Phi hành đoàn tàu vũ trụ Thần Châu 17 đã sửa chữa các tấm pin Mặt trời bị hư hỏng trên Trạm không gian Thiên Cung. Đây là hoạt động ngoài hành tinh đầu tiên của các phi hành gia Trung Quốc.
Nhịp đập khoa học

Phi hành gia Trung Quốc lần đầu sửa chữa các tấm pin Mặt trời bị hỏng trên trạm Thiên Cung

Sơn Vân 22/12/2023 21:10

Phi hành đoàn tàu vũ trụ Thần Châu 17 đã sửa chữa các tấm pin Mặt trời bị hư hỏng trên Trạm không gian Thiên Cung. Đây là hoạt động ngoài hành tinh đầu tiên của các phi hành gia Trung Quốc.

Theo Cơ quan Vũ trụ có người lái Trung Quốc, nhiệm vụ kéo dài khoảng 7 tiếng rưỡi, được thực hiện bởi nhóm ba thành viên hôm 21.12, với sự trợ giúp của các kỹ sư mặt đất và cánh tay robot của Trạm không gian Thiên Cung.

Cơ quan này cho biết hai trong số phi hành đoàn đã mạo hiểm ra ngoài mô đun lõi Thiên Hà của Trạm không gian Thiên Cung để tiếp cận và sửa chữa mặt trước cùng mặt ngoài của các tấm pin Mặt trời. Chỉ huy sứ mệnh Tang Hongbo cưỡi cánh tay robot để tiếp cận các tấm pin bị hư hỏng, trong khi Tang Shengjie di chuyển dọc theo lan can để hỗ trợ.

Jiang Xinlin, thành viên phi hành đoàn thứ ba, ở lại mô đun cốt lõi để giám sát chuyển động của cánh tay robot.

“Nhiệm vụ ngoài không gian này có ý nghĩa đặc biệt và rất thách thức. Đó là công việc thực sự”, Tang Hongbo nói.

phi-hanh-gia-trung-quoc-lan-dau-sua-chua-cac-tam-pin-mat-troi-bi-hong-tren-tram-khong-gian-thien-cung.jpg
Các phi hành gia của Thần Châu 17 thực hiện công việc sửa chữa các tấm pin Mặt trời bị hư hỏng trên trạm không gian Thiên Cung do các mảnh vụn không gian - Ảnh: Tân Hoa Xã

Lin Xiqiang, Phó giám đốc Cơ quan Vũ trụ có người lái Trung Quốc, nói vào tháng 10 rằng các tấm pin của Thiên Cung đã bị hư hỏng nhẹ do tác động của “các mảnh vụn không gian nhỏ”.

Các tấm pin linh hoạt và có thể uốn cong, còn được gọi là “đôi cánh”, sử dụng tia nắng Mặt trời để cung cấp năng lượng cho Thiên Cung.

Phi hành đoàn Thần Châu 17 sẽ “tiến hành bảo trì thử nghiệm bên ngoài trạm không gian để sửa chữa hư hỏng”, Lin Xiqiang cho biết hôm 25.10, một ngày trước khi phóng tàu vũ trụ trong chuyến bay vào không gian có người lái thứ 12 của Trung Quốc.

Thiên Cung, trạm không gian trên quỹ đạo Trái đất tầm thấp, được tạo thành từ ba mô đun gồm mô đun lõi Thiên Hà được phóng vào năm 2021 cùng mô đun thử nghiệm Vấn Thiên và Mạnh Thiên (cả hai đều được phóng vào năm ngoái). Ba mô đun đều được trang bị hai cặp tấm pin Mặt trời, có tổng diện tích hơn 800 m2.

Nhà phân tích hàng không vũ trụ Pang Zhihao cho biết: “Trạm không gian Thiên Cung sẽ hoạt động trong hơn 10 năm và chắc chắn sẽ bị va chạm bởi các mảnh vụn không gian cùng thiên thạch nhỏ… Những tấm pin Mặt trời khổng lồ có thể uốn cong này rất dễ bị va đập, vì vậy cần phải bảo trì rất tinh tế để duy trì hoạt động ổn định”.

Cơ quan Vũ trụ châu Âu ước tính có hơn 130 triệu mảnh vụn không gian đang ở trên quỹ đạo, trong đó có 36.500 mảnh lớn hơn 4 inch (10,2cm). Vì chúng bay vòng quanh Trái đất nhanh hơn đạn nên ngay cả những mảnh vỡ nhỏ nhất cũng có thể làm hỏng tàu vũ trụ.

Nhiệm vụ bảo trì bên ngoài phương tiện đặt ra một số thách thức, gồm cả thời gian có hạn. Ding Rui, nhà phát triển tại Học viện Công nghệ Vũ trụ Trung Quốc, nói với đài truyền hình CCTV rằng phải mất khoảng 90 phút để Thiên Cung quay quanh Trái đất một lần. Trong đó, hơn 50 phút được phơi nắng.

Việc tiếp xúc với tia Mặt trời sẽ khiến các tấm pin tạo ra dòng điện, gây nguy hiểm cho công việc bảo trì. Vì vậy, phi hành đoàn chỉ có thể làm việc khi trạm không gian Thiên Cung ở trong bóng của Trái đất.

Dong Nengli, Phó giám đốc thiết kế của Dự án Kỹ thuật Không gian có Người lái của Trung Quốc, nói với CCTV: “Dù lần này được cho là thử nghiệm nhưng chúng tôi thực sự đã đạt được mục đích bảo trì ngoài tàu vũ trụ”.

Ông hoan nghênh các phi hành gia đã hoàn thành thành công sứ mệnh, nói rằng nó đã “đặt nền tảng vững chắc cho chúng tôi để đảm bảo hoạt động an toàn, đáng tin cậy và ổn định của trạm không gian”.

Với phi hành đoàn vũ trụ trẻ nhất từ trước đến nay của Trung Quốc, tàu Thần Châu 17 đã đến Trạm không gian Thiên Cung vào ngày 26.10 trong thời gian lưu trú 6 tháng.

Ngoài việc bảo trì trạm, nhóm sẽ tiếp tục công việc của phi hành đoàn Thần Châu 16 trước đó, đã thực hiện 70 thí nghiệm trong các lĩnh vực gồm cả y học vũ trụ, công nghệ sinh học, sinh thái học, vật lý chất lỏng và khoa học vật liệu. Họ cũng thực hiện chuyến đi bộ ngoài không gian và một số nhiệm vụ mang tải trọng.

Tính đến tháng 12.2021, các phi hành gia trên Trạm vũ trụ Quốc tế (ISS) đã thực hiện 245 chuyến đi bộ ngoài không gian để lắp ráp và bảo trì tàu. ISS được phóng vào năm 1998 và là sự hợp tác đa quốc gia, với sự đóng góp từ Mỹ, Nga, Canada, Nhật Bản và một số quốc gia châu Âu.

Tham vọng của Trung Quốc với trạm không gian Thiên Cung

Khác với ISS, Trạm không gian Thiên Cung hoàn toàn do Trung Quốc xây dựng và điều hành.

Không gian là một đấu trường không mới dành cho các quốc gia cạnh tranh uy tín quốc tế. Trong Chiến tranh Lạnh, Mỹ và Liên Xô cạnh tranh để đưa người đầu tiên lên Mặt trăng vào những năm 1960.

Trung Quốc đặt mục tiêu trở thành một “cường quốc vũ trụ trên mọi phương diện”, từ việc tiến hành nghiên cứu khoa học tiên tiến và thậm chí cung cấp “sự hỗ trợ mạnh mẽ cho việc thực hiện Giấc mơ Trung Hoa”, theo Sách trắng của chính phủ năm 2016.

Trung Quốc cũng coi chương trình không gian là phương thức bảo vệ an ninh quốc gia. Các báo cáo từ Mỹ cho biết năng lực ngày càng gia tăng của Trung Quốc trong không gian có thể mang lại lợi thế quân sự tiềm năng, chẳng hạn như trong việc thu thập thông tin tình báo.

Mặt khác, Mỹ vẫn vượt xa Trung Quốc rất nhiều về tổng tài trợ của chính phủ cho các hoạt động không gian. Vào năm 2020, Trung Quốc đã phân bổ 8,9 tỉ USD tài trợ cho các chương trình không gian, trong khi con số của Mỹ là 48 tỉ USD.

Với việc Nga, nước có các phi hành gia chiếm đa số trong số cư dân của ISS cùng với Mỹ, chuẩn bị rút khỏi ISS trong bối cảnh căng thẳng ngày càng tăng với phương Tây về cuộc chiến Ukraine, một kỷ nguyên hợp tác không gian có thể sắp kết thúc.

Giống như ISS, mục đích chính của Thiên Cung là thực hiện nghiên cứu khoa học, với hơn 1.000 thí nghiệm dự kiến được triển khai trong vòng 10 năm tới.

Số này bao gồm 9 dự án quốc tế từ 17 quốc gia sẽ bắt đầu trong năm nay, từ y học hàng không vũ trụ đến khoa học đời sống và công nghệ sinh học.

Thiên Cung sẽ hỗ trợ một kính viễn vọng không gian công suất cao có tên là Tuần Thiên, dự kiến sẽ được phóng vào khoảng năm 2023. Đây là câu trả lời của Trung Quốc với Kính viễn vọng không gian Hubble, sự hợp tác giữa Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Quốc gia và Cơ quan Vũ trụ châu Âu.

Tuần Thiên sẽ có thể quan sát số lượng lớn các thiên hà và truyền dữ liệu về trái đất để giúp các nhà khoa học làm sáng tỏ những bí ẩn đằng sau cách chúng phát triển.

Kể từ năm 2011, các phi hành gia Trung Quốc đã bị luật pháp Mỹ ngăn không cho tiếp cận ISS vì lo ngại chuyển giao công nghệ và tác động với an ninh quốc gia.

Năm 2003, Trung Quốc đưa phi hành gia đầu tiên lên vũ trụ, hơn 10 năm sau khi nước này phát triển kế hoạch chi tiết vạch ra tham vọng không gian. Qua đó, Trung Quốc cùng với Mỹ và Liên Xô cũ là những quốc gia đạt được kỳ tích này một cách độc lập.

Kể từ đó, Trung Quốc đã trở thành một trong những nước du hành vũ trụ tích cực nhất và những thành tựu gần đây là nguồn tự hào quốc gia. Việc duy trì sự hiện diện lâu dài trong không gian với Thiên Cung được kỳ vọng sẽ giúp chuẩn bị đưa các phi hành gia lên mặt trăng và xây dựng Trạm Nghiên cứu Mặt trăng Quốc tế lâu dài với Nga.

Bài liên quan
Pin mặt trời mới sử dụng perovskite mang đến bước đột phá về năng lượng tái tạo
Trong thành tựu mang tính bước ngoặt có thể định hình lại bối cảnh năng lượng tái tạo, nhóm các nhà nghiên cứu Trung Quốc đã phát triển một loại pin mặt trời mới với hiệu suất đột phá, độ ổn định chưa từng có và tuổi thọ kéo dài.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Temu, Shein... 'đổ bộ' Việt Nam, chuyển đổi số cấp thiết hơn bao giờ hết
11 giờ trước Khoa học - công nghệ
Chuyển đổi số trong linh vực bán buôn, bán lẻ đang cấp thiết hơn bao giờ hết khi các sàn thương mại điện tử như Temu, Shein... "đổ bộ" thị trường Việt Nam.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Phi hành gia Trung Quốc lần đầu sửa chữa các tấm pin Mặt trời bị hỏng trên trạm Thiên Cung