Ngày 20.3, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã yêu cầu UBND tỉnh Nghệ An chỉ đạo các cơ quan chức năng khẩn trương xử lý vụ việc vỡ đập bùn thải khai thác thiếc tại xã Châu Thành, huyện Quỳ Hợp, tỉnh Nghệ An.
Trước đó, trong các ngày 12-13.3, báo chí có nhiều tin bài phản ánh về vụ việc vỡ đập chứa bùn thải khai thác thiếc trên đỉnh núi Lan Toong, xã Châu Thành, huyện QuỳHợp, tỉnh Nghệ An của Xí nghiệp Thiếc Suối Bắc (thuộc Công ty cổ phần Kim loại màu Nghệ Tĩnh).
Theo thông tin từ các báo, việc vỡ đập đã dẫn đến một lượng lớn bùn thải bị xả thẳng ra môi trường và làm người dân hoang mang, lo lắng. Báo Nghệ An còn nhận định sự cố là do doanh nghiệp làm bừa, làm ẩu.
Về vụ việc này, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu UBND tỉnh Nghệ An chỉ đạo các cơ quan chức năng khẩn trương xử lý vụ việc, khắc phục hậu quả xảy ra đối với môi trường; thực hiện kiểm tra việc chấp hành pháp luật về môi trường của doanh nghiệp khai thác thiếc để xảy ra sự cố vỡ đập bùn thải, xử lý nghiêm nếu có sai phạm.
Trước đó, vào sáng 9.3, tại khu vực khai thác, sơ chế quặng thiếc của Xí nghiệp Thiếc Suối Bắc (xã Châu Thành, huyện Quỳ Hợp) thuộc Công ty cổ phần Kim loại màu Nghệ Tĩnh, Tổng công ty Khoáng sản TKV đã xảy ra sự cố khiến nhiều mét khối bùn, nước thải quặng thiếc đã tràn ra ngoài, gây ảnh hưởng đến môi trường. Tại vị trí đập xã Châu Cường, trên suối Nậm Huống cách vị trí đập chứa thải khoảng 13km, người dân phát hiện có hiện tượng cá chết; đồng thời, ao hồ của một số người dân cũng có hiện tượng cá chết nổi lên.
Trước sự cố này, ngày 12.3, Bộ Công Thương đã cử tổ công tác vào Nghệ An để kiểm tra thực tế hiện trường. Sau quá trình làm việc, Bộ Công Thương kết luận, đập thải quặng đuôi bị vỡ là một hạng mục công trình bảo vệ môi trường trong báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được UBND tỉnh Nghệ An phê duyệt...
Căn cứ quy định tại điều 3, Quyết định số 50/QĐ-UBND tỉnh Nghệ An thì Công ty cổ phần Kim loại màu Nghệ An phải lập hồ sơ, trình UBND tỉnh Nghệ An xác nhận hoàn thành xây dựng các công trình bảo vệ môi trường (trong đó có hạng mục đập thải bị vỡ) trước khi đưa dự án khai thác mỏ vào vận hành chính thức. Tuy nhiên, đến nay công ty chưa được cấp giấy xác nhận hoàn thành các công trình bảo vệ môi trường.
Theo nội dung trong đánh giá tác động môi trường (ĐMT) thì đập thải này phải có rãnh thoát nước chảy tràn được kè bằng đá hộc và trát vữa bê tông. Tuy nhiên, qua thực tế kiểm tra thì các rãnh này vẫn hoàn toàn bằng đất.
Thiết kế kỹ thuật của đập thải do chủ doanh nghiệp tự thiết kế và phê duyệt. Đến thời điểm kiểm tra, công ty vẫn chưa trình được cho đoàn công tác hồ sơ thi công và vận hành hồ thải.
Theo đó, một trong những nguyên nhân gây nên sự cố vỡ đập thải là do chủ doanh nghiệp chưa tuân thủ các quy định của pháp lý hiện hành về quản lý sản xuất an toàn và bảo vệ môi trường.
Do vậy, đoàn kiểm tra yêu cầu công ty dừng hoạt động của bãi thải tập trung nguồn lực, khắc phục sự cố. Tuyệt đối không để xảy ra tràn bùn thải ra môi trường, đặc biệt có các biện pháp phòng ngừa khi điều kiện mưalũ xảy ra; yêu cầu Tập đoàn TKV chỉ đạo Tổng công ty Khoáng sản kiểm điểm và làm rõ nguyên nhân sự cố, trách nhiệm của đơn vị và các cá nhân có liên quan đến sự cố vỡ đập.
Bên cạnh đó, đoàn công tác củaBộ Tài nguyên -Môi trườngđã tiến hành kiểm tra nơi xảy ra sự cố,lập biên bản yêu cầu dừng ngay việc khai thác, gia cố lại thân đập bể chứa số 2 tại Công ty cổ phần Kim loại màu Nghệ Tĩnh; không cho tiếp tục đổ nước và bùn thải vào khu vực vừa xảy ra sự cố và yêu cầu công ty phải có biện pháp cải tạo môi trường trước mắt.
Hoài Phong