Dù Chủ tịch Tập Cận Bình có gặp ông Modi trong 5 phút và thảo luận một số vấn đề nhưng Bộ ngoại giao Trung Quốc khăng khăng hai bên không hề có cuộc họp song phương.
Trung Quốc hôm thứ Hai từ chối thừa nhận cuộc tiếp xúc giữa Chủ tịch Tập Cận Bình với Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi khi họ góp mặt hội nghị thượng đỉnh G20 tại Hamburg vào tuần trước. Phía Trung Quốc nhấn mạnh rằng không có cuộc gặp song phương giữa hai nhà lãnh đạo.
Phía Ấn Độ cũng không mô tả cuộc tiếp xúc như một "cuộc họp song phương" nhưng nói rằng "một loạt các vấn đề" đã được hai nhà lãnh đạo thảo luận trong cuộc tiếp xúc chỉ kéo dài năm phút.
Đối mặt với một loạt các câu hỏi của phóng viên về cách Trung Quốc nhìn nhận về buổi tiếp xúc nói trên giữa lãnh đạo 2 quốc gia đông dân nhất hành tinh, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Geng Shuang chỉ biết trả lời liên tục rằng không có cuộc gặp song phương nào diễn ra.
"Theo thông tin của tôi, hai nhà lãnh đạo đã không tổ chức cuộc họp song phương", ông Geng Shuang nói và cho biết thêm: "Bên lề Hội nghị G20, Chủ tịch Tập cũng chủ trì cuộc họp không chính thức của lãnh đạo các nước BRICS. Thủ tướng Modi và các lãnh đạo khác trong BRICS cũng tham gia sự kiện này".
Khi bị hỏi ngược lại là phải chăng hai nhà lãnh đạo không hề có cuộc tiếp xúc nào thì ông Geng Shuang vẫn lặp lại: "Theo thông tin của tôi, hai nhà lãnh đạo đã không tổ chức cuộc họp song phương".
Khi phóng viên chìa bức ảnh mà Bộ Ngoại giao Ấn Độ đưa ra cho thấy hai nhà lãnh đạo bắt tay nhau, trò chuyện với các thông dịch viên, ông Geng Shuang có vẻ lúng túng nhưng vẫn lặp lại câu trả lời: "Như tôi đã nói nhiều lần, hai nhà lãnh đạo của Ấn Độ và Trung Quốc đã không tổ chức cuộc gặp song phương nào cả... Nhưng Chủ tịch Tập đã chủ trì cuộc họp không chính thức của các nước BRICS và trong thời gian đó Thủ tướng Modi cũng có mặt".
Tại sao Bắc Kinh khăng khăng dùng câu chữ để chối bỏ sự tồn tại cuộc gặp giữa ông Tập và ông Modi bất chấp 2 bên đã nói chuyện và bắt tay? Báo chí Ấn Độ cho rằng Trung Quốc vẫn chưa sẵn sàng dùng những từ thể hiện sự nồng ấm khi quân đội hai bên có những căng thẳng ở khu vực Doklam biên giới với Bhutan.
Giữa Trung Quốc và Bhutan đang có bất đồng về biên giới tại Doklam và Ấn Độ trong vai trò là đồng minh của Bhutan đã phải đưa quân đến khu vực này. Trung Quốc đã kêu gọi Ấn Độ rút quân ngay lập tức khỏi khu vực.
Khi được hỏi liệu cuộc xung đột tại Doklam có được hai lãnh đạo đưa ra thảo luận, ông Geng Shuang nói lại thông tin không có gì mới "về vấn đề biên giới, chúng tôi xác nhận lại rằng phía Ấn Độ nên rút về phía họ" đồng thời khẳng định: "đây là điều kiện tiên quyết cho bất kỳ cuộc đối thoại có ý nghĩa nào".
Theo Guardian, tình trạng căng thẳng giữa Ấn - Trung bắt đầu từ ngày 16.6, khi một nhóm quân Trung Quốc đem phương tiện xây dựng và làm đường bắt đầu di chuyển về phía nam, nhằm thực hiện kế hoạch mở rộng một tuyến đường biên giới xuyên qua vùng cao nguyên mà Bhutan nhận chủ quyền và gọi là Doklam, trong khi Trung Quốc nói khoảnh đất này thuộc vùng Động Lãng của họ.
Vương quốc Bhutan đã nhờ New Delhi giúp chặn kế hoạch xây đường của Trung Quốc, Ấn liền cử quân đến chặn cuộc hành quân của binh lính Trung Quốc, phản đối kế hoạch xây đường của Trung Quốc là vi phạm một thỏa thuận năm 2012 buộc 3 bên hỏi ý kiến nhau trước.
Ngày 29.6, Bhutan ra tuyên bố chính thức, cáo buộc Trung Quốc xây đường trong lãnh thổ Bhutan là ‘trắng trợn’ vi phạm các thỏa thuận. Thế nhưng theo các quan chức Trung Quốc, lính biên phòng Ấn cản trở “các hoạt động bình thường” của phía Trung Quốc bằng cách phản đối kế hoạch xây đường.
A.T