Đối với cánh phóng viên thể thao, khi đi tác nghiệp ở giải U.21 là một niềm vui khi được làm bóng đá đúng nghĩa với cái đầu nhẹ nhàng, tươi tắn, chỉ quan tâm đến chất lượng chuyên môn.

Phóng viên thể thao & U.21

Thanh Niên | 23/10/2016, 07:00

Đối với cánh phóng viên thể thao, khi đi tác nghiệp ở giải U.21 là một niềm vui khi được làm bóng đá đúng nghĩa với cái đầu nhẹ nhàng, tươi tắn, chỉ quan tâm đến chất lượng chuyên môn.

Phóng viên Dư Hải (Báo Thể Thao TP.HCM): Mong giải đấu tiếp tục được duy trì

20 năm một chặng đường không ngắn, giải bóng đá U.21 Báo Thanh Niên đã tạo một sân chơi thiết thực cho các cầu thủ trẻ. Đây cũng là vườn ươm các tài năng trẻ cho đội tuyển quốc gia như Văn Quyến, Công Vinh, Thành Lương, Phi Sơn… Giải cũng tạo được uy tín với bạn bè quốc tế thông qua việc tổ chức thêm giải U.21 quốc tế thu hút các đội ở khu vực Đông Nam Á, châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc…
Với tôi, việc tham dự giải đấu truyền thống hằng năm còn là cơ hội để các đồng nghiệp được dịp gặp gỡ, trao đổi và học hỏi kinh nghiệm cùng nhau. Mong rằng giải tiếp tục được duy trì với chất lượng tốt nhằm giúp bóng đá VN ngày càng vững mạnh.

Phóng viên Quang Liêm (Báo Người Lao Động): U.21 ghi dấu từng bước trưởng thành của tôi

Năm 2005, năm đầu tiên tôi được mời tham dự giải bóng đá trẻ U.21 Báo Thanh Niên tại TP Quy Nhơn - Bình Định đầy nắng, gió và vị biển. Thấm thoắt mà đã hơn 10 năm và cũng như những năm trước đây, cứ mỗi mùa giải U.21 Báo Thanh Niên là những ngày hồi hộp, háo hức và cánh phóng viên chúng tôi lại sửa soạn lên đường. Với giải đấu trẻ này, chúng tôi đã từng đi qua những cung đường đầy nắng cao nguyên tại Pleiku, vi vu biển Quy Nhơn, qua vùng gió cát Phan Rang hay cái mộc mạc chân tình của người dân miền tây ở Cần Thơ, những vùng đất mà mỗi trận chung kết tại giải là những cung bậc khác nhau của cảm xúc.

Có đến với U.21, chúng ta sẽ thấy rõ từng bước trưởng thành của các cầu thủ ở một lứa tuổi thật đặc biệt: lứa tuổi bắt đầu chín tới của những lò đào tạo danh tiếng như Nghệ An, Long An hay Gia Lai… mà nhiều cái tên đã thành danh từ đó như Vũ Phong, Minh Đức, Công Vinh, Văn Quyến hay gần đây nhất là Công Phượng, Tuấn Anh…

Có đến với U.21, chúng ta mới thấy được tầm quan trọng của bóng đá trẻ với sự nhiệt tình, thi đấu hết mình mà không tính toán, móc ngoặc của các đội, ngay khi tiêu chí ban đầu của BTC là xây dựng một nền bóng đá sạch từ trong trứng nước.

Và cũng từ U.21 Báo Thanh Niên, tôi đã dần quen với mưa nắng cùng những ly nước uống vội bên đường chạy của các sân vận động trong cả nước, để rồi đó, những tấm hình đẹp, những bài viết sâu sắc lần lượt ra đời từ giải đấu, đánh dấu trưởng thành của tôi với bộ môn bóng đá mới mẻ với một tên lính mới từ phóng viên kinh tế chuyển sang phóng viên thể thao.

Phóng viên Phan Hồng (Báo Bóng Đá): Bệ phóng cho các tài năng

Báo Thanh Niên đồng hành để tổ chức giải qua 20 năm là việc đáng ghi nhận bởi không phải đơn vị tổ chức nào cũng có thể kiên nhẫn tổ chức một giải đấu mà việc kêu gọi tài trợ luôn gặp khó khăn, nhất là trong bối cảnh kinh tế sa sút.

Tôi đồng hành với giải đấu gần như suốt quãng thời gian từ VCK năm 2004 đến nay, ấn tượng đầu tiên của tôi là công tác tổ chức giải công phu, bài bản và chuyên nghiệp. Các giải trẻ khác được đánh giá là nơi phát hiện tài năng để qua đó ươm mầm cho tài năng lớn mạnh. Với giải U.21 Báo Thanh Niên còn là bệ phóng cho những tài năng ấy tỏa sáng để bước vào con đường bóng đá chuyên nghiệp cũng như mở ra cơ hội được tuyển chọn các các đội tuyển QG. Tôi hy vọng Báo Thanh Niên tiếp tục đồng hành để góp phần phát triển bóng đá nước nhà.

Phóng viên Trần Hải (Báo Thể Thao Văn Hóa): Những mùa U.21 ấn tượng

Tôi bắt đầu tác nghiệp tại VCK U.21 Báo Thanh Niên từ năm 2003, khi giải đấu được tổ chức tại Long Xuyên (An Giang) với tư cách là phóng viên tập sự tại Ban thể thao - Báo Thanh Niên. Thêm 14 giải đấu nữa được tổ chức và tất nhiên tôi không bỏ lỡ một VCK nào, từ Pleiku 2004 đến Hải Phòng 2013, Cần Thơ 2014 và gần nhất là tại TP.HCM năm 2015. Đây là một sân chơi - một nấc thang hoàn hảo cho bóng đá trẻ, với phần lớn những ngôi sao của làng túc cầu giáo đều được phát hiện từ đây. Khi giải U.21 quốc tế được khai sinh cách đây 10 năm, nó là cơ hội lớn để chúng ta giao lưu, học hỏi các nền bóng đá phát triển trong và ngoài khu vực Đông Nam Á.

Ở những giai đoạn khác nhau, tôi đánh giá cao nỗ lực của BTC trong việc duy trì giải đấu và đến nay ở tuổi 20, rõ ràng là một cột mốc lịch sử. Ấn tượng lớn nhất với tôi ở VCK U.21 QG -Báo Thanh Niên có lẽ là giải đấu năm 2006 tại Đà Nẵng. Giữa tâm bão Xangsene, những Tiền Giang, HAGL, Nam Định… vẫn làm nên những trận đấu chất lượng bậc nhất và bất ngờ bậc nhất trong lịch sử giải đấu. Tiền Giang với lứa cầu thủ trẻ đầy tài năng như Long Giang, Phúc Hiệp, Nhật Tân, Thanh Hải… đã đăng quang. Tuổi 20, đúng với độ tuổi lý tưởng của một cầu thủ dự giải U.21, tôi kỳ vọng những đột phá khi bóng đá trẻ đang là cứu tinh cho cả nền bóng đá vốn đang có biểu hiện đi xuống.

Phóng viên Quốc Cường (Báo Sài Gòn Giải Phóng): Tính cạnh tranh ngày càng quyết liệt

Cũng như những giải bóng đá trẻ khác trong năm, giải U.21 là sân chơi quý giá cho các cầu thủ trẻ có cơ hội để trải nghiệm khi mà quỹ trận đấu hằng năm dành cho các cầu thủ trẻ thật sự là chưa được nhiều.
Giải còn đáng chú ý khi lứa tuổi này gần như là tuổi “tốt nghiệp” của cầu thủ trẻ từ các lò đào tạo để bước sang bóng đá chuyên nghiệp. Nên cuộc tranh đua giữa các lò đào tạo càng thêm được chú ý. Giải năm nay, sức hút và sự quan tâm của giới hâm mộ còn nhiều hơn từ sự thành công mà các đội tuyển U.16, U.19 quốc gia trên đấu trường quốc tế. Sân chơi V-League cũng có nhiều cầu thủ U.21 đang tranh tài, như lứa cầu thủ của PVF lan tỏa ở 3-4 đội V-League, rồi đến Viettel, hay HN T&T cho thấy quá trình trẻ hóa đang rất thành công. Và cũng khộng thể không nhắc đến HAGL. Những yếu tố đó, tôi nghĩ giải bóng đá U.21 Báo Thanh Niên năm nay sẽ mang đậm dấu ấn về mặt chuyên môn.

Bên cạnh những yếu tố đó, giải U.21 Báo Thanh Niên hằng năm còn là cơ sở để các đại biểu tham gia bầu chọn giải thưởng “Cầu thủ trẻ dưới 21 tuổi xuất sắc” của danh hiệu Quả bóng vàng có đợt thẩm định cuối cùng đối với các cầu thủ trẻ sau 1 năm cống hiến. Chính vì thế, bên cạnh việc phấn đấu hy vọng 1 suất ở đội tuyển U.22 cho SEA Games năm sau, các cầu thủ còn sẽ thể hiện nhiều hơn để hy vọng được tôn vinh tại giải thưởng Quả bóng vàng 2016.

Theo Hoàng Quỳnh (Thanh Niên Tuần San)
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tháo gỡ các rào cản về thể chế để phát triển khoa học công nghệ
2 giờ trước Sự kiện
Tổng Bí thư Tô Lâm chỉ đạo việc triển khai các nhiệm vụ đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số cần có trọng tâm, nhất là chú trọng tháo gỡ các rào cản về thể chế để phát triển khoa học công nghệ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Phóng viên thể thao & U.21