Cá rồng vây cao là loài hiếm nhất trong nhóm cá sống ở biển sâu khu vực vịnh Monterey.

Phát hiện cá rồng màu đồng hiếm có ngoài khơi bờ biển California

Long Hải | 06/05/2022, 20:00

Cá rồng vây cao là loài hiếm nhất trong nhóm cá sống ở biển sâu khu vực vịnh Monterey.

ca-rong.gif
Cá rồng vây cao là loài hiếm nhất trong nhóm cá sống ở biển sâu khu vực vịnh Monterey

Các nhà sinh vật học hải dương trong chuyến thám hiểm vịnh Monterey ở California đã phát hiện ra một loài cá biển sâu quý hiếm có tên cá rồng vây cao (Bathophilus flemingi). Đây là loài hiếm nhất trong tất cả các loài cá rồng. Các nhà khoa học trước đây chỉ phát hiện những cá thể còn sống chỉ một vài lần.

Trong ba thập kỷ, các nhà nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Thủy cung vịnh Monterey (MBARI) đã tìm kiếm dưới đáy sâu của vịnh bằng các phương tiện điều khiển từ xa (ROV) và phát hiện nhiều sinh vật kỳ lạ, bao gồm một số loài cá rồng. Tuy nhiên, cá rồng vây cao đã được chứng minh là khó phát hiện nhất. Con cá đặc biệt này đã được tìm thấy ở độ sâu 300 mét.

Bruce Robison, nhà khoa học cấp cao của MBARI, trưởng nhóm nghiên cứu, cho biết: “Cá rồng vây cao là loài động vật đáng kinh ngạc một phần là do màu sắc của nó. Lớp vảy của cá rồng lấp lánh màu đồng không giống bất kỳ loài cá nào sống ở biển sâu. Các sắc tố tạo nên lớp da màu đồng có thể là một dạng ngụy trang. Màu sắc này hấp thụ ánh sáng xanh chiếu xuống vùng biển sâu, khiến cá gần như không thể nhìn thấy được trong môi trường sống của nó”.

Kiểu ngụy trang này phù hợp với loài cá rồng vây cao như một kẻ săn mồi phục kích. Chúng trôi nổi trong bóng tối, chờ những con cá nhỏ và động vật giáp xác bơi qua. Tuy nhiên, những con mồi này không tiếp cận một cách ngẫu nhiên. Thay vào đó, chúng bị thu hút lại gần bởi sợi phát quang sinh học chìa ra từ cằm của con cá rồng.

Robison nói: “Cá rồng sử dụng bộ phận đó để thu hút những con mồi nhìn thấy điểm phát sáng và nghĩ rằng đó là thứ đủ nhỏ để chúng có thể ăn được. Khi con mồi tiếp cận đủ gần, bộ hàm rộng và nhiều răng của cá rồng sẽ siết chặt chúng”.

Cá rồng sử dụng phát quang sinh học không chỉ để bắt mồi mà còn để tránh bị ăn thịt. Robison cho biết: “Nhiều động vật ăn thịt săn mồi bằng cách nhìn lên trên để phát hiện đường nét hoặc bóng của con mồi so với ánh sáng của vùng nước phía trên. Những cơ quan này của cá rồng vây cao phù hợp với màu sắc và cường độ của ánh sáng phía trên, giúp che mờ hình bóng của cá”.

Khi Robison và nhóm các nhà nghiên cứu phát hiện ra loài cá này, họ đang tham gia chuyến thám hiểm kéo dài một tuần trên phương tiện nghiên cứu (RV) Western Flyer, tiến hành nhiều thí nghiệm và quan sát trong thời gian tương đối ngắn trên biển. Mặc dù có lịch trình dày đặc, nhóm nghiên cứu trên con tàu này phải nắm bắt cơ hội và sẵn sàng ứng phó với những điều bất ngờ, vì họ không bao giờ biết mình có thể phát hiện ra điều gì.

“Chúng tôi là những nhà thám hiểm. Nếu bạn muốn nhìn thấy thứ gì đó thú vị, bạn thường phải chuyển hướng để tìm kiếm nó. Việc phát hiện ra loài cá rồng vây cao này chỉ là một trong nhiều ví dụ cho thấy sự tò mò về đại dương của chúng tôi đã được đền đáp”, Robison chia sẻ.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư trao đổi chuyên đề 'Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam'
4 giờ trước Sự kiện
Chiều 25.11, tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Giáo sư, Tiến sĩ Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam trực tiếp trao đổi chuyên đề “Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Phát hiện cá rồng màu đồng hiếm có ngoài khơi bờ biển California