Stonehenge, kỳ quan thời kỳ đồ đá mới ở Anh, là một bí ẩn với giới khảo cổ và sử học trong suốt nhiều thế kỷ. Mới đây, các nhà nghiên cứu đã phát hiện 15 khối đá cự thạch khổng lồ của Stonehenge được lấy từ khu rừng gần đó.

Phát hiện nguồn gốc đá cự thạch dùng để xây Stonehenge

31/07/2020, 11:43

Stonehenge, kỳ quan thời kỳ đồ đá mới ở Anh, là một bí ẩn với giới khảo cổ và sử học trong suốt nhiều thế kỷ. Mới đây, các nhà nghiên cứu đã phát hiện 15 khối đá cự thạch khổng lồ của Stonehenge được lấy từ khu rừng gần đó.

Vòng tròn đá bí ẩn Stonehenge 4.000 năm tuổi ở Wiltshire, Anh - Ảnh: English Heritage

Các nhà khảo cổ và sử học từ lâu đã tranh luận về nguồn gốc của các khối đá cự thạch khổng lồ được sử dụng để xây tượng đài thời tiền sử ở Wiltshire, Anh. Trong thời gian dài, các nhà khoa học đau đầu không biết chúng được di chuyển và xếp chồng lên nhau như thế nào.

Các nhà nghiên cứu của tổ chức Di sản Anh mới đây đã công bố một phát hiện mang tính đột phá, theo đó có khả năng những khối đá sa thạch dùng để xây tượng đài Stonehenge có nguồn gốc từ West Woods, vùng rừng ở cách đó 24 km, gần thị trấn Marlborough. Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Science Advances hôm 29.7.

Phát hiện này củng cố thêm giả thuyết cho rằng các tảng đá cự thạch được đưa đến đây khoảng năm 2500 trước Công nguyên và có thể những người xây dựng chúng đến từ một xã hội có tính tổ chức cao.

Những khối đá sa thạch dùng để xây tượng đài Stonehenge có nguồn gốc từ West Woods - Ảnh: English Heritage

Stonehenge do người dân thời đồ đá mới xây dựng chủ yếu gồm hai loại đá xếp thành hình vòng tròn khuyết. Những phiến đá nhỏ hơn gọi là đá xanh đến từ vùng đồi Preseli ở tây nam xứ Wales. Loại lớn hơn dựng thẳng đứng là những khối cự thạch cấu tạo từ đá sa thạch, nặng 30 tấn và cao đến 7 m, tạo thành 15 trụ lớn của tượng đài hình tròn.

Trong một thời gian dài, các chuyên gia nghi ngờ rằng những viên đá có thể có nguồn gốc từ Marlborough Downs, một khu đồi ở phía bắc tượng đài, nhưng "không thể xác định chính xác". Tuy nhiên, tất cả giả thuyết đã thay đổi vào năm ngoái khi một mẩu đá bị mất được trả lại. Một nhân viên khai quật đã lấy đi lõi của một khối đá cự thạch vào năm 1958. Người này đã trả lại mẩu đá vào đêm trước sinh nhật lần thứ 90 của ông.

"Khi Robert quyết định trả lại mẩu đá vào năm ngoái, các chuyên gia đã có manh mối để tìm thêm bằng chứng", tổ chức Di sản Anh viết trên Twitter.

Một mẩu đá bị mất được trả lại sau 60 năm đã giúp giải đáp nguồn gốc các khối đá cự thạch - Ảnh: English Heritage

Nhóm nghiên cứu đã thực hiện thử nghiệm không xâm lấn các khối đá sa thạch và phần lõi bị mất. Thử nghiệm cho thấy chúng có cùng đặc điểm hóa học và đến từ cùng khu vực. Sau đó, họ phân tích mẫu vật đá sa thạch trên khắp nước Anh, từ Norfolk tới Devon, để so sánh thành phần hóa học với mẫu đá ở Stonehenge. Kết quả cuối cùng cho thấy nơi có độ trùng khớp cao nhất là vùng rừng West Woods, cách Stonehenge 40 phút lái xe.

Giáo sư địa vật lý David Nash tại Đại học Brighton, tác giả chính của nghiên cứu chia sẻ: "Thật thú vị khi được tham gia một nghiên cứu khoa học trong thế kỷ 21 để hiểu về thời kỳ đồ đá mới và giải đáp một câu hỏi mà các nhà khảo cổ học tranh luận trong nhiều thế kỷ".

Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu vẫn chưa rõ tại sao những người xây dựng Stonehenge lại lấy đá sa thạch từ West Woods trong khi nhiều khu vực khác gần đó cũng dày đặc loại đá này. Họ đặt ra giả thuyết nguyên nhân có thể nằm ở kích thước đồ sộ của đá ở West Wood.

Một bí ẩn khác mà các nhà khoa học chưa có lời giải là làm thế nào mà những khối đá cự thạch được vận chuyển ở khoảng cách xa đến nơi xây dựng Stonehenge. Các nhà khoa học nói thêm rằng cần phải nghiên cứu để tìm ra vị trí chính xác của các viên đá trong West Woods nhằm xác định "các hố khai thác sa thạch thời tiền sử".

Long Hải (theo CNN)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư trao đổi chuyên đề 'Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam'
4 giờ trước Sự kiện
Chiều 25.11, tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Giáo sư, Tiến sĩ Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam trực tiếp trao đổi chuyên đề “Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Phát hiện nguồn gốc đá cự thạch dùng để xây Stonehenge