Chiều 12.3, hai nhà nghiên cứu độc lập về nước mắm là TS Trần Thị Dung và chuyên gia Vũ Thế Thành đã làm việc với lãnh đạo H.Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang) cùng các doanh nghiệp sản xuất nước mắm.
Nội dung làm việc xoay quanh bản dự thảo tiêu chuẩn quốc gia 12607-2019 về quy phạm thực hành sản xuất nước mắm, do Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản (Bộ NN-PTNT) chủ trì biên soạn.
Bà Hồ Kim Liên - Chủ tịch Hội Sản xuất nước mắm H.Phú Quốckhẳng địnhHội chưa hề nhận được bất kỳ bản dự thảo nào từ các đơn vị soạn thảo TCVN 12607-2019. Còn chuyên gia Vũ Thế Thành thì cho rằngbản dự thảo TCVN 12607-2019 thực sự là mối đe dọavới nghề làm nước mắm truyền thống.
Theo ông Thành, chỉ cần áp dụng mộttrong những yêu cầu là hàm lượng Histamin (theo Codex quốc tế quy định là 400ppm/lít), thì sẽ khiến hàng loạt vùng làm nước mắm với nguyên liệu chỉ có cá biển và muối (nước mắm truyền thống) chết ngay.
Chuyên gia Thành giải thích thêm, bản thân nước mắm cao đạm chắc chắn có hàm lượng Histamin vượt ngưỡng. Nhưng hàm lượng này vẫn chưa đủ gây nguy hiểm cho người tiêu dùng, do lượng nước mắm mỗi người sử dụng hằng ngày rất ít, chỉ vài muỗng canh là cùng.
Ông Huỳnh Quang Hưng - Phó chủ tịch UBND H.Phú Quốccho biết, vào tháng 7.2013, Liên minh châu Âu (EU) đã trao chứng nhận tên gọi xuất xứ “Phú Quốc” cho sản phẩm nước mắm Việt Nam tại Brussels (Bỉ).Đây là sản phẩm đầu tiên của Việt Nam được EU cấp chứng nhận chỉ dẫn địa lý. Nếu dự thảo TCVN 12607-2019 được ban hành thì chứng nhận này không còn ý nghĩa gì cả.
“Không thể để một đặc sản quốc hồn quốc túynhư nước mắm Phú Quốc bị mai một được. Chúng ta phải chung tay, chung sức để không chỉ bảo vệ nhà sản xuấtmà còn bảo vệ người tiêu dùng; bảo vệ di sản vô giá của cha ông ta”, ông Hưng nói.
TS Trần Thị Dung, người có hơn 20 năm nghiên cứu về nước mắm cho hay, bản dự thảo TCVN 12607-2019 có nhiều nội dung rất khó hiểu, nhưng không hề lạ. Khó hiểu bởi vì chỉ vừa đọc vài trang đầu, TS Dung đã phát hiện điểm bất thường.
Trước tiên ở mục 3 của phần thuật ngữ và định nghĩa, dự thảo nêu “nước mắm nguyên chất” (genuine fish sauce) và “nước mắm” (fish sauce). Trong đó, khái niệm “nước mắm” được nêu là sản phẩm được chế biến từ nước mắm nguyên chất, có thể bổ sung nước muối, đường và phụ gia thực phẩm, có thể được điều chỉnh màu, điều chỉnh mùi.
TS.Dung khẳng địnhkhái niệm “nước mắm” trong dự thảo TCVN 12607-2019 rõ ràng đã cố tình “đánh lận con đen” bởi theo đúng nghĩa của từ thì khái niệm này đã đánh đồng “nước mắm” với “nước chấmpha chế” (còn gọi là nước mắm công nghiệp).
“Tôi cho rằng một dự thảo mà có tới 50 điểm không phù hợp, thậm chí dùng từ “khuyết tật” để chỉ các lỗi hoặc sai sót trong quá trình sản xuất nước mắm, thì nên dẹp bỏ, chứ không nên tạm dừng làm gì”, ông Vũ Thế Thành nói.
Bà Nguyễn Thị Tịnh (Hội viên Hiệp hội Nước mắm Phú Quốc) cho biếttoàn bộ 83 doanh nghiệp thành viên đều nhất trí ký văn bản kiến nghị bãi bỏ bản dự thảo nói trên. Ngoài ra Câu lạc bộ nước mắm truyền thống Phú Quốc, các Hội Nước mắm Nha Trang, Phan Thiết, Cát Hải… cũng đồng loạt phản ứng với nội dung của bản dự thảo.
Thanh Vĩnh