Theo VCCI, cần có những biện pháp cải cách mạnh mẽ hơn rất nhiều không chỉ về gia nhập thị trường mà còn cả các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp thì mới có thể đạt được mục tiêu đề ra về số doanh nghiệp tại Nghị quyết 35, còn mục tiêu 2 triệu DN vào 2030 là không hề đơn giản.

Phải cải cách thật sự mạnh mẽ mới đạt mục tiêu 1 triệu doanh nghiệp vào năm 2020

17/12/2019, 14:15

Theo VCCI, cần có những biện pháp cải cách mạnh mẽ hơn rất nhiều không chỉ về gia nhập thị trường mà còn cả các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp thì mới có thể đạt được mục tiêu đề ra về số doanh nghiệp tại Nghị quyết 35, còn mục tiêu 2 triệu DN vào 2030 là không hề đơn giản.

Nếu cải cách mạnh mẽ, có thể đạt mục tiêu 1 triệu DN

Theo báo cáo của VCCI, Nghị quyết 35 năm 2016 của Chính phủ đặt ra mục tiêu cả nước có ít nhất 1 triệu doanh nghiệp hoạt động vào năm 2020. Theo tính toán trong bảng, nếu có thể duy trì được mức tăng trưởng số doanh nghiệp trong giai đoạn 2015-2018 thì đến ngày 31.12.2020, cả nước sẽ có 984.003 doanh nghiệp, đạt 98,4% so với mục tiêu đề ra. Tốc độ tăng số doanh nghiệp trung bình cả nước trong 3 năm 2015-2018 là 17,3% mỗi năm.

Như vậy, trong khoảng thời gian còn lại, cần có những biện pháp cải cách mạnh mẽ hơn rất nhiều không chỉ về gia nhập thị trường mà còn cả các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp thì mới có thể đạt được mục tiêu đề ra về số doanh nghiệp tại Nghị quyết 35.

Năm 2016, đầu nhiệm kỳ Chính phủ hiện nay, theo chỉ đạo của Chính phủ, tất cả các địa phương trên cả nước đã ký cam kết với VCCI về việc cải thiện môi trường kinh doanh thuận lợi cho các doanh nghiệp, trong đó, có 40/63 tỉnh thành đã có nội dung cam kết về số lượng doanh nghiệp tính đến 2020.

Theo tính toán, nếu vẫn duy trì tốc độ tăng doanh nghiệp như trong 3 năm 2015- 2018 thì sẽ có 27/40 tỉnh thành đạt và vượt cam kết, và có 13/40 tỉnh thành không đạt được số lượng doanh nghiệp như đã cam kết.

Địa phương có mức cam kết cao nhất là Bắc Giang, phấn đấu trong 5 năm tăng 341% số doanh nghiệp, từ 2.043 lên 9.000 doanh nghiệp. Đến 2018, Bắc Giang đã có 5.451 doanh nghiệp, tăng 167%, và nếu tiếp tục duy trì tốc độ tăng này thì đến 2020, Bắc Giang sẽ có 10.486 doanh nghiệp, tăng 413% so với năm 2015, đạt 117% so với cam kết. Đây cũng là địa phương có tốc độ tăng doanh nghiệp cao nhất cả nước, trung bình 39% mỗi năm.

Đồng Nai là tỉnh có tỷ lệ tăng doanh nghiệp nhanh thứ 2 cả nước, trung bình đạt 32% cho giai đoạn 2015-2018. Tỉnh này cam kết tăng số doanh nghiệp từ 9.188 lên 25.000 doanh nghiệp, tức là tăng 172% trong 5 năm, và nếu duy trì tốc độ như hiện nay thì Đồng Nai sẽ có 36.968 doanh nghiệp vào năm 2020, vượt Hải Phòng và Đà Nẵng trở thành địa phương có số doanh nghiệp cao thứ 4 cả nước, sau TP.HCM, Hà Nội và Bình Dương.

Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5, khoá XII vừa qua đã xác định mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 có hơn 1,5 triệu doanh nghiệp và đến năm 2030 có ít nhất 2 triệu doanh nghiệp. Đây là mục tiêu không đơn giản và đòi hỏi nhiều nỗ lực của các bộ ngành và địa phương để có thể đạt được.

DN càng lớn, kiểm tra, thanh tra càng nhiều

Kết quả điều tra PCI cho thấy, các doanh nghiệp cho rằng khả năng dự đoán thay đổi chính sách đối với quy định pháp luật của Trung ương có xu hướng giảm trong các năm qua. Tỷ lệ doanh nghiệp cho biết họ luôn luôn hoặc thường xuyên dự đoán được thay đổi chính sách giảm từ mức 16% trong năm 2014 xuống còn 5% trong năm 2018.

Trong khi đó, tỷ lệ doanh nghiệp không bao giờ hoặc hiếm khi dự đoán được nội dung chính sách tăng từ mức 42% trong năm 2014 lên mức 67% trong năm 2018. Sự suy giảm khả năng dự đoán chính sách này là xu hướng nhất quán trong 5 năm qua. Đây là một thực tế rất đáng quan ngại về môi trường đầu tư tại Việt Nam.

Nếu xét trên phạm vi cả nước, số lần thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp trong năm 2018 có xu hướng giảm so với năm 2017. Đặc biệt, tỷ lệ doanh nghiệp bị thanh tra, kiểm tra từ 2 lần trong năm trở lên giảm mạnh từ 39,8% xuống còn 18,9%. Đây là mức giảm tương đối mạnh, chứng tỏ trên bình diện chung thì các cơ quan nhà nước đã chấp hành Chỉ thị 20 của Thủ tướng và Nghị quyết 35.

Tuy nhiên, vẫn có 18,9% doanh nghiệp cho biết họ bị thanh tra, kiểm tra từ 2 lần trở lên. Nếu tính tổng số lần thanh kiểm tra trên tổng số doanh nghiệp thì có khoảng nửa triệu cuộc thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp là từ lần thứ hai trở lên.

Một đặc điểm khác đáng chú ý đó là trong khi số lần thanh tra, kiểm tra trung bình hàng năm của doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ, và vừa lần lượt là 1,1 lần, 1,8 lần, và 2,7 lần thì số lần thanh, kiểm tra trung bình đối với doanh nghiệp lớn là 3,3 lần.

Doanh nghiệp quy mô càng lớn và hoạt động càng lâu năm thường là đối tượng bị thanh tra, kiểm tra nhiều hơn và trùng lặp nội dung cũng nhiều hơn. 22% doanh nghiệp lớn và 14,7% doanh nghiệp thành lập trước năm 2000 bị thanh tra, kiểm tra trùng lặp.

Cũng theo kết quả điều tra PCI, ở các địa phương, những cơ quan thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp nhiều nhất là cơ quan thuế (39% doanh nghiệp lựa chọn), cơ quan an toàn phòng chống cháy nổ (30%), và quản lý thị trường (19%).

Lam Thanh

Bài liên quan
Một số tồn tại, vi phạm trong tái cơ cấu, cổ phần hóa doanh nghiệp tại Bộ Giao thông vận tải
Thanh tra Chính phủ vừa có thông báo kết luận thanh tra việc tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ đất sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp cổ phần hóa sang kinh doanh đất, xây dựng nhà ở giai đoạn 2011 - 2021 tại Bộ Giao thông vận tải.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư trao đổi chuyên đề 'Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam'
7 giờ trước Sự kiện
Chiều 25.11, tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Giáo sư, Tiến sĩ Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam trực tiếp trao đổi chuyên đề “Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Phải cải cách thật sự mạnh mẽ mới đạt mục tiêu 1 triệu doanh nghiệp vào năm 2020