Thủ tướng đề nghị người dân và doanh nghiệp chia sẻ với các địa phương trong việc triển khai các giải pháp, vì cũng muốn bảo vệ sức khỏe nhân dân nhưng làm thiếu thống nhất, gây ách tắc, gây bức xúc cho người dân.

Địa phương muốn bảo vệ người dân, DN nhưng làm thiếu thống nhất, gây bức xúc

Lam Thanh | 12/10/2021, 15:19

Thủ tướng đề nghị người dân và doanh nghiệp chia sẻ với các địa phương trong việc triển khai các giải pháp, vì cũng muốn bảo vệ sức khỏe nhân dân nhưng làm thiếu thống nhất, gây ách tắc, gây bức xúc cho người dân.

Bảo đảm chuỗi cung ứng, dòng tiền

Tại cuộc gặp mặt của Thủ tướng với giới doanh nhân ngày 12.10, ông Trần Xuân Hà, Thứ trưởng Bộ Tài chính cho rằng nhờ có đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp, kinh tế nước ta có sự phát triển và tăng trưởng, gia tăng về kim ngạch xuất nhập khẩu. Cũng chính từ đó, thu ngân sách có tăng, hầu như thu năm sau vượt năm trước, bảo đảm nguồn lực phát triển kinh tế và an sinh xã hội.

Theo ông Hà, Bộ Tài chính đã phối hợp với các bộ, ngành để tham mưu cho Chính phủ, Quốc hội các nghị quyết, nghị định, quyết định về các giải pháp giãn, hoãn, tiền thuế phải nộp, giảm thuế, tiền thuê đất, giảm các khoản phí và lệ phí. Riêng gói hỗ trợ về tài chính, thuế, phí… nếu thực hiện từ nay đến cuối năm thì tổng kinh phí là 138 nghìn tỉ để hỗ trợ cho các doanh nghiệp.

Về giải pháp thời gian tới, ông Hà cho rằng có hai nội dung. Thứ nhất là cần bảo đảm sự thông suốt của chuỗi sản xuất và cung ứng. Đây không phải chỉ có sản xuất và cung ứng trong nước, mà còn liên thông với thị trường bên ngoài. Giải pháp về nguồn cung, xuất khẩu, tiêu dùng nội địa là rất quan trọng. Trong bối cảnh hiện nay, khuyến khích tiêu dùng nội địa trong nước cũng là cần thiết.

txh.jpg
Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà phát biểu - Ảnh: VGP

Vấn đề thứ hai là đảm bảo dòng tiền không bị đứt gãy. Dòng tiền này có mối liên hệ giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ.

Về chính sách tài khóa, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục tiếp thu ý kiến của các doanh nghiệp và doanh nhân để tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ các chính sách ưu đãi thuế phí, để bảo đảm chúng ta có nguồn lực hỗ trợ sản xuất kinh doanh.

Ông Hà cũng cho biết Bộ Tài chính tiếp tục bố trí nguồn lực tiêm chủng vắc xin mở rộng và giải pháp phòng, chống dịch, hỗ trợ vùng dịch.

“Về phối hợp giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ, chúng tôi sẽ cùng với Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu báo cáo với Thủ tướng Chính phủ xem xét cơ chế lãi suất đối với doanh nghiệp vay vốn ngân hàng có nguồn lực đẩy mạnh sản xuất kinh doanh”, Thứ trưởng Trần Xuân Hà cho biết.

Chủ tịch Tập đoàn Sơn Hà kiến nghị Chính phủ cần thực hiện ngay giải pháp phù hợp trên quy mô lớn trong trung và dài hạn, đáp ứng 4 mục tiêu: Tạo điều kiện để nền kinh tế phục hồi nhanh chóng; hỗ trợ hoạt động của doanh nghiệp nhằm ngăn chặn, giảm thiểu tình trạng mất thanh khoản, phá sản, giải thể; thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế phù hợp với những thay đổi trên thế giới sau đại dịch; kích thích tiêu dùng trong nước, đảm bảo an sinh xã hội.

“Tôi cho rằng cần ổn định chính sách tài khóa, hỗ trợ doanh nghiệp có đủ vốn vượt qua khó khăn; nới lỏng điều kiện để doanh nghiệp được hỗ trợ bằng tiền thông qua gói tín dụng, phục hồi sau đại dịch. Chính sách tài khóa cần thực hiện có trọng tâm. Hỗ trợ đầu tư trong nước và thu hút đầu tư nước ngoài có chọn lọc”, ông Sơn nói.

Ông cũng đề nghị Ngân hàng Nhà nước điều hành lãi suất linh hoạt, chỉ đạo các ngân hàng thương mại cơ cấu lại thời hạn trả nợ, hoãn, giảm lãi suất đối với doanh nghiệp làm ăn thua lỗ. Đề xuất chênh lệch không quá 2,5% giữa lãi suất huy động, lượng vốn và lãi suất cho vay; có giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm thị trường mới, tránh phụ thuộc vào một thị trường…

Chính sách hỗ trợ chưa đạt yêu cầu

Thủ tướng cho biết thời gian qua, có những việc đã làm được, có những việc chưa làm được do nguyên nhân chủ quan và khách quan, trong đó nguyên nhân chủ quan là phần nhiều. Chính phủ nhìn nhận điều này một cách khách quan và thẳng thắn, tìm giải pháp khắc phục những hạn chế, cố gắng làm tốt hơn vì quốc gia, dân tộc, nhân dân, trong đó có doanh nghiệp.

“Chúng tôi rất thấu hiểu và chia sẻ với những khó khăn của người dân và doanh nghiệp, càng trân trọng những đóng góp của người dân và doanh nghiệp bao nhiêu thì càng thấy trách nhiệm của mình”, Thủ tướng nói.

Theo Thủ tướng, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách như Nghị quyết 68, Nghị quyết 52, Nghị định 116… để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp. Đây là nỗ lực lớn nhưng so với mong muốn và ảnh hưởng dịch bệnh thì chưa đạt yêu cầu. Thủ tướng cho rằng cần cố gắng nhiều hơn nữa và mong cộng đồng doanh nghiệp, người dân tiếp tục chia sẻ với Đảng, Nhà nước.

Thủ tướng cũng nhấn mạnh Chính phủ sẽ sớm hoàn thiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, trong đó tập trung hỗ trợ khôi phục và thúc đẩy sản xuất kinh doanh cho cộng đồng doanh nghiệp.

tt-3.jpg
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại cuộc gặp - Ảnh: VGP

Mong muốn lớn nhất của nhiều doanh nghiệp là tiêm vắc xin cho người lao động. Thủ tướng cho biết đang phấn đấu đạt mục tiêu bao phủ vắc xin chậm nhất trong quý 4 năm 2021 với các đối tượng ưu tiên. Trước hết là tiêm hai mũi, trong đó ưu tiên người trên 50 tuổi, người có bệnh nền, các lực lượng tuyến đầu, người lao động trong các doanh nghiệp.

Thủ tướng cũng đề nghị người dân và doanh nghiệp chia sẻ với các địa phương trong việc triển khai các giải pháp. “Cũng muốn bảo vệ sức khỏe nhân dân nhưng làm thiếu thống nhất, gây ách tắc, gây bức xúc cho người dân. Tuy nhiên, quá trình mở cửa trở lại, phục hồi và thúc đẩy sản xuất kinh doanh phải bảo đảm lộ trình an toàn, không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác”.

Thủ tướng cũng nhấn mạnh cần đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; từng bước mở cửa du lịch an toàn. Nghiên cứu, học tập kinh nghiệm các nước tiên tiến, áp dụng hộ chiếu vắc xin để đón chuyên gia và du khách, bảo đảm an toàn; kích cầu tiêu dùng, đầu tư, hỗ trợ cả phía cầu và phía cung; hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận tín dụng, lãi suất…

“Đây là bài toán khó đòi hỏi chúng ta phải thận trọng, tỉnh táo nhưng không vì thế mà chậm trễ, không cầu toàn nhưng cũng không nóng vội”, Thủ tướng nói.

Thủ tướng cũng yêu cầu đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công; phát triển hạ tầng, nhất là hạ tầng số; đặc biệt là có nhiều giải pháp khôi phục thị trường lao động; thiết lập kênh thông tin phù hợp để người dân và doanh nghiệp phản ánh, kiến nghị; giải quyết những yêu cầu, mong muốn của người dân và doanh nghiệp nhanh nhất.

“Thay mặt Chính phủ, tôi xin chia sẻ những việc đã và đang làm, có nhiều việc làm tốt, có không ít việc không làm được, quan trọng nhất là chúng ta phát hiện kịp thời để tháo gỡ, giải quyết. Tôi tin tưởng dân tộc ta, đất nước ta sẽ vượt qua khó khăn, tiếp tục phát triển”, Thủ tướng chia sẻ.

Bài liên quan
Doanh nghiệp kỳ vọng sớm có chương trình tổng thể phục hồi kinh tế
Các doanh nghiệp (DN) mong chờ và kỳ vọng sẽ sớm có một chương trình tổng thể phục hồi kinh tế được thiết kế khoa học, sát hợp với nhu cầu doanh nghiệp, có tính khả thi cao.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng dự lễ khởi công cao tốc cửa khẩu Hữu Nghị - Chi Lăng
4 giờ trước Sự kiện
Sáng 21.4, tại huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ khởi công dự án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ cao tốc cửa khẩu Hữu Nghị - Chi Lăng.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Địa phương muốn bảo vệ người dân, DN nhưng làm thiếu thống nhất, gây bức xúc