầm của công việc đó. FPT có công tác luân chuyển, bạn có thể tìm chỗ phù hợp với sức của bạn hơn.
Dù vậy, cho đến nay đa số những “chiến tướng” ở nước ngoài của FPT đều đạt được những thành tích đáng ca ngợi.
Nếu có một thông điệp hay nhắn nhủ cho các doanh nhân trẻ, ông sẽ nói gì?
Đọc sách và liên tục học hỏi.
Ngày hôm nay các bạn trẻ dành nhiều thời gian đọc thông tin trên Internet, nhưng thiếu sự lắng đọng của tri thức, tâm hồn và trí tưởng tượng. Tôi thấy nhiều bạn trẻ hiện nay lấy tốc độ làm trọng, đọc thật nhanh thì thiếu chiều sâu.
Các bạn nên liên tục học hỏi những gì xung quanh mình, học tư duy sáng tạo. Việc học hỏi làm cho tấm lòng mình luôn rộng mở.
Theo Duy Cường - VnEconomy
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư trao đổi chuyên đề 'Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam'
3 giờ trước Sự kiện
Chiều 25.11, tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Giáo sư, Tiến sĩ Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam trực tiếp trao đổi chuyên đề “Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Ông Trương Gia Bình nói về phẩm chất viển vông của chính mình