Rút kinh nghiệm từ cơn bão số 7 khi xảy ra một số sự cố dẫn đến chết người, Phó thủ tướng Lê Văn Thành yêu cầu tránh chủ quan dẫn tới thiệt hại, sự cố đáng tiếc.
Các địa phương đã sẵn sàng ứng phó bão
Chiều 12.10, tại cuộc họp của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống thiên tai về ứng phó bão số 8 (có tên quốc tế Kompasu), ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia cho biết bão số 8 hiện có cường độ cấp 10-11 và có khả năng mạnh lên. Tuy nhiên, khi vào gần bờ, do ảnh hưởng của không khí lạnh liên tục tăng cường, bão sẽ suy yếu 2-3 cấp. Khu vực bị ảnh hưởng trực tiếp là từ Thanh Hóa đến Quảng Bình.
Đại diện các địa phương cho biết cơ bản đã sẵn sàng ứng phó bão. Các địa phương đã kêu gọi, hướng dẫn, kiểm soát bảo đảm an toàn đối với hầu hết tàu thuyền hoạt động trên biển (chỉ còn 3 tàu của tỉnh Quảng Ngãi với 29 lao động đang hoạt động ở khu vực quần đảo Hoàng Sa).
Phó chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Hoàng Nghĩa Hiếu cho biết theo dự báo, bão số 8 sẽ ảnh hưởng trực tiếp vào Nghệ An, lượng mưa có thể lên tới 200-300 mm. Tuy nhiên, hiện ở Nghệ An có lượng hồ đập rất nhiều với hơn 1.000 hồ.
"Đến giờ lượng mưa bình quân lớn hơn các năm, với lượng hồ đầy nước như vậy thì rất nguy hiểm vì toàn hồ đập nhỏ, hồ xây dựng đã lâu, đã tổ chức trực 24/24 để kịp thời ứng phó khi có tình huống bất ngờ", ông Hiếu nói.
Đại diện tỉnh Nghệ An cho biết có năm kịch bản sơ tán dân ven biển ứng với từng cấp độ bão, nước biển dâng. Tuy nhiên vẫn có khó khăn là có 6.500 lao động từ phía nam đổ về đang phải cách ly tập trung theo quy định. Nơi sơ tán dân đã dành cho cách ly tập trung. Tỉnh đang rà soát tìm nơi mới để làm nơi sơ tán dân.
Ngoài ra, ông Hiếu cũng cho biết miền núi Nghệ An có độ dốc phức tạp, đang có 33 điểm sạt lở núi từ năm 2020. Từ chiều và đêm nay, tỉnh đang di dời, sơ tán dân cư đến nơi an toàn.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Lê Đức Giang báo cáo, tỉnh đã huy động toàn bộ 559 đội xung kích sẵn sàng ứng trực. Vào 18 giờ tối nay, tỉnh sẽ ra lệnh cấm biển.
Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Đặng Ngọc Sơn, tỉnh hiện có 351 hồ đập, đến nay, hồ đập đã chứa đến 70% dung tích. Một số hồ phải xả tràn để chống lũ.
Tỉnh Hà Tĩnh cũng đã bố trí các lực lượng ra quân trực chốt ở tất cả điểm có nguy cơ ngập lụt để cảnh báo giao thông; bảo đảm nơi trú tránh tốt nhất cho bà con di chuyển từ các tỉnh phía nam ra bắc.
Với khoảng 13.900 người đang cách ly phòng chống COVID-19, tỉnh đã lên phương án bảo đảm an toàn cho các khu cách ly tập trung.
Đại diện Bộ Công an cho biết đã chuẩn bị 5.000 phương tiện thủy để ứng phó lụt; hơn 1.300 phương tiện bộ, hơn 1.000 máy phát điện và 40.000 phao cứu sinh các loại; bố trí trên 68.000 cán bộ, chiến sĩ để thực hiện nhiệm vụ phòng chống thiên tai.
Không thể chủ quan
Phó thủ tướng Lê Văn Thành nêu rõ phải cấp bách triển khai các biện pháp ứng phó. “Chúng ta không thể chủ quan”, Phó thủ tướng nói và yêu cầu các địa phương cần hết sức tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, bằng mọi cách giữ vững những kết quả đạt được trong công tác phòng chống thiên tai.
Theo Phó thủ tướng, tính từ đầu năm đến nay, thiệt hại do thiên tai gây ra đã được hạn chế ở mức thấp. Số người tử vong do thiên tai khoảng 100 người trong khi bình quân nhiều năm là vào khoảng 400 người.
Vừa qua, công tác ứng phó với bão số 7 và mưa lũ đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, bảo đảm an toàn tính mạng, giảm thiệt hại cho người dân. Tuy nhiên, Phó thủ tướng lưu ý, cũng còn xảy ra một số thiệt hại đáng tiếc như sự cố tai nạn chìm 1 tàu đánh cá của tỉnh Thái Bình làm 1 người bị thiệt mạng; cháu bé thiệt mạng do bị rơi xuống suối ở Yên Bái và 1 người bị lũ cuốn khi đi qua ngầm tràn trong lũ.
“Công tác phòng chống càng căn cơ, càng tập trung thì thiệt hại càng giảm. Nếu chủ quan thì thiệt hại sẽ rất lớn”, Phó thủ tướng nhấn mạnh và cho hay phải hạn chế tới mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra.
"Năm nay, chúng ta đã chịu nhiều ảnh hưởng về mọi mặt bởi COVID-19, nếu thêm ảnh hưởng nữa của thiên tai thì sẽ càng khó khăn", Phó thủ tướng chia sẻ.
Phó thủ tướng yêu cầu, cần tiếp tục bám sát, nắm chắc tình hình, nhất là công tác kêu gọi tàu thuyền, khi vẫn còn tàu thuyền chưa về nơi trú tránh an toàn, cố gắng không để bà con vẫn ở trên biển khi bão số 8 đổ bộ vào.
Phó thủ tướng lưu ý việc sơ tán dân ở khu vực nguy hiểm, dễ xảy ra sạt lở, đặc biệt là khu vực bị ảnh hưởng bởi bão số 7. Theo đó, sơ tán dân nhưng phải bảo đảm an toàn dịch bệnh, trong đó, tập trung bảo đảm an toàn cho các khu cách ly tập trung. Kiểm soát, hướng dẫn, hạn chế người dân đi lại qua vùng bão, lũ, tránh thiệt hại đáng tiếc về người do bất cẩn.
Ngoài ra, các địa phương cần quan tâm chăm lo việc trú tránh bão cho bà con khi di chuyển từ các tỉnh phía nam về quê như lo ăn uống, chỗ ở để sau khi hết bão, bà con có thể tiếp tục di chuyển.
Rút kinh nghiệm từ cơn bão số 7 khi xảy ra một số sự cố, dẫn đến chết người, Phó thủ tướng nêu rõ, cần tiếp tục tuyên truyền, hướng dẫn cho người dân, tránh chủ quan dẫn tới thiệt hại, sự cố đáng tiếc. Không chỉ cơ quan báo chí truyền thông mà cả hệ thống chính trị cần vào cuộc để tuyên truyền, hướng dẫn người dân phòng chống mưa bão.