Người sáng lập kiêm CEO Facebook Mark Zuckerberg ngày 10.4 đã có phiên điều trần trước Thượng viện Mỹ về bê bối rò rỉ thông tin của hàng chục triệu người dùng liên quan đến Công ty Cambridge Analytica.
Mở đầu buổi điều trần, Zuckerberg một lần nữa xin lỗi vì để không bảo vệ tốt người dùng cùng dữ liệu của họ. Ông cho biết: “Đây là lỗi của tôi. Tôi xin lỗi. Tôi sáng lập và vận hành Facebook, và chịu trách nhiệm cho những gì đang xảy ra.
Trong suốt 5 tiếng điều trần sau đó, CEO Facebook đã phải trả lời câu hỏi của 44 thượng nghị sĩ, một con số cao kỷlục. Nội dung các câu hỏi xoay quanh công việc thu thập dữ liệu người dùng của Facebook, thế độc quyền của công ty này và quan điểm của Zuckerberg về việc quản lý những doanh nghiệp internet.
Có dính líu với Cambridge Analytica không?
Cambridge Analytica (CA) là công ty tư vấn từng làm việc cho chiến dịch tranh cử Tổng thống Mỹ năm 2016 của ông Donald Trump. Đơn vị này bị cáo buộc thu thập trái phép thông tin người dùng Facebook để phát triển một cơ chế dự đoán và ảnh hưởng đến thái độ của cử tri Mỹ.
Dữ liệu ban đầu được thu thập bởi Giáo sư Aleksandr Kogan của Đại học Cambridge, thông qua một ứng dụng. Facebook thời điểm đó cho phép ứng dụng này hoạt động. Tuy nhiên, ông Kogan đã vi phạm điều khoản dịch vụ khi cung cấp dịch vụ cho công ty CA.
Trước câu hỏi liệu nhân viên của Facebook có dính dáng với CA trong thời gian diễn ra cuộc tranh cử Tổng thống hay không của Thượng nghị sĩ Maria Cantwell, Zuckerberg trả lời ông không biết, nhưng có thể họ “có giúp đỡ”.
“Tôi biết chúng tôi có giúp đỡ chiến dịch tranh cử của ông Trump giống như cách chúng tôi giúp các chiến dịch khác”, ông Zuckerberg cho biết.
Khi bị Thượng nghị sĩ Richard Blumenthal chất vấn về thỏa thuận giữa Giáo sư Kogan và Facebook, trong đó có chi tiết “Facebook đã được thông báo về việc Kogan có thể bán thông tin có được”, Zuckerberg cho hay ông “chưa đọc hết” thỏa thuận này. Theo Thượng nghị sĩ Blumenthal, Facebook đã cố ý làm lơ dù biết Kogan vi phạm.
Cân nhắc thu phí người dùng
CEO Zuckerberg nhận phải không ít câu hỏi về mô hình kinh doanh và khả năng bảo vệ dữ liệu của người dùng khi quá phụ thuộc vào việc thu thập thông tin về đời sống, thái độ của họ. Nhiều nghị sĩ đã nêu khả năng thu phí người dùng để có thể ngăn chặn những quảng cáo không mong muốn xuất hiện.
Đáp lại, ông Zuckerberg khẳng định sẽ luôn có một phiên bản Facebook miễn phí, nhưng sẽ cân nhắc đến một phiên bản trả phí.
Nghe lén điện thoại
Trong phiên điều trần, nghị sĩ Gary Peters nhắc đến giả thuyết Facbook thu thập thông tin từ các cuộc hội thoại trên điện thoại người dùng. Dựa trên dữ liệu, công ty sẽ gửi những quảng cáo đúng thứ mà người dùng tìm kiếm khi họ mở tài khoản Facebook.
Zuckerberg cho biết Facebook quả thực có cho người dùng ghi lại những đoạn video và chia sẻ chúng. Âm thanh trong những đoạn video là một trong những dữ liệu mà Facebook thu thập “để cải tiến chất lượng dịch vụ”, nhưng công ty này không bao giờ nghe lén điện thoại người dùng.
Tài khoản giả
Thượng nghị sĩ Chris Coons chất vấn CEO Facebook về sự tồn tại của nhiều tài khoản “ma”. Ông cho rằng hệ thống đánh dấu và xử lý những nội dung không phù hợp của công ty này hoạt động chưa hiệu quả.
Zuckerberg cho biết sắp tới Facebook sẽ nỗ lực thực hiện chính sách kiểm tra nội dung tốt hơn. Ông nóitrong tương lai, công tác phát hiện và xóa bỏ những bài viết mang giọng điệu thù hằn, dòng đăng gây phiền toái sẽ được thực hiện bởi trí tuệ nhân tạo (AI).
Tình trạng “độc quyền” của Facbook
Ông Zuckerberg đã không thể xác định được ai đối thủ cạnh tranh lớn nhất của Facbook. Đây là câu hỏi chất vấn do Thượng nghị sĩ Lindsey Graham đưa ra.
Khi được ông Graham hỏi về suy nghĩ bản thân khi Facebook bị xem là nhà độc quyền, Zuckerberg cho biết: “Chắc chắn tôi không cảm thấy vậy”.
Thượng nghị sĩ Dan Sullivan cũng đánh giá Facebook hiện quá “quyền lực”. Zuckerberg không thừa nhận và cũng không phủ nhận nhận xét này. Ông cho rằng quy mô khổng lồ của Facebook, 2 tỉngười dùng, là điều mà người Mỹ nên tự hào.
Ngoài những nội dung trên, CEO Facebook trong cuộc điều trần cũng tiết lộ đội ngũ của ông Robert Mueller đã tiến hành thẩm vấn nhân viên của công ty này về nghi án Nga can thiệp bầu cử Mỹ năm 2016. Tuy nhiên, bản thân Zuckerberg chưa bị thẩm vấn.
Ông chủ Facbook nhấn mạnh thất bại trong việc xác định nhanh chóng những nỗ lực can thiệp của Nga là “một trong những hối tiếc lớn nhất khi điều hành công ty”.
“Một số người tại Nga có công việc là xâm nhập vào hệ thống của chúng tôi và nhiều hệ thống khác. Đây là một cuộc chạy đua vũ trang. Họ sẽ cải thiện khả năng của mình, và chúng tôi cũng phải đầu tư để phát triển hơn”, theo ông Zuckerberg.
Dự kiến ông sẽ phải trải qua một cuộc điều trần nữa vào ngày 11.4 (giờ địa phương).
Cẩm Bình (theo CNN, The Independent, The Verge)