Sau lần đầu tiên xét nghiệm âm tính với vi rút SARS- CoV-2, phi công người Anh - bệnh nhân 91 tiếp tục cho kết quả xét nghiệm RT-PCR âm tính với vi rút SARS-CoV-2. Hiện bệnh nhân đã có chuyển biến tích cực nhưng vẫn còn thở máy, lọc máu và hồi sức với oxy hoá máu qua màng ngoài cơ thể (ECMO).
TP.HCM: Hơn 33% doanh nghiệp có 'rủi ro lây nhiễm COVID-19 mức trung bình'
Cắt giảm 20.000 công nhân, Công ty PouYuen được phép hoạt động trở lại
Bệnh viện Chợ Rẫy ứng dụng khai báo y tế tự động và nhận dạng khuôn mặt
TP.HCM: Kết thúc theo dõi ổ dịch COVID-19 ở quán bar Buddha
Người chưa phát bệnh COVID-19 gần như không thể lây bệnh
Kit chẩn đoán COVID-19 của Việt Nam đạt chất lượng, hiệu quả đến đâu?
Nghiêm cấm việc xét nghiệm COVID-19 theo yêu cầu
Sở Y tế TP.HCM cho biết, trong sáng nay (19.4) phi công người Anh -bệnh nhân 91 tiếp tục cho kết quả RT PCR đều âm tính với SARS-CoV-2 ở cả dịch rửa phế quản và dịch mũi họng. Như vậy đây là lần thứ 2 bệnh nhân này âm tính với vi rút SARS-CoV-2, lần trước là vào ngày 12.4.
Hiện bệnh nhân 91 đang điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM trong tình trạng không sốt, mạch huyết áp bình thường, rối loạn đông máu kiểm soát tạm ổn, chức năng phổi có cải thiện. Tuy nhiên, bệnh nhân này vẫn cònrất nặng, nguy kịch đang phải tiếp tục thở máy và hỗ trợ hồi sức với oxy hoá máu qua màng ngoài cơ thể (ECMO).
Theo Sở Y tế TP.HCM, hiện tại TP chỉ còn 5 người mắc COVID-19 đang điều trị, trong đó có 4 người đang điều trị ở Bệnh viện dã chiến Củ Chi và 1 người đang điều trị ở Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM. Cả 4 bệnh nhân điều trị tại Bệnh viện dã chiến Củ Chi đang trong tình trạng khỏe mạnh, ổn định, chỉ riêng bệnh nhân 91 điều trị ở Bệnh viện Nhiệt đới còn rất nặng.
Điều đáng nói, hơn 10 ngày qua, TP.HCM không phát hiện bệnh nhân nhiễm COVID-19 mới nhưng các bệnh viện được phân công tiếp nhận và điều trị bệnh nhân dương tính vẫn luôn trong tư thế sẵn sàng, các kíp trực vẫn luôn được duy trì, công tác vệ sinh kiểm soát nhiễm khuẩn các phòng cách ly luôn được duy trì và đảm bảo đúng quy định.
Đặc biệt, 2 bệnh viện được lập ra để cách ly và điều trị bệnh nhân mắc COVID-19 là Bệnh viện dã chiến Củ Chi và Bệnh viện điều trị COVID-19 Cần Giờ đã làm rất tốt công tác cách ly, điều trị bệnh nhân mắc COVID-19, nếu không thì Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM sẽ quá tải.
Trong 2 tháng hoạt động, Bệnh viện dã chiến Củ Chi đã tiếp nhận và cách ly tổng số 560 trường hợp cách ly kiểm dịch và cách ly điều trị, trong đó có 108 ca nghi nhiễm với 34 người mắc COVID-19. Riêng Bệnh viện điều trị COVID-19 Cần Giờ sau hơn 1 tháng hoạt động cũng đã tiếp nhận điều trị cho 141 người, trong đó có 16 người mắc COVID-19.
Sở Y tế TP.HCM cho biết trong thời gian tới sẽ tiếp tục duy trì các trạng thái sẵn sàng hoạt động của Bệnh viện dã chiến Củ Chi và Bệnh viện điều trị COVID-19 Cần Giờ.
Bên cạnh đó, để chuẩn bị cho tình hình mới trong giai đoạn tiếp theo, “tiến tới chung sống an toàn với dịch COVID-19, Sở Y tế TP đã xây dựng “Bộ chỉ số đánh giá rủi ro lây nhiễm vi-rút SARS-CoV-2 tại cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn TP. Căn cứ vào bộ chỉ số đánh giá rủi ro này, các bệnh viện và các cơ sở khám, chữa bệnh sẽ tự đánh giá và được Sở Y tế kiểm tra, đánh giá lại, những cơ sở khám, chữa bệnh có chỉ số rủi ro lây nhiễm cao và rất cao phải có giải pháp giảm thiểu rủi ro và phải đánh giá lại trước khi hoạt động lại.
Theo Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM, đến nay ngành y tế TP đã kiểm tra 1.290 doanh nghiệp về hoạt động phòng chống COVID-19 theo chỉ thị 16 và bộ tiêu chí đánh giá mức độ rủi ro lây nhiễm. Kết quả kiểm tra cho thấy có 29% đơn vị rất ít rủi ro, 66% đơn vị rủi ro thấp, 4% đơn vị có mức độ rủi ro trung bình và 0,1% đơn vị có mức độ rủi ro cao.
Hồ Quang